Ánh đèn flash sân khấu rạng rỡ và mê hoặc, những bước chân trần trên thảm đỏ luôn trực bị gai của hoa hồng cắt cứa. Linh Nga thấy buồn và bức xúc vì sự thật rất phũ phàng ấy, bởi với cô, cuộc sống là múa, múa và… múa.
>> Linh Nga lên xe hoa vào ngày 16/12 tới
>> Tự sự chấn động của nữ sinh trường múa
- Cảm xúc của chị sau khi đọc bài về tiết lộ gây sốc phũ phàng của các nam, nữ sinh trường múa Ballet tại Trung Quốc được đăng tải trên báo Sina cách đây vài ngày?
Sau khi đọc xong bài báo này, tôi thấy buồn pha lẫn bức xúc. Tôi thấy đấy là một bài viết chân thực đến xót xa, tôi buồn vì chính tôi hay những người bạn của tôi đều không thể nói ra được những lời chân thực về nghề múa đến thế. Chúng tôi, những người đến với múa với một tâm hồn trong sáng, yêu múa vì nghĩ mình sẽ được múa trọn đời lại lo lắng rằng những bậc phụ huynh, những người làm cha làm mẹ sẽ có cái nhìn u ám về nghề múa sau khi đọc bài báo này. Nhỡ đâu họ lại không cho con em họ theo nghề múa nữa, mới nghĩ đến điều này thoáng qua thôi tôi cũng cảm thấy chạnh lòng.
- Chị cũng đã từng học múa ở Trung Quốc từ khi còn rất nhỏ (12 tuổi), vậy chị có thể chia sẻ những khó khăn lớn nhất của chị là gì ngoài sự thiếu thốn bàn tay chăm sóc từ gia đình?
Đúng như anh nói, những người học múa như tôi, được ra nước ngoài tu nghiệp là một điều vô cùng may mắn. May mắn vì mình được cháy với đam mê, được thực hiện hoài bão. Chính vì vậy những giọt nước mắt tuy mặn chát trực lăn trên má càng khiến chúng tôi thêm vững tin và dũng khí để vượt qua.
Suốt thời gian học nghề, diễn viên múa nào cũng chỉ nhìn thấy hai màu: Đen và Trắng. Đen là những ngày tập luyện, uốn dẻo, nhảy và bài vở còn màu Trắng là sân khấu. Chỉ khi được tốt nghiệp, được công nhận là một diễn viên múa chuyên nghiệp, được đắm mình trong không gian âm nhạc cùng ánh đèn flash huyền ảo thì mới có được màu Đỏ, màu của thành công bước đầu, được sự công nhận của khán giả cùng những tiếng vỗ tay…
- Trong lúc luyện tập, dù có tập trung đến mấy thì cũng không thể tránh khỏi sai sót, thông thường thì chị và các bạn chịu hình phạt nào từ giáo viên?
Thực ra dùng từ “hình phạt” là không được chính xác, ví dụ như khi đi học, nếu không thuộc bài thì bạn bị điểm kém, viết chữ xấu thì viết phạt vài chục đến vài trăm lần cho đẹp mới thôi. Đối với múa, đặc thù của môn nghệ thuật này là phải học từ rất bé, độ tuổi 12 là đẹp nhất vì thời điểm này dễ uốn dẻo, xương chưa cứng. Thời gian đầu, tôi cũng như nhiều người khác không thể tránh khỏi sai sót trong quá trình luyện tập, không đạt được chuẩn thì phải tập cho đến khi nào được mới thôi. Có nhiều động tác khó đến rơi nước mắt nhưng chúng tôi ngầm hiểu là theo nghiệp múa thì phải thế. Không một ai phàn nàn vì nghĩ điều đó là hiển nhiên.
- Chị đã nghe hay chứng kiến có học viên nào phải chịu hình phạt múa nude như những lớp múa Ballet khác ở Trung Quốc?
Trong bài báo, cô bé diễn viên múa ballet có nói rằng cô ấy ở Quảng Đông, mà ở Quảng Đông thì có khá nhiều trường múa ballet. Sau khi tôi học xong 6 năm (1998 - 2004) tại Trường múa Quảng Đông tôi nhận được học bổng của Học viện múa Bắc Kinh trong 4 năm. Tổng cộng trong 10 năm đấy, tôi chưa bao giờ nghe chứ đừng nói đến hình phạt múa nude. Còn thời gian sau này, tôi chỉ đi lưu diễn, không tìm hiểu thêm các bộ môn đào tạo mới là có chuyện múa nude hay không.
Người nghệ sĩ múa khổ luyện, cống hiến cả tuổi xuân cho múa nhưng tuổi nghề lại quá ngắn, chị thấy mình có thiệt thòi không?
Đối với người khác thế nào thì không biết nhưng tôi cảm thấy “Đủ”. Tôi may mắn được học học trong lớp “Những ngôi sao nhỏ”, may mắn được đi học tại nước ngoài rồi khi về nước được làm nghề đúng nghĩa. Quả thực, ngoài 30 tuổi thì người diễn viên múa không còn đủ dẻo dai và sự nhanh nhẹn trong từng động tác múa nữa thế nên điều này là thiệt thòi nhất, không những diễn viên múa, mà diễn viên xiếc hay các vận động viên thể thao, cống hiến cả tuổi thanh xuân rồi để dành “điểm rơi” của sự nghiệp trong vài năm ít ỏi sau đó.
