- Tại lễ công bố được tổ chức ngày 8/9/2011 (TP.HCM), cuốn sách nổi tiếng nhiều năm qua của nhà văn Bảo Ninh giành giải thưởng Sách hay 2011.

"Nỗi buồn chiến tranh" ở mảng sách viết,  "Nghệ nhân và Margarita" của Mikhail Bulgakov ở mảng sách dịch (Đoàn Tử Huyến chuyển ngữ) đã vượt qua 196 đề cử khác, nhận giải thưởng Sách hay 2011 cho hạng mục văn học, trị giá 20 triệu đồng.

Tiểu thuyết của nhà văn Bảo Ninh đoạt giải vì hội đủ các tiêu chí mà giải thưởng đặt ra: chứa đựng những tư tưởng văn hóa sâu sắc, tiến bộ, có giá trị thẩm mỹ cao, góp phần phản ánh và giải mã được các vấn đề mà xã hội và con người đang phải đối mặt trong thời đại hiện nay, góp phần đưa ra được những xu hướng sắp tới.

Theo quy chế, để nhận giải thưởng, tác phẩm phải được hội đồng xét tuyển đồng thuận 100%. "Nỗi buồn chiến tranh" đã đạt được sự thống nhất cao từ hội đồng gồm: dịch giả Dương Tường, nhà văn - nhà nghiên cứu Nguyên Ngọc, giáo sư Huỳnh Như Phương, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên và nhà văn Ngô Thị Kim Cúc.

Giáo sư Huỳnh Như Phương cho biết: "Hội đồng xét tuyển gặp khó khăn không phải ở việc tìm sách hay, mà là tìm ra sách hay nhất. Nhưng chúng tôi cũng đã thống nhất tương đối nhanh để chọn "Nỗi buồn chiến tranh", được Hội Nhà văn trao giải thưởng năm 1991 khi Bảo Ninh còn là nhà văn trẻ mới xuất hiện".


Nhà văn Bảo Ninh thời trẻ và bìa cuốn "Nỗi buồn chiến tranh" được NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 1991

Ở mảng văn học thiếu nhi, giải thưởng được trao cho cuốn "Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ" của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần, và "Hoàng tử bé" của nhà văn Antoine de Saint Exupéry (bản do nhà thơ Bùi Giáng dịch, Nhà xuất bản Văn nghệ in năm 2005). Riêng hạng mục Sách phát triển thiếu nhi, không có sách đạt tiêu chí để trao giải.

Các giải thưởng còn lại được dành cho cuốn "Khuyến học" (Fukuzawa Yukichi - Phạm Hữu Lợi dịch) ở mảng sách lẽ sống; "Phương pháp nghiên cứu khoa học giáo dục và tâm lý" (Dương Thiệu Tống) và "Dân chủ và giáo dục" (John Dewey - Phạm Anh Tuấn dịch) ở mảng sách giáo dục; "Nền dân trị Mỹ" (Alexis de Tocqueville - Phạm Toàn dịch) ở mảng sách nghiên cứu.

Giải thưởng ở hạng mục kinh tế được trao cho cuốn "Tư duy kinh tế Việt Nam 1975 - 1989" của tác giả Đặng Phong. Hạng mục quản trị có "Công ty: vốn, quản lý & tranh chấp" (Nguyễn Ngọc Bích - Nguyễn Đình Cung) và bộ 3 cuốn sách của Michael Porter do nhóm dịch giả DT Books chuyển ngữ.

Các hội đồng xét tuyển của Sách hay 2011 bắt tay vào việc chọn sách từ tháng 4 năm nay trên 7 lĩnh vực hướng đến nhiều nhóm công chúng quan trọng trong xã hội. Giải thưởng Sách hay do dự án văn hóa - giáo dục Sách Hay khởi xướng và triển khai thực hiện, trao giải vào dịp Trung thu hàng năm.

Trích diễn từ nhận giải của nhà văn Bảo Ninh:

"Đây là niềm tự hào và là vinh hạnh lớn mà tôi có được trong cuộc đời viết văn của mình. Giải thưởng này đồng thời mang nặng ân tình của những người đã làm nên cuốn "Nỗi buồn chiến tranh". Tôi hàm ơn các thầy của tôi ở trường viết văn Nguyễn Du là giáo sư Hoàng Ngọc Hiến, nhà văn Nguyên Ngọc, nhà văn Nguyễn Minh Châu, giáo sư Phạm Vĩnh Cư. Các thầy chính là hiện thân của sự khai sáng và thức tỉnh trong đổi mới, nhờ các thầy mà tôi có được cho riêng mình tinh thần nhân văn tự do trong sáng tạo văn học, một cách cụ thể là nhờ các thầy mà tôi đã có thể viết cuốn "Nỗi buồn chiến tranh".

Nhìn vào hôm nay tôi hiểu rằng cuốn "Nỗi buồn chiến tranh" chỉ có thể được xuất bản nhờ đổi mới, mà cụ thể là nhờ Nhà xuất bản Hội Nhà văn của thời kỳ đó. Bản thảo cuốn sách được rà soát chặt chẽ từng chữ nhưng đã được trọng thị in ra đầy đủ từng chữ, và được nhà xuất bản kiên định bảo vệ, dù đấy là tiểu thuyết đầu tay của một người viết chưa ai biết tới. Tôi thực sự khâm phục và nhớ ơn nhà văn Nguyễn Kiên, nhà văn Nguyễn Phan Hách. Nhưng, hồi đó, dù được sự nâng đỡ của các nhà văn bậc thầy, được sự duyệt in của nhà xuất bản, cuốn sách vẫn không thể được xuất bản nếu không có sự giúp đỡ chí tình và đầy hiệu quả của nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến, một trong những nhà làm sách tự do và tư nhân đầu tiên trong những năm đầu đổi mới.


"Nỗi buồn chiến tranh" quả thật đã trải nhiều nỗi thăng trầm, tuy nhiên, đây vẫn thực sự là tác phẩm văn học có số phận vô cùng may mắn, bởi đã được sinh ra trong thời đổi mới của văn học nước nhà. Ấy là một thời kỳ tuy quá đỗi ngắn ngủi, một đi không trở lại, nhưng tính khai sáng ngời rạng và huy hoàng của nó thì còn lại mãi mãi, bất diệt. Tôi vô hạn hàm ơn đất nước, con người và văn học thời đại ấy. Hàm ơn và luyến tiếc. Tuy nhiên tôi cũng hy vọng. Hy vọng rằng những nhân tố của đổi mới vẫn còn trong văn học. Hy vọng một mai sẽ có những đổi thay còn kỳ diệu hơn cả trong đổi mới".

V.Tiến