(VietNamNet) - Nhà nghiên cu Nguyn Đình Đu, người nhn gii thưởng Trn Văn Giàu ln 2 năm 2005 vi cm công trình Nghiên cu đa b và rung đt triu Nguyn, khng đnh s ra đi ca GS Trn Văn Giàu là "mt mát chưa có người thay thế".

Giáo sư Trần Văn Giàu, nhà cách mạng, nhà khoa học và là nhà nghiên cứu lịch sử, triết học, đã từ trần ngày 16/12/2010 tại TP.HCM, thọ 100 tuổi. Trong sự nghiệp cách mạng, Giáo sư Trần Văn Giàu từng giữ chức Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam bộ những năm kháng chiến chống Pháp khi tuổi đời còn rất trẻ.

Trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học, Giáo sư Trần Văn Giàu viết nhiều tác phẩm về lịch sử đấu tranh cách mạng, lịch sử tư tưởng, triết học, trong đó công trình 18 tập về lịch sử Việt Nam đã nhận giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu năm 1996.

Trong sự nghiệp giáo dục, ông được xem là thầy của nhiều nhân vật nổi tiếng như bộ tứ Lâm - Lê - Tấn - Vượng (Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn và Trần Quốc Vượng), Hoàng Như Mai, Đặng Huy Vận...

Cả đời hoạt động cách mạng và làm khoa học, Giáo sư Trần Văn Giàu không có con, về sau ông nhận một học trò làm con nuôi. Toàn bộ gia sản có được từ tiền bán căn nhà của mình đã được ông dùng để trao giải thưởng mang tên Trần Văn Giàu, nhằm vinh danh những tác giả và công trình nghiên cứu lịch sử.

GS Trần Văn Giàu

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu:- Tôi có nhiều kỷ niệm sâu sắc với bác Sáu Giàu, bắt đầu từ lần làm việc chung với ông khi thực hiện công trình về lịch sử TP.HCM nhân kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - TP.HCM theo sự gợi ý của cố TBT Nguyễn Văn Linh.  

Bác Sáu Giàu là người tài đức, có khả năng đặc biệt trong việc quy tụ được nhiều anh em trí thức. Ông có phong cách trí thức, sâu sắc nhưng rất khiêm tốn, giao thiệp với ai cũng được lòng mọi người. Họ vừa kính vừa thương bác.

Tôi cộng tác với ông làm địa chí văn hóa TP.HCM lâu dài nên rất thân thiết với nhau. Tôi nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn nói về đất đai, đồng thời nói về cuộc sống, văn minh Việt thời xưa, bác Sáu đã viết lời tựa rất thiện cảm và trung thực cho công trình của tôi. Giáo sư Trần Văn Giàu rất gần gũi, khích lệ với mình, nên tôi nghĩ với người khác, bác cũng vậy. Bác có nhiều học trò, xa gần đều được ông khuyến khích làm khoa học để phụng sự dân tộc.

Bác là người luôn luôn chủ trương đoàn kết dân tộc. Tôi gần bác Sáu, có những dịp được làm việc chung cùng bác với các học giả nước ngoài như Pháp, Nhật Bản, Mỹ, Úc, Hàn Quốc... đều nhận thấy họ thể hiện lòng kính phục đối với bác. Bác luôn làm cho người ta phục và yêu mến. Đến nhà thăm tôi, bác không chỉ quan tâm đến tôi không đâu, mà còn thăm hỏi cả người trong gia đình. Không chỉ có tài, Giáo sư Trần Văn Giàu còn là người có tinh thần nhân văn, nhân đạo.

Không chỉ là chỗ thân tình, ông còn là người nhận giải thưởng mang tên Giáo sư Trần Văn Giàu lần thứ hai năm 2005...

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu:- Giáo sư và những người trong hội đồng muốn đưa tôi vào danh sách xét giải trong lần đầu, nhưng tôi thấy không nên vì mình thân thiết và làm việc chung với bác Sáu cùng nhiều anh em. Tôi cám ơn hội đồng thẩm định đã đánh giá công trình nghiên cứu của tôi, không chỉ về ruộng đất mà còn về văn minh Việt thời xưa sống theo khuôn mẫu sĩ nông công thương, với những tài liệu bằng chữ Hán 200 năm về trước.

Tôi rất quan tâm đến vấn đề nghiên cứu lịch sử một cách cụ thể. Khi nhận được giải thưởng Trần Văn Giàu tôi rất cảm động vì biết bác Giàu và anh em trong hội đồng hiểu công việc tôi đang làm. Vì những đánh giá như thế, tôi đã chuyển sang nghiên cứu về TP.HCM, về đất đai, sự nghiệp chung về bảo vệ chủ quyền Tổ quốc như biên giới, hải đảo. Nhờ sự ủng hộ đó mà tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu, chứ không phải có giải thưởng rồi thôi.

Những đóng góp, dấu ấn của Giáo sư Trần Văn Giàu đối với ngành khoa học lịch sử nước nhà, theo ông?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu:-- Đất nước chúng ta có một quãng thời gian gần 70 năm lịch sử gay go, chia hai giai đoạn, 30 năm kháng chiến và 35 năm hàn gắn vết thương chiến tranh để phát triển. Bác Giàu sống qua hai giai đoạn đó, những bài viết lúc đầu hướng về chuyện kháng chiến, còn giai đoạn sau hướng về việc xây dựng đất nước.

Trong giai đoạn đầu, bác có những ý kiến hơi ủng hộ kháng chiến, ví dụ như ủng hộ Tây Sơn và phê phán nhà Nguyễn. Nhưng khi hòa bình rồi thì xét lại những người tuy không có công bảo vệ Tổ quốc nhưng có công kinh bang tế thế, xây dựng đất nước, làm cho đất nước lớn mạnh về kinh tế xã hội, kinh tế, văn hóa. Như thế, bác Giàu là một trí thức trung thực.

Giáo sư Trần Văn Giàu cũng đã đi qua 100 năm với độ tuổi xưa nay hiếm. Nhưng sự ra đi của ông là một mất mát lớn..

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu:-- Chắc chắn là như thế. Khó có thể kiếm được một người như bác Sáu Giàu như tôi vừa nói, là có thể quy tụ được anh em trí thức phía cách mạng cũng như phía bên kia. Bác Sáu đã quy tụ được những người đầu đàn của cả hai bên. Bác mất đi, xin lỗi, tôi chưa nhìn thấy ai thay thế được. Đó là mất mát, mà đối với bản thân mình, tôi rất tiếc thương.

 

V.Tiến (thực hiện)