- Bộ phim của Dustin Nguyễn và hai hot girl Ngọc Diệp, Tâm Tít có thực sự giúp khán giả mua được sự sợ hãi hay chỉ là trò “ú òa” dành cho trẻ con?
Có thể hiểu vì sao đến tận ngày phát hành phim vẫn kín tiếng với báo giới. Bởi với thể loại kinh dị, kênh truyền thông nào hiệu quả nhất luôn là để khán giả rỉ tai nhau về nỗi sợ hãi đến từ bộ phim.
Chưa kể, bối cảnh văn hóa, mức độ kiểm duyệt, tài năng sáng tạo… đang là những yếu tố khiến người làm phim chưa mạnh dạn đi sâu khai thác về hiện tượng siêu nhiên, ma quỷ, phù thủy hay những kẻ giết người điên loạn… như thường thấy ở điện ảnh thế giới.
Dustin Nguyễn và Ngọc Diệp trong phim. Bộ phim được quảng bá ở các rạp chiếu bằng hình ảnh kinh dị của sao.
Nhập đề bằng hôn nhân đổ vỡ
Thế nên, phim kinh dị Việt thường tự khoanh vùng ở chất liệu hình sự, tội phạm, xen chút ma quái, tâm linh. Kịch bản ưa thích khởi đi bằng một bí mật then chốt, làm chất men khơi gợi sự tò mò, sợ hãi nơi khán giả.
Trừ việc tung ra hình ảnh ngôi sao trong nhân dạng kinh dị, cùng vài từ khóa có sức gợi mở, bất kỳ sự phô trương nào về nội dung cũng đều khiến phim bớt phần cuốn hút đối với người chưa xem phim. “Giữa hai thế giới” không nằm ngoài đặc điểm này và chấp nhận khả năng ít được khán giả chú ý tới.
Vậy bí mật câu chuyện cộng thêm dàn sao Dustin Nguyễn, Ngọc Diệp, Tâm Tít của bộ phim có đủ sức nặng lôi kéo khán giả - những người đã vét gần như sạch túi để mang lại hàng loạt doanh thu triệu đô cho các “bom tấn” ồn ào của mùa hè này?
Như
nhiều phim Việt khác, “Giữa hai thế giới” bắt đầu bằng những sự thật
được mặc định trên lời thoại mà không cần viện dẫn bất kỳ chi tiết nào
cho thấy sự đáng tin, rằng: ông thủ thầu xây dựng (Dustin Nguyễn) là
người đàn ông giàu có, thành đạt nhưng bị ám ảnh bởi quá khứ nào đấy của
người mẹ, nên anh vừa yêu vừa cảm thấy hận bà.
Mô
típ quen thuộc về một con ma sống trong nhà đang cố gắng truyền thông
điệp của mình, nay được bộ phim làm thêm chút lắt léo… không liên quan.
Rằng,
tình cảm mâu thuẫn ấy khiến anh cay nghiệt với bản thân và với phụ nữ,
trong đó có cả cô vợ trẻ trung, xinh xắn (Ngọc Diệp). Và rằng, đó chính
là lý do cô vợ quyết định treo cổ tự tử…
Dụng chiêu nhát ma
Thực tế, đạo diễn Vũ Thái Hòa và biên kịch Đỗ Minh Viên đã phải cài cắm vài chi tiết lắt léo, tạo độ phức tạp vừa phải cho câu chuyện, để giải quyết mô típ câu chuyện (về một con ma sống trong nhà đang cố gắng truyền thông điệp của mình) vốn đã quá cũ trên màn ảnh. Hiệu quả đạt được là đôi chút phân tán và bối rối nơi người xem nhưng lại khiến câu chuyện trở nên rời rạc, cộng hưởng khó tin với nhịp kể chậm đều buồn tẻ.
Trong hậu trường làm phim, Tâm Tít đang hóa trang để vào vai hồn ma.
Trong tình thế như vậy, để màn ảnh hoàn toàn thuộc về mình, khiến khán giả chỉ còn nhớ tới nhân vật là một thách thức không nhỏ đối với dàn diễn viên hầu hết không chuyên nghiệp. Người nhiều kinh nghiệm nhất như Dustin Nguyễn thì lại chỉ thấy bóng dáng của người đàn ông ít nói, cộc cằn và vũ phu mà anh đã từng hóa thân trong Cánh đồng bất tận. Các “hot girl” Ngọc Diệp hay Tâm Tít được mời vào phim có lẽ bởi khả năng làm chộn rộn giới truyền thông hơn là tài năng diễn xuất thực sự. Càng nặng nề hơn cho họ khi toàn bộ nhân vật trong kịch bản đều không có tên, khiến khán giả gọi luôn nhân vật bằng tên diễn viên cho… tiện.
Khi
diễn xuất chưa khiến khán giả sợ, hình ảnh và âm thanh xem như gánh nốt
trọng trách… hù ma của bộ phim. Dù chưa được hình ảnh hỗ trợ tối đa,
những âm thanh phòng thu rõ ràng đã làm mạnh thêm cường độ cảm xúc cho
câu chuyện. Nhưng cũng chính cách sử dụng âm thanh theo kiểu phim “bom
tấn” này, bộ phim đã bỏ qua một cách đáng tiếc khả năng tạo lập không
gian âm thanh (kèm hình ảnh) gây rùng rợn đặc trưng của dòng phim kinh
dị.
Ngọc Diệp trong vai người vợ đau khổ vì hôn nhân đổ vỡ và sợ hãi vì… ma
Khán giả bị nhát ma theo kiểu “ú òa” dành cho trẻ em, hơn là bị làm cho sợ hãi thực sự chỉ bằng những điều giản dị, như cách mà phim The Signs đã làm với những tiếng chuông gió khác thường, hay The Ring với một vùng biển xáo động như đang ẩn chứa điều khủng khiếp.
Minh Chánh