- Không phải đến dịp liên hoan, hội diễn, người ta mới thấy nghệ thuật múa đang bị dùng chủ yếu vào mục đích "giúp việc" cho lĩnh vực nghệ thuật khác...

Không hẹn mà gặp, những sự kiện trong lĩnh vực múa nối tiếp nhau diễn ra vào thượng tuần tháng 8 này. Liên hoan nghệ thuật múa TP.HCM 2011 khai mạc vào tối 19/8 với 53 tiết mục của 19 đơn vị. Ngay sau đó, Liên hoan múa không chuyên toàn quốc sẽ được tổ chức từ ngày 25 đến 27/8 với 21 đơn vị tham gia.

Thông điệp múa không phải chỉ để minh họa cho bộ môn nghệ thuật khác, đã được khẳng định qua vở vũ kịch "Chuyện kể những chiếc giày" cũng vừa diễn ra trong tháng 8. Gửi gắm đó được nhấn mạnh tiếp qua những sự kiện dồn dập về múa kể trên. Nhưng câu chuyện về nghệ thuật múa giữa thời ca nhạc, phim ảnh... lấn lướt không chỉ có thế.

Múa minh họa đầy rẫy trên các tụ điểm ca nhạc hằng đêm...

Ai cũng thấy những màn múa từ các chương trình lớn đến các show hằng đêm ở các sân khấu ca nhạc đều là múa minh họa. Múa minh họa không xấu, cũng chẳng hạ cấp, thậm chí còn là "món" không thể thiếu của thời nghe - nhìn mà phần nhìn thường "đè" phần nghe. Vũ đoàn minh họa thực sự đóng vai trò quan trọng đối với ca sĩ, tham gia quyết định sức hấp dẫn của tiết mục mà nghệ sĩ đó thể hiện. Quan trọng nhất, nó thu hút khán giả.

Nhưng người trong nghề thì dù đã quen, vẫn không chịu được thực tế đó. NSND Đặng Hùng, người hơn nửa thế kỷ đóng góp cho nghệ thuật múa Việt Nam, nói thẳng: "Trong những chương trình biểu diễn hằng đêm ở các tụ điểm ca nhạc, chúng ta đều thấy có múa tham gia. Nhưng đó không phải múa đúng nghĩa, mà là múa minh họa, phục vụ cho loại hình nghệ thuật khác".

Có vị trí độc lập, múa lại phải đóng vai trợ giúp cho người khác. Nhưng làm được gì, chỉ cần nhanh, rẻ, mãn nhãn khán giả. Muốn độc lập ư, sân khấu ca nhạc bắt mắt ăn tiền, không phải chỗ để chừa thời giờ cho anh múa. Oái ăm thay, công chúng thích xem múa, nhưng lại phải "kèm" với ca sĩ, chứ chưa nói đến cả vở mà chỉ một vài tiết mục tuyền là múa thôi, khán giả đã ngáp ngắn ngáp dài.

Hiệu trưởng Trường múa TP.HCM, NSƯT Hà Thế Dũng cung cấp thông tin giật mình: Trong khoảng gần một thập niên qua, mỗi năm có khoảng 70 - 80 sinh viên ngành múa tốt nghiệp ra trường, góp mặt vào hầu hết... những vũ đoàn chuyên múa minh họa cho ca sĩ tại các loại tụ điểm ca nhạc. Tất nhiên, còn một số bỏ nghề, số khác chỉ múa tới tầm đám cưới, hội nghị khách hàng...


Và múa độc lập thi thoảng mới thấy

Hội nghệ sĩ múa TP.HCM đề ra nhiều mục tiêu trong việc tổ chức Liên hoan múa 2011 như phát hiện tài năng ngành múa, trao đổi kinh nghiệm, nhận định diện mạo múa TP.HCM đang ở đâu, phát triển thế nào... Tài năng có thể sẽ thấy, trải nghiệm thì dù không tham gia diễn nhưng xem đồng nghiệp múa cũng vỡ ra nhiều điều. Nhưng bảo tìm xem múa TP.HCM đang ở đâu thì quả là làm khó nhau, nếu không thể chua chát nói rằng liệu nó có đang nằm khuất đâu đó trong các vũ đoàn, nhóm múa?

