- Là một họa sĩ nổi tiếng, mỗi bức tranh bán được nhiều ngàn đô la nhưng không mua ô tô, chỉ đi xe đạp và... taxi. Có một căn nhà mặt phố Bà Triệu nhưng không kinh doanh cũng chẳng cho thuê dù mỗi năm có thể thu tiền tỉ. Quan điểm sống của Đào Hải Phong về nghệ thuật, về tiền bạc nhiều khi khiến người đối diện phải choáng váng.

Họa sĩ Đào Hải Phong

- Thực ra nhiều người có rất nhiều tiền, sở hữu cả một bộ sưu tập xe hơi, những đồ hiệu đắt tiền nhưng lại không bao giờ mua tranh, hoặc nếu có treo tranh trong nhà cũng chỉ để cho sang. Trong khi đó nhiều người yêu tranh, hiểu tranh lại không có nhiều tiền sở hữu những tác phẩm mình thích. Đó là lý do anh và nhiều họa sĩ nổi tiếng khác ít triển lãm tranh ở VN mà thường xuyên mang tranh ra nước ngoài?

- Tranh, hội họa rất bình đẳng với giá trị thưởng ngoạn. Rất thật là tôi đã từng hỏi những người giúp việc trong nhà mình rằng: Chị thấy tranh tôi vẽ có giống quê chị? Họ sinh ra ở nông thôn còn tôi thì thích vẽ tranh phong cảnh. Tôi muốn nghe thông điệp của họ. Vẽ tranh là để cho công chúng chứ không phải chỉ cho đồng nghiệp của mình xem. Ngày hôm nay con người VN qua một giai đoạn quá khao khát nhiều thứ về vật chất. Cũng phải cho họ một thời gian. Khi họ đã quá chán cái túi đắt tiền, thấy cái ô tô gây ra những phiền toái cho họ và đã thấy thừa mứa những đồ đạc lỗi mốt ở phương Tây trong ngôi nhà của mình, con cái họ đi học ở nước ngoài về chê bố mẹ mình rằng giờ này còn đi rước đống rác ở nước ngoài về, lúc đó họ sẽ tỉnh ngộ. Khi đã tỉnh ngộ thì họ sẽ phải trả giá rất đắt và giá trị vật chất sẽ tăng thêm nhiều lần. Ví dụ như so với thời điểm cách đây 5 năm, giá tranh của tôi sẽ khác. Như vậy đã là sự thiệt thòi với những ai định hỏi mua tranh của tôi ở thời điểm này.

- Cũng đã có nhiều tin đồn, những mức giá khác nhau được đưa ra về tranh của anh, anh có thể tiết lộ một con số chính thức?

- Tiết lộ giá tranh không có gì là ngại ngùng nhưng không cụ thể ở mức nào cả. Cùng một cỡ đó nhưng giá tranh hai bức khác nhau. Có một điều chắc chắn không thể dưới vài ngàn đô la và bức đắt nhất không quá nổi 20.000 đô la (cho một cuộc đấu giá).

- Anh quan niệm thế nào về việc làm nghệ thuật và kiếm tiền?

- Có một điều rất đơn giản: một nghệ sĩ nếu làm việc với ý định để kiếm tiền thì tôi khẳng định, chí ít cũng phải 70% là không kiếm được tiền đâu! Ngày hôm nay tôi nhìn thấy một bà triệu phú, tôi nghĩ rằng mình sẽ phải làm một thứ để bán cho bà triệu phú ấy thì chắc chắn là không làm được. Tôi là tôi bất lực luôn. Tôi từng khuyên các bạn trẻ là hãy làm tất cả những gì mình yêu thích, nếu thích hãy làm. Kể cả xin lỗi rằng vẽ những thứ bẩn thỉu nhất nhưng nếu mình yêu sự bẩn thỉu đó thì mình sẽ làm cho nó không còn bẩn thỉu nữa. Nếu đã làm những gì mình yêu thích thì công chúng sẽ tìm đến mình.

Tôi từng ở tầng 5 của một chung cư Bách Khoa cũ. Đó là căn nhà ba tôi để lại, thành quả của cả cuộc đời làm việc và cống hiến của ông. Tôi biến đó thành nơi mình vẽ. Một nơi heo hút. Có những người ở những nơi rất xa, xa nhất là Mỹ, gần nhất ở Hong Kong vẫn tìm đến căn nhà của tôi để mua tranh. Từ căn nhà đó tôi không thể nghĩ ông giám đốc ngân hàng citibank bên Mỹ thích cái gì mà làm sẵn những sản phẩm để chiều ý họ. Người nghệ sĩ hãy làm tất cả những gì mình nghĩ ra, mình cho nó là hay bằng tâm thế của một người làm nghệ thuật nghiêm chỉnh, lúc đó người ta sẽ tìm đến anh. Lúc đó anh sẽ kiếm ra tiền và sống bằng nghề.

