Ở lối vào văn phòng thuê lại của tuần báo Văn Nghệ, Dương Minh Long đặt một vật vuông thành sắc cạnh, thành đã vuông lại còn rất cao như thể thách thức các chiều kích khác, vật sơn đỏ chói và nếu cố gắng, ta có thể gọi là ghế.

Chiếc ghế ấy, Long nói với tôi, của Cương đấy, hắn mới quanh quẩn đây với Long.

Lê Thiết Cương trong thâm cung nghệ thuật ở 39 Lý Quốc Sư

1. Đó là năm 2001 và tôi chưa quen Lê Thiết Cương. Chiếc ghế sắt đỏ kỳ dị kia thật ra là một tác phẩm điêu khắc, và tôi nhớ Long đã chụp Mỹ Tâm cùng với nó để làm bìa đĩa Mãi yêu. Qua một người quen khác, nhà thơ Phan Đan, tôi biết thêm một ít thông tin nữa về Cương nhưng mãi sau này mới thành bạn. Tôi chỉ mường tượng một Lê Thiết Cương họa sĩ Hà thành, tính tình lập dị ương chướng, tốt với bạn và ác với thù.

Nhà thiết kế đồ họa Từ Phương Thảo tặng tôi cuốn Âm thanh và Cuồng nộ của W. Faulkner lần tái bản, Thảo trình bày bìa dùng tranh của Cương với lời đề tặng: “Của nhà giồng được”. Thì rõ, Cương rất thân với Thảo, Long và Phan Đan, thân với cả Trần Huy Hoan nữa nhưng tôi đã lan man rồi. 

2. Năm 2006, tôi gặp Cương ở Ciao Cafe, Saigon. Đó là một buổi chiều trời âm u bão rớt. Cương ngợi khen đĩa Những chuyện kể của tôi rất nhiều, một đĩa nhạc đắng chát khó nghe; Cương tặng tôi mấy vựng tập in tranh của anh, những tranh kiệm hình kiệm màu vẽ hạt gạo, tối giản chủ nghĩa và cũng đắng ở đường cọ dị hình xước xát, như nhạc đắng của tôi thuở đó. Chúng tôi mau chóng thân nhau và mỗi lần Cương vào Saigon, đều ngồi với tôi khi thì ở Ciao (có cả nhà văn Nguyễn Việt Hà) lúc đem theo con trai ra Crêperie et Café đường Hàn Thuyên và tôi chụp hai bố con vài bức ảnh. Chuyện vãn về văn chương và nhiếp ảnh nhiều hơn nhạc, họa.

"Đèn dầu"

"Chăn trâu" - Tranh Lê Thiết Cương

Hôm qua tôi giở chiếc máy Fujifilm GA645 Pro ra chụp, nhớ rằng chính dòng máy này Cương đã mua ở Saigon và đã khoe tôi suốt buổi: “Ông ạ, chụp khỏi cần nghĩ gì, lực lượng phản ứng nhanh, tôi vừa ngồi sau xe máy vừa nhìn ngó quanh quất, thế mà chụp được một tay thồ đống hàng cao như núi, chạy xe dặt dẹo trông hay lắm”. Tôi không mê các loại máy tự động cứ giơ lên là bấm kiểu ấy, và tự hỏi vì sao Cương với tư cách họa sĩ, rất chặt trong bố cục, rất kỹ trong tạo hình, mà lại thích “chớp” ngẫu nhiên trong nhiếp ảnh. Nhưng thấy anh vui, tôi cũng vui lây. Có lẽ đối với Cương, thế giới tự nhiên thì cứ để xộc xệch như nó vốn vậy, chỉ có thế giới nội tâm mới cần sắp đặt ngăn nắp?

3. Tôi đặc biệt yêu tranh Cương đen trắng. Cứng cáp, ương ngạnh, lại hào hoa. Kiệm hình kiệm màu mà đa chiều đa nghĩa. Có một triển lãm chung mấy họa sĩ vào năm 2008, tôi và Q., bạn gái tôi lúc đó, đến tặng hoa Cương ngày khai mạc; và Q. bảo thích tranh Cương. Tôi kể lại cho anh điều này, Cương vỗ đùi đen đét: “Tôi ngạc nhiên đấy, tay ấy được đấy nhỉ, con gái mà thích được tranh tôi”.

Cương sưu tập bút máy, kỹ tính ra phết, lúc nào rút bút ra ký tặng ai cũng đầy đủ lệ bộ tháo nắp, cắm nắp, viết thử, viết thật chờ khô săm soi như là nghi lễ. Tôi thích. Tôi thích những người quý bút máy. Tôi thích những người quý văn. Tôi thích những người yêu nhạc cổ điển. Cương hội đủ.

Lê Thiết Cương (Ảnh: Quốc Bảo)

Vậy là ba năm rồi tôi không gặp anh. Chẳng phải vì Sài Gòn Hà Nội xa xôi mà vì cả hai đều bận tối mặt. Lần gần nhất còn “gặp”, là hồi đầu năm, tôi phụ Dương Minh Long biên tập một tạp chí và Cương vẽ minh họa, lại “của nhà giồng được”. Vẫn cứ đen trắng, kiệm hình, bố cục lệch cố tình, rất chặt, rất đồ họa. Vẫn những nét dài, sắc, ương ngạnh, hào hoa. Vẫn vẽ như nói chuyện, cách nói ẩm ương khinh khỉnh hòng giấu đi sự đa cảm vô phương rũ bỏ.

Phải, Cương đa cảm lắm, làm bộ bất cần vậy thôi. Giấu bớt đa cảm đi cho đỡ nhọc thân ấy mà.

Chúng tôi quý nhau chắc là vì cùng thuộc nòi tình. Ta vốn nòi tình, thương người đồng điệu (Chu Mạnh Trinh), Cương nhỉ. Sinh ra trót thuộc nòi tình thì khổ.

Khổ thì mới biết thương.

Nhạc sĩ Quốc Bảo

Theo Thể thao Văn hóa

(Tít bài do VietNamNet đặt lại, tên nguyên bản là "Phác thảo Cương")