- Chị đang chuẩn bị cho con đường nghệ thuật sắp tới của mình đến đâu rồi, bởi có lần chị chia sẻ rằng sau "Vũ" chị đã hụt hẫng vì thôi được đắm mình trong không gian múa hoàn hảo cùng những tiếng vỗ tay tán dương của khán giả ngày nào?
Tôi sinh ra để dành cho múa, sống chết cũng vì múa. Bất kỳ diễn viên múa nào cũng phải có nghị lực và đam mê thực sự thì mới dám bỏ ra ngần nấy năm tuổi thanh xuân theo đuổi nghề múa. Cái gì cũng cần có giai đoạn và thời gian, để được gọi là một diễn viên múa chuyên nghiệp thì phải được đào tạo kỹ tưỡng chứ những người mới học được một hay hai năm mà vỗ ngực gọi là diễn viên múa chuyên nghiệp thì nghe có vẻ…nực cười.
Trước thông tin về đám cưới của Linh Nga đã được tiết lộ, cô gửi lời cám ơn sự quan tâm của báo giới và khán giả. "Một lần nữa Nga xin khẳng định rằng dù có lập gia đình thì Múa mãi luôn là đam mê suốt đời của mình" - Linh Nga cho biết. |
Diễn viên Chương Tử Di nổi tiếng khắp thế giới với cương vị diễn viên điện ảnh, và cũng không ít người biết chị ấy đã từng học múa tại Học viện múa. Nếu bạn không theo được nghề này thì sẽ biết tìm hướng đi cho một nghề khác và sẽ thành công rực rỡ nếu bạn có khả năng và sự chăm chỉ. Còn tôi thì khác, hiện tại tôi chỉ có múa, tôi nhận hợp đồng quảng cáo cũng liên quan đến múa, còn điện ảnh hay một cái gì khác thì tôi chưa bao giờ dám nghĩ tới chứ đừng nói là thử.
- Hầu hết độc giả khi đọc những bài phỏng vấn về chị luôn cảm nhận được sự già dặn của chị, từ suy nghĩ cho đến hành động, tất cả đều cẩn trọng, chị có nhận thức được điều này?
Tôi được sinh ra trong một gia đình gia giáo, được bố mẹ dạy bảo cho lễ nghĩa từ khi còn rất nhỏ. Thế nên, tôi vẫn luôn dặn lòng mình phải suy nghĩ thật kỹ những gì trước khi phát ngôn bởi những lời nói tuy thoảng qua nhưng nó cũng có thể khiến người khác đau khổ hay muộn phiền. Khi tôi trả lời phỏng vấn, tôi cũng phải cân nhắc câu chữ vì đôi khi một lời nói quá hay nhỡ lời có thể khiến mình hối hận hay gia đình không vui.
Tôi cũng nói thêm, nếu bạn đến với múa một cách vụ lợi, vì một lý do nào đó như để đẹp hơn hay chỉ là đua đòi thì sớm muộn múa cũng bỏ rơi bạn còn bạn có một đam mê thực sự thì múa sẽ cho bạn được nhiều điều tuyệt vời trong cuộc sống.
- Khi ở Trung Quốc, tình cảm gia đình đối với chị là một điều gì đó rất thiêng liêng, nhớ ba mẹ đến quay quắt nhưng rồi cũng phải gạt những giọt nước mắt mặn chát này gồng mình lên sống chết vì múa, một lần nói thực lòng mình, chị đã bao giờ nghĩ đến việc từ bỏ múa trong những ngày đấy?
Buồn thì có chứ nhưng từ bỏ thì không. Khi tôi quyết định sang đấy, tôi đã phải chấp nhận tất cả. Những điều trong bài viết tiết lộ gây sốc của nữ sinh trường múa gần như đã đúng hoàn toàn. Từ tiêu chuẩn phần dưới cơ thể dài hơn phần trên cơ thể, nam nữ phải thay quần áo chung là chuyện thường tình (có mặc áo da bó sát người), yêu cầu về độ dẻo, xoạc ngang xoạc dọc cùng với việc ép cân. Nếu bạn mập quá thì khó có thể múa, các hoạt động sẽ không được linh hoạt…
- Hiến cả tuổi xanh cho múa rồi và lý do gì chị về cơ quan nhà nước như Nhà hát Bông Sen TP.HCM công tác để rồi gặp áp lực “cơm áo gạo tiền”?
Nói thực ra tôi về nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen là vì ba mẹ tôi. Ở nhà hát Bông Sen, tôi thấy rằng có nhiều bậc cha, chú, anh chị diễn viên múa giỏi và đam mê thực sự với nghề. Tôi công tác ở nhà hát rất thoải mái, ngoài những giờ diễn, tôi có thể nhận thêm event ở ngoài để kiếm thêm thu nhập. Tôi cũng đã thành lập công ty Vương Vũ nhằm phối kết hợp với nhà hát Bông Sen tạo điều kiện tốt nhất cho những mầm non yêu múa.
Theo 2Sao