- Khán phòng Nhà Hát Lớn - Hà Nội chìm trong bóng tối. Rồi một luồng sáng xuất hiện trên sân khấu chính. Phó An My xuất hiện giữa luồng sáng đó, bên cây dương cầm quen thuộc và dẫn dắt khán giả bước vào màn hội thoại giữa 2 thế giới âm - dương, quá khứ - hiện tại, tinh thần - vật chất, ảo mộng - thực tế…

Với ý tưởng về Mẫu Cửu Trùng Thiên (Mẫu Liễu Hạnh – một trong Tứ bất tử của người Việt), số lượng nhân vật trong cuộc đối thoại này cũng chỉ gồm 9 người, được chia thành 3 nhóm khu biệt, tượng trưng cho 3 thế giới Thiên – Địa – Nhân. Nhóm nhân vật chính gồm “Cô” My (đóng ở trung tâm sân khấu) và 2 phụ đồng Bùi Đình Tuấn – Lưu Thanh Huyền. Nhóm nhân vật thứ hai gồm 3 cung văn (NSND Thanh Hoài, nghệ nhân Dương Thanh An, nghệ nhân Xuân La) được bố trí lơ lửng trên không. Nhóm thứ ba gồm NSƯT Trần Luận (đàn nhị, đàn nguyệt), NSƯT Nguyễn Văn Quý (trống) và nghệ sỹ Như Thắng (tiêu, sáo). Việc phân nhóm và sắp đặt vị trí các nhóm này có ý đồ tạo được không gian chặt chẽ, gần gũi của phủ điện nhưng cũng rất thoáng đạt, riêng tư cho màn đối thoại của các thế giới.

Cặp đôi Phó An My (pianist) – Đặng Tuệ Nguyên (composer) lại tiếp tục con đường tìm tòi trải nghiệm dùng piano đối thoại với các hình thức âm nhạc truyền thống. Sau những trải nghiệm tương tác giữa piano và Tuồng (2008), Thốt (2010), với loạt chương trình "Bóng", dương cầm thủ Phó An My đã hóa thân vào các giá đồng để đưa khán giả bước vào màn đối thoại với nghệ thuật Hát văn.

Khởi đầu, trong luồng sáng trắng thanh khiết, giản đơn mà ma mị, “Cô” My trong trang phục đen – trắng đã dẫn nhập buổi đối thoại bằng tiểu khúc Nghinh Thần. Âm thanh thánh thót từ những phím đàn đen – trắng vút lên trong khán phòng trang nghiêm, dần dần giới thiệu tinh thần chủ đạo và những nhân vật của màn đối thoại. Hiệu ứng ánh sáng được bố trí khá thông minh, với những luồng sáng được rọi từ trên cao xuống, tạo các mảng khối đối lập và chỉ tập trung vào nhân vật đang đối thoại khiến người xem không bị phân tán cảm xúc mà chỉ chú tâm vào ngôn ngữ giao tiếp của chủ thể cuộc hội thoại.

Màn Ouverture diễn ra rất nhanh gọn, khúc triết, dọn tinh thần cho khán giả cũng “Cô” My bước vào các giá Nhập tiếp theo. Từ không trung, 4 bộ trang phục – hiện thân của các thánh nhân sẽ về với trần gian trong Bóng – từ từ hạ xuống trong luồng sáng mờ ảo. Ý niệm sắp đặt ở đây là khá rõ ràng. Khán giả được ngầm thông báo rằng sẽ có 4 thánh nhân sẽ hạ giới để thông qua “Cô” My trò chuyện với nhân gian qua 4 giá Nhập gồm: Mẫu Cửu Trùng Thiên, Ông Hoàng Bẩy, Cô Bơ và Cậu Bé. Và sau mỗi giá Nhập, 4 bộ trang phục lại bay lên không trung để khán giả biết rằng “thánh nhân đã lên xe loan thánh giá hồi cung”.