NSƯT Hà Thế Dũng, Chủ tịch Hội nghệ sĩ múa TP.HCM cho rằng: "Nghệ thuật múa muốn quảng bá cần có quá trình dài, cần có tác phẩm tốt, nghệ sĩ giỏi... Nhưng muốn tạo được tác phẩm đỉnh cao cần rất nhiều yếu tố, điều này thì ngay cả nhà nước còn chưa làm được".

Thực hiện được tác phẩm cỡ vở vũ kịch "Chuyện kể những chiếc giày" như biên đạo Tấn Lộc đã làm là quá sức. Nghệ sĩ múa gạo cội Tô Nguyệt Nga ủng hộ vở múa mở ra một lối đi, đồng thời cũng chỉ ra cạnh đó là khung cửa hẹp: "Làm như Tấn Lộc thì cũng chỉ được một hai đêm, chứ không thể kéo dài được vì múa không có khán giả, cần kinh phí cao, phải bỏ nhiều thời gian, công sức, nghệ sĩ bỏ sô để tập luyện".

TP.HCM có đông đảo người làm nghề múa chuyên nghiệp, bảo chứng bằng hàng chục vũ đoàn, nhóm múa lớn nhỏ (Hoàng Thông, Rạng Đông, Rex, Mai Trắng, ABC...), bằng việc họ hoạt động nhộn nhịp bằng nghề và đang vẫn sống được với nghề múa. Nhưng thật dễ hiểu và thật bi kịch, một mặt bằng sôi động và chuyên nghiệp lại chưa thể làm nên, làm rõ diện mạo của ngành múa thành phố.

Một, hai liên hoan múa dù có cho các nhà quản lý và người làm nghề thấy được mình đang đứng ở đâu hay không, thì cũng là dịp để cả làng về chia cỗ vui vẻ vài hôm. Dù đến để quyết tâm đoạt giải hay chỉ đơn giản cho vua biết mặt chúa biết tên, thì cũng là cơ hội để thể hiện, sau bao tháng ngày quần quật làm kẻ giúp việc nay minh họa cho ca sĩ này, mai làm nền của hội diễn kia.

Sau hai lần tổ chức vào các năm 2007 và 2009, Liên hoan nghệ thuật múa TP.HCM 2011 được khẳng định là bước chuẩn bị để nâng tầm thành cuộc thi múa khu vực. Chủ tịch Hội nghệ sĩ múa TP.HCM, NSƯT Hà Thế Dũng cho biết để chuẩn bị cho lần tổ chức tới vào năm 2013, hội đã mời các đoàn Hàn Quốc, Hong Kong, Singapore tham gia, và đang mời đoàn Lào, Campuchia. Ngoài 5 đoàn quốc tế theo dự kiến, cuộc thi còn mở rộng ra các tỉnh thành trong nước.

Trong khi đó, Liên hoan múa không chuyên toàn quốc lần 3 năm 2011 diễn ra tại thành phố Mỹ Tho quy định không chấp nhận các tiết mục múa có yếu tố nước ngoài (nhạc nền nước ngoài, khiêu vũ quốc tế...), và khuyến khích những tiết mục múa đậm nét  bản sắc dân tộc. Ông Nguyễn Văn Tấn, Vụ trưởng, Giám đốc cơ quan đại diện Bộ VHTTDL tại TP.HCM cho rằng trong chủ trương kế hoạch bảo tồn văn hóa dân tộc của ngành văn hóa, có việc gìn giữ, phát huy các làn điệu múa dân gian dân tộc, mà liên hoan là một dịp để thực hiện.

Võ Tiến