Chưa bao giờ tôi nghĩ mình là người giàu vì tiền và nhiều tiền!


- Anh vừa đề cập đến chuyện sống bằng nghề. Có phải vì sống được bằng tranh nên căn nhà mặt phố của anh trên phố Bà Triệu dù mỗi tháng có thể mang lại cho anh rất nhiều tiền từ kinh doanh hay cho thuê nhưng anh lại chỉ dùng nó làm nơi sống và vẽ?

- Rất nhiều người thắc mắc điều đó, kể cả anh em, họ hàng, bạn bè. Chưa bao giờ tôi nghĩ mình là người giàu vì tiền và nhiều tiền. Con người chỉ khác nhau ở quan niệm sống. Khi mình yêu mình thì mới thông cảm được với người khác. Là một họa sĩ, tôi rất khó tính với cái đẹp. Tôi có thể đi bộ, không cần ăn sơn hào hải vị nhưng đôi mắt phải cho tôi được nhìn những gì gần nhất, đẹp nhất. Tôi không nói mình đã nhiều tiền để mà chơi ngông như thế.

Ngoài sự nghiệp, tôi ước mơ có một căn nhà mà nhìn là người ta thấy nó là của tôi. Cũng rất may là ông kiến trúc sư cũng rất quý và ngưỡng mộ tôi dù hơn tôi đúng 1 Giáp. Ông nói: Nếu căn nhà này Đào Hải Phong không ở thì không dành cho ai cả. Vấn đề chính, tôi nghĩ vẫn là giá trị sống. Tất cả chúng mình trên cõi này cũng giỏi lắm sống được 70,80 năm. Vậy thì tại sao mình lại không yêu mình nếu có điều kiện. Tôi không có ý định làm người giàu nhất ở nghĩa địa. Tôi cũng không chơi ngông như người ta tưởng mà tôi nghĩ mình xứng đáng có một căn nhà khép kín như thế.

Tất cả chỉ là quan niệm sống. Có người nghĩ có căn nhà như vậy thì mỗi tháng sẽ thu về rất nhiều tiền và họ thích đếm tiền. Còn tôi thì thích mở khóa bước vào một căn nhà yên tĩnh dành riêng cho mình trên một con phố đông vui. Thêm một lý do nữa là cha mẹ tôi là người Hà Nội. Cụ bà nhà tôi là một người Hà Nội gốc, một gia đình tương đối giàu có ở làng Ngũ Xã xưa. Mẹ tôi lưu luyến với hồn phố cổ nên có những chỗ yên tĩnh hơn nhưng mẹ tôi không thích. Bà hiểu tôi cũng có ý chiều bà. Và bản thân tôi cũng muốn có một căn nhà như vậy.

Tôi nghĩ, ở đời quan trọng nhất là mình phải biết đủ. Tôi sợ nhất ngày hôm nay là có rất nhiều người thừa nhiều thứ và thiếu nhiều thứ. Tiền nhiều như nước, nhà đất rất nhiều nhưng họ chỉ mãi tôi cũng không biết nó ở cái đoạn nào. Tôi thương những người như vậy. Ô tô thì vài cái, toàn loại 5-7 tỉ, sổ đỏ một tập nhưng khi hỏi nhà ở đâu để đủ chỗ cho một mảng tường treo tranh của tôi thì chỉ mãi tôi cũng không biết nó ở đâu. 

Giá trị sống là quan trọng. Tôi vẫn nói là, kiếm tiền làm gì cũng được miễn là đừng lừa đảo người ta. Và điều quan trọng nhất là phải để người ta gọi mình là ông chứ không phải là thằng. Nhiều người có 4-5 cái nhà, hơn tôi, nhưng vẫn bị gọi là "thằng", vì anh kiếm tiền quá tàn nhẫn, đằng sau bao nhiêu kẻ thù. Ở phố tôi, loại đó nhiều lắm. Tôi thấy kỳ lạ cho lối sống của họ. Về phố Bà Triệu, tôi thấy đỡ phải đi xem xiếc vì nhiều cái ngoài sức tưởng tượng của tôi, hơn cả xiếc. Đó là chuuyện thật chứ không phải bịa.

- Anh có tiêu tiền vào một thú vui nào không?