Ở các giá Nhập này, tính đối thoại càng được “Cô” My đẩy lên cao độ. Lần lượt, lần lượt tiếng đàn piano của “Cô” đối thoại với từng nhóm nhân vật. Điều kỳ diệu ở Bóng là “Cô” My đã dùng tiếng dương cầm để trò chuyện rất ngọt, rất duyên và rất “phê” với khách thể và khán giả. Ở giá Nhập “Mẫu Cửu Trùng Thiên”, tiếng piano của “Cô” My rất đoan chính, trang trọng thể hiện được sự tối linh, trang nghiêm của Thánh mẫu Liễu Hạnh. Không gian của khán phòng Nhà Hát Lớn nơi tưởng như chỉ phù hợp với âm nhạc bác học đã vụt hóa thành một không gian diễn xướng cởi mở, gần gũi nhưng không kém vẻ tôn kính.

Ở giá Nhập “Ông Hoàng Bẩy”, màn đối đáp, đập nhả nhịp nhàng giữa “Cô” My và 2 nghệ nhân chầu văn Thanh An – Thanh Hoài nghe rất phiêu, nhất là khi “Cô” My – Ông Hoàng Bẩy – được Thập nhị tiên nàng đến hầu cận. Phong thái của một bậc Thánh nhân, quân tử ung dung đủ mùi phong lưu lạc thú được “Cô” My khắc họa qua những bước nhạc ngắn, dõng dạc và đầy vẻ tán thưởng, thảnh thơi. Đây có thể được đánh giá là giá Nhập rất thành công.

Hoặc như ở giá nhập “Cô Bơ”. Đầu tiên là màn độc diễn của “Cô” My hay có thể coi đây là màn tự sự đầy tâm trạng của Cô Bơ đượm đầy nỗi buồn, cô đơn và khắc khoải của một công chúa thiên kim phải rời điện ngọc, hạ thế trần gian để cứu độ chúng sinh. Tiếng đàn ở trường đoạn này da diết, gập ghềnh như con thuyền vượt qua muôn thăng trầm sông nước, dọc theo hành trình thủy lộ cứu giúp dân gian của Cô Bơ. Nhưng sau đó, “Cô” My đã chuyển giọng đàn rất ngọt để lần lượt tung hứng với 3 gã trai trần thế Như Thắng, Trần Luận và Văn Quý. Lúc này tiếng piano lảnh lót, hoạt ngôn, nhưng cũng rất gợi tình, rất ăn nhập với tiếng tiêu-sáo, nguyệt và trống. Khán giả bỗng chợt hiểu ra rằng hoàn toàn không có sự dị biệt giữa nhạc cụ truyền thống và hiện đại, giữa cái cũ và cái mới, giữa quá khứ và đương thời miễn là chịu khó tìm tòi cách dung hòa mọi quan niệm thủ cựu.

Toàn cảnh sân khấu cùa "Bóng"

Kết của Bóng là một cậu bé – giá Nhập “Cậu Bé Đồi Ngang” - cũng mang nhiều tính ẩn dụ. Dường như tinh thần đối thoại hội nhập giữa 2 thế giới được đúc kết để thăng hoa tột đỉnh ở giá nhập này. Một “Cậu” My nhí nhảnh, hồn nhiên bước trên con đường mới đầy chông gai nhưng cũng lắm cưng chiều, đón đợi.

“Cậu” My hồn nhiên đưa âm nhạc bác học vào văn hóa dân gian, truyền thống vốn được bao phủ bằng những lớp vỏ thủ cựu. “Cậu” My hồn nhiên rong chơi giữa cuộc đời, mặc cho bao nhiêu dị nghị và chỉ muốn được trải nghiệm âm nhạc theo cách thức hồn nhiên nhất. Và “Cậu” khép lại cuộc chơi của Bóng trong sự hân hoan của cả thế giới nhân gian hiện diện trong khán phòng Nhà Hát Lớn. Hân hoan đến khi “Cậu” đã “xe loan xa giá rời cung”.

  •  An Mustang - Ảnh: Nguyễn Đình Toán