- Những cung bậc cảm xúc của vở diễn có thể làm tan chảy những trái tim sắt đá nhất đang ngồi dưới hàng ghế khán giả.

Chuyển thể từ truyện ngắn “Trăng nơi đáy giếng” của nhà văn Trần Thùy Mai, “Hãy khóc đi em” bắt đầu bằng một oan trái: Do những trục trặc riêng mà Hạnh không thể có con với Phương sau nhiều năm chung sống. Thành công trong sự nghiệp của Phương càng khoét sâu thêm khiếm khuyết đã khiến hạnh phúc của họ không trọn vẹn, khoảng trống lạnh lùng trong mái ấm của họ thêm nới rộng.

Vở kịch đặt ra một bi kịch có tầm phổ quát về một cặp vợ chồng không thể có con

Đặt ra hoàn cảnh không cá biệt mà điển hình như một trong những vấn đề lớn của hôn nhân, vở kịch trình bày những động cơ, cách giải quyết của người trong cuộc mà có thể sẽ gây nhiều tranh cãi. Dằn lại những vị kỷ của một người vợ, Hạnh thuyết phục chồng chấp nhận thuê Thắm (Hồng Ánh đóng), một cô gái quê, thay mặt cô sinh cho Phương một đứa con.

Bởi ngoại tình là chuyện của… hợp tác xã

Đạo diễn Ái Như đã khéo léo đẩy bi kịch, vốn ít tính hành động nhưng giàu diễn biến nội tâm, trôi đi trong tình thế cấp bách, căng thẳng và đôi khi nguy hiểm cho các nhân vật.

Vị trí chủ nhiệm hợp tác xã mây tre lá của Phương bị đe dọa bởi những tiếng xầm xì là anh có vợ bé ở quê. Chưa kể, cấp phó của Phương là ông Hướng (NSƯT Thành Hội đóng), người bạn ấu thơ luôn thầm thương trộm nhớ Hạnh, đã liên tục công khai thách thức sẽ làm cho ra lẽ chuyện này.

 Phương (Quang Thảo) – Hạnh (Thanh Thủy) – Thắm (Hồng Ánh) rơi vào những rắc rối sau thỏa thuận đẻ mướn

Để bảo vệ uy tín và chiếc ghế của chồng, Hạnh quyết định ly dị chồng để giúp anh hợp pháp hóa quan hệ với Thắm, trong niềm tin ngây thơ rằng đây chỉ là “kỹ thuật” về mặt pháp lý, rằng trên thực tế cô và Phương vẫn sống với nhau như vợ chồng, rằng Thắm sẽ giao lại đứa con cho cô nuôi theo đúng như trong thỏa thuận…

Điều mà Hạnh không thể ngờ tới là sau tờ đơn ly dị thuần pháp lý, cô mặc nhiên trở thành kẻ thứ ba. Sự có mặt của cô ở trong chính ngôi nhà của mình nay trở thành…bất hợp pháp.

Không khí kịch tính ngột ngạt của câu chuyện dễ được cảm nhận ở những giằng xé, mâu thuẫn, toan tính của từng nhân vật. Giữa không khí khẩn trương, giăng mắc những âm mưu, toan tính vị kỷ, vở kịch đã khéo léo đan cài các chi tiết hài hước, tạo được tiếng cười tự nhiên cho khán giả.

Chuyện nhà của ông chủ nhiệm Phương cũng là chuyện của…bà kế toán Thu (Ái Như) và hợp tác xã

Nhưng ở chiều sâu xa hơn, vở kịch lại cho thấy khía cạnh về một tập thể hữu hạn (gồm các xã viên) và vô hạn (dư luận xã hội) có thể áp đặt quyền uy lên số phận cá nhân ở một mức độ nhất định.

Thực tế này diễn ra mãnh liệt trong không gian sống mênh mang mà cũng chật hẹp của miền quê, nơi mà hàng ngày người ta để ý cuối tuần ông Phương thường hay về quê, “khi đi buồn bã, khi về hớn hở”. Chuyện nhà của chủ nhiệm đương nhiên là chuyện của… hợp tác xã.

Và bởi không ai là kẻ xấu

Trong bối cảnh như vậy, hợp đồng đẻ mướn giữa Phương – Hạnh – Thắm vô tình đẩy họ về phía nguy cơ đứng trước “phiên tòa” phán xét về phẩm hạnh, chuẩn mực đạo đức của cộng đồng.

Đức hi sinh của Hạnh bị chính chồng mình lợi dụng để tiến tới cuộc sống hạnh phúc với cô gái trẻ

Sau tất cả những bi kịch của một tình yêu hi sinh cao thượng nhất, vở diễn kết thúc bằng một tiếng khóc òa, đúng như ngầm ý trong cái tên lấy từ một ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Suốt mấy mươi năm, Hạnh không cho phép mình yếu đuối, gồng mình nén lại tất cả những niềm riêng, sự đau khổ chỉ để vun vén cho hạnh phúc, nay cô cất tiếng òa khóc đầu tiên. Dường như không cái kết nào hoàn hảo hơn cho vở bi kịch kéo dài gần ba giờ bằng một tiếng khóc có sức mạnh cuốn phăng đi tất cả những xót xa cho một thân phận.

Không có vai phản diện để vở kịch có thể đi tìm một kết thúc có hậu thông qua sự trừng phạt. Có chăng ở đây là sự phản bội và lừa dối đê hèn thuộc về phạm trù đạo đức. Đến sau cơn tỉnh ngộ bàng hoàng của Hạnh là sự nhẹ nhàng, thanh thản, cho cả Hạnh lẫn người xem. Do vậy, tiếng khóc là hiện thể của niềm vui hơn là đau khổ, mừng vì người phụ nữ cả đời chỉ biết hi sinh vì người khác nay đã biết yêu lấy bản thân mình.


Vở diễn khép lại trong tiếng khóc vỡ òa của nhân vật chính

Sự tái xuất của “Hãy khóc đi em” trên sân khấu Hoàng Thái Thanh sau bảy năm vang bóng ở sân khấu Idecaf (công diễn lần đầu năm 2004) là điều hoàn toàn dễ hiểu. Vở diễn xuất phát từ nhu cầu nội tâm của đạo diễn Ái Như, người muốn đem những đứa con tinh thần được dựng rải rác trên các sân khấu về chung một mái nhà là sân khấu Hoàng Thái Thanh.

Cũng như, có một thực tế khách quan là sân khấu kịch nói TP.HCM đang ngày càng khan hiếm những kịch bản hay, trong khi khán giả vẫn còn nhu cầu được xem lại những vở hay đã nằm trong trí nhớ của họ.

Vài thay đổi được đạo diễn Ái Như chăm chút lại cho tác phẩm của mình, bởi bối cảnh sân khấu đã khác, dàn diễn viên cũng không còn NSƯT Thành Lộc. Nhưng với dàn diễn viên mới, đạo diễn vẫn có trong tay bảng phân vai lý tưởng, đủ sức lôi kéo khán giả. Nếu Thanh Thủy hoàn toàn chinh phục được khán giả trong vai Hạnh, thì Hồng Ánh, Ái Như, Thành Hội là minh chứng sinh động, rằng: một diễn viên hoàn toàn có thể để lại dấu ấn ngoạn mục trên sân khấu chỉ bằng vai diễn phụ!

Minh Chánh