- Tôi rất ít thú vui. Vẽ với tôi vừa là làm nghề, vừa là thú vui nhưng cái thiệt thòi của mình là không thích được nhiều thứ khác. Có nhiều người thích rất nhiều thứ nhưng những cái họ thích tôi không thể thích nổi dù tôi có khả năng theo họ được. Khi còn mặc áo thừa của cha tôi đi học, trong thâm tâm tôi rất hiểu thế nào là giá trị chứ không phải mình mặc áo rách mà mình nghĩ tiền là số 1. Ngày hôm nay tôi vẫn hiểu giá trị đó. Đó là giá trị sống.

Đến nay tôi vẫn trân trọng những chai nước nắm mà những người họ hàng, người quen ở quê gửi lên cho gia đình tôi dù chúng tôi không thiếu chai nước mắm đó. Tôi có thể thuê một người gác cổng cho nhà mình, làm một cái mái che anh cho ta đứng và trả vài triệu đồng một tháng nhưng tôi không bao giờ có ý định làm điều đó vì tôi thấy nó rất lố bịch.


HỌA SĨ ĐÀO HẢI PHONG (ngoài cùng bên phải) tại triển lãm "Cân bằng".

1965: Sinh tại Hà Nội, Việt Nam
1987: Tốt nghiệp Đại học Sân Khấu Điện Ảnh
1992: Bắt đầu thiết kế cho xưởng phim truyện Việt Nam và sớm trở thành trưởng nhóm thiết kế.

TRIỂN LÃM CÁ NHÂN
1999: “Khoảnh khắc hoàng hôn”- Triển lãm cá nhân tại phòng tranh Plum Blossoms tại Hong Kong và Singapore.
“Khoảnh khắc hoàng hôn” - Triển lãm cá nhân tại phòng tranh Apricot, Hà Nội
2000: Triển lãm tranh cá nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh
2003: Triển lãm tranh cá nhân tại Kee Club, Hong Kong
2005: “Phép thuật của Đào Hải Phong” - Triển lãm tranh cá nhân tại Hong Kong và London, Anh
2006: Triển lãm nhóm tại Soun, Hàn Quốc
2007: Triển lãm tranh cá nhân tại phòng tranh Red River, Singapore

TRIỂN LÃM NHÓM:
1993: “Phố cổ Hà Nội” – Triển lãm tại Hà Nội
“Ký ức Hà Nội” – Triển lãm tại Hiệp hội Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội
1994: “Nghệ Thuật của Việt Nam” – Triển lãm tại phòng tranh Roy Miles, Luân Đôn, Anh
“Lễ hội Mỹ Thuật Việt Nam” – Triển lãm tại phòng tranh LFK, Hong Kong do Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tài trợ.
1995: “Sau bóng tối sẽ là khoảng sáng” – Triển lãm tại phòng tranh Hoa Sen Hà Nội
1996: “Ba nghệ sĩ đương đại Việt Nam” – Triển lãm tại phòng tranh LFK, Hong Kong
“Độc lập ở Hà Nội” – Triển lãm
1997: “Một thoáng Hà Nội” – Triển lãm tại TP Hồ Chí Minh, Việt Nam
“Quá khứ và hiện tại” – Triển lãm tại Hà Nội, Việt Nam
“Góc nhìn về nghệ thuật đương đại” – Triển lãm tại khách sạn Novotel, Vientiane, Lào
“Một cái nhìn từ góc khác” – Triển lãm tranh Đông Sơn, Hà Nội, Vietnam
“Một dòng sông cuộn sóng” – Chặng đường đến với nghệ thuật đương đại tại Việt Nam” – Triển lãm tại Washington, USA
1998: “Long lanh và thanh khiết” – Triển lãm, Phòng tranh Giàu có & Nổi tiếng, Switzerland
1999: “Triển lãm nghệ thuật Hà Nội” – Triển lãm, Hội Mỹ Thuật Việt Nam, Hà Nội
2001: “Con đường riêng” – Triển lãm, Hà Nội, Việt Nam
“Cảm hứng Việt Nam” – Triển lãm tại USA
“Nghệ thuật đương đại Việt Nam”, Triển lãm tại bảo tàng Wilfrid Israel
2002: Triễn lãm tại Max Mara, Waterside Shops, Florida, USA
“Tới một mùa mới” – Triển lãm tại Hà Nội, Việt Nam
2003 “Phong & Binh”, Triển lãm tại HKFINEART, Hong Kong
2007: Triển lãm tại Hàn Quốc
2009: “Featuring”, Triển lãm tại Khách sạn ANA Intercontinental, Nhật Bản
“Phòng để đọc”, Triển lãm từ thiện, Tokyo, Nhật Bản
9/2011: "Cân bằng", triển lãm chung với nhiếp ảnh gia Ngọc Thái trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Davines Hair Show tại Hà Nội.

Hạnh Phương

Ảnh: Nguyễn Hoàng