Liên hoan Ca trù năm nay (từ 13 đến 16/10 tại Hà Nội) có nhiều chuyện lạ. Không hiếm “đào nương” chẳng biết gõ phách, hát xướng lạc điệu, vô nhịp, vô lối, “kép” không lên nổi dây đàn chuẩn xác, nhầm lẫn cả làn điệu… Bên cạnh những tiết mục thật sự chất lượng, một vài “hạt sạn” to đùng vẫn nằm trong danh sách đoạt giải (!?). Hậu quả không chỉ là sự đau lòng của những người bảo tồn di sản, mà còn tạo sự ngộ nhận cho lượng lớn khán giả về giá trị của báu vật ca trù.

Học chưa đầy một tuần đã… đi thi

Sân khấu tối lại, giọng MC lanh lảnh thốt lên “sau đây là phần dự thi của Câu lạc bộ Nghệ thuật dân gian truyền thống Việt Nam - Hà Nội”, một đoàn xúng xính áo dài đủ màu bước ra. Cũng có đàn đáy, cũng có phách, cũng có trống chầu, nhưng lấp ló sau cánh gà còn có một chân đàn bầu, đàn nguyệt “yểm trợ”. Khán giả (phần lớn là thí sinh dự thi ca trù) tò mò... Quả nhiên, sau tiết mục múa sinh tiền (vốn rất phổ biến của các đội nữ quan tế đình hiện nay), bài Hát giai của một đào nương đứng tuổi bắt đầu nhen lên một vài tiếng cười rinh rích. Hóa ra, trong cả bài hát, đào gõ phách lủng củng, hát thường mất nhịp. Tuy nhiên, phải đến bài Xẩm huê tình lai chèo, những tiếng cười ngặt nghẽo mới được dịp rộ lên. “Đây không phải ca trù, mà cũng chả ra chèo”, một giọng nói vang lên. Lúc này đào đang đứng trên sân khấu, tay cầm quạt diễn tả hệt như một trích đoạn chèo. Bài Vịnh Hương Sơn theo thể cách Hát nói là lúc đào lộ rõ là một người không biết kỹ thuật hát và phách của Ca trù. “Chúng tôi xem mà cười ra nước mắt, nghệ thuật Ca trù mà lại là thế này ư? Đâu phải ca trù! Đấy là một dạng ngâm thơ mới, một kiểu hát chèo”, đào nương Đỗ Quyên, chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù Hải Phòng, bức xúc. Đào nương Bạch Vân đoàn Hà Nội còn phản ứng mạnh mẽ hơn: “Đàn, trống, phách không biết một cái gì hết. Đây phải gọi là “thảm họa ca trù”. Nhiều đoàn chứ không phải mỗi cái đoàn này đâu. Đoàn này chỉ là tệ nhất thôi!” - chị Vân gay gắt!

Tiết mục Xẩm huê tình đó lai chèo cũng phải, bởi người hát nó, cô Minh Nguyệt (59 tuổi) từng là một diễn viên ở đoàn chèo Hà Nội, nay về hưu và sinh hoạt tại câu lạc bộ. Cô Nguyệt cho biết, mình đã từng được tiếp xúc với ca trù vào những năm 1970, nhưng đó chỉ là khóa học 1 tháng với các nghệ nhân như Quách Thị Hồ, Nguyễn Thị Phúc và cũng chỉ học đúng 1 bài Hát nói để lấy làm tiết mục đi biểu diễn, từ đó đến nay hầu như chẳng động đến ca trù. Cô còn cho biết thêm hiện mình đang học cụ nghệ nhân Nguyễn Văn Hồng nhưng mỗi tháng chỉ có vài buổi. “Ở Câu lạc bộ, ngoài ca trù cô còn hát văn, hát chèo, quan họ, dân ca bởi đây là Câu lạc bộ dân gian hát tất cả các loại dân ca mà! Thời gian gần đây mới tập lại để đi thi thôi, ôn lại cũng chưa được một tuần, hôm nay là thứ Bảy, thì đến thứ Hai mới đủ 1 tuần đấy!” - cô Nguyệt cho biết.

Trường hợp của cô Mai Sinh (62 tuổi) cũng là thành viên của Câu lạc bộ nghệ thuật dân gian truyền thống Việt Nam (Hà Nội) còn kỳ lạ hơn nữa. Cô mới học hát hai tháng. “Cố gắng đến ngày thi thì tôi học được cô Bạch Dương được 3 ngày. Bài này còn sượng sống lắm. Từ hôm qua đến nay mới ôn lại thì tôi mới hát đấy. Chả biết nó như thế nào!”- cô Sinh cho biết. Được biết, cô chưa nghe băng đĩa của một nghệ nhân ca trù nào trước đây. Có lẽ, đó là lý do nhịp phách và giai điệu bài hát ru Ơn nghĩa sinh thành của cô nghe rất khó xếp vào loại làn điệu nào của ca trù.


Hiện tượng đàn hát lạc điệu, sai giọng, lệch dây, lạc phách lung tung... còn là trường hợp điển hình ở các CLB ca trù Giáo Phòng, CLB ca trù Bình Minh (Hưng Yên), CLB ca trù Trung tâm văn hóa tỉnh Bắc Ninh, CLB ca trù Việt Trì (Phú Thọ), CLB ca trù Thượng Mỗ, CLB ca trù Đồng Chữ, Chương Mỹ (Hà Nội). Có thế mới chia sẻ được nỗi bức xúc của những đào kép có nghề trong liên hoan. Có người nghe xong váng đầu đến phát sốt như trường hợp của nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ, cụ phải nhờ học trò đèo về nhà nằm bẹp một tối, hôm sau mới dám ra nghe tiếp.

Cẩu thả và chạy theo thành tích

Chúng tôi xem mà cười ra nước mắt, nghệ thuật Ca trù mà lại là thế này ư?

Trong bản nhận xét “Một vài điều gom lại” đưa ra tại Lễ bế mạc, ban tổ chức cũng buộc phải thừa nhận những thiếu sót rất cơ bản của liên hoan, “kép không biết lên dây đàn nên có âm hưởng Tây Nguyên hoặc Tây hóa”, “Ca nương khi hát thì thôi gõ phách” và một vài nhóm chưa hiểu Ca trù là gì và khó có thể xếp chương trình của họ vào phạm trù Ca trù. Rốt cuộc, ban tổ chức chỉ còn nước nói rằng, “chúng ta thành thực khuyên các nhóm này “tầm sư học đạo” một cách nghiêm túc để khỏi lãng phí sức người, sức của”. Đào nương Đỗ Quyên, chủ nhiệm CLB Ca trù Hải Phòng cho biết, với cách đào tạo có nhiều phương tiện âm thanh hỗ trợ như hiện nay mà người đào trẻ vẫn phải mất ít nhất 6 tháng luyện gieo phách mới được phép tập bài hát đầu tiên.

Tại hội nghị kiểm kê Di sản văn hóa Ca trù toàn quốc (Hà Nội, 13/10), ông Lê Văn Toàn Viện trưởng viện Âm nhạc, cho hay hiện có 51 giáo phường với hơn 500 thành viên tham gia hát ca trù trên toàn quốc. Con số tuy không khổng lồ nhưng khá bất ngờ với nhiều người. Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cho biết, “hiện nay, những đào kép ca trù thực thụ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Giả sử rằng giờ phong trào phục dựng ca trù đang lên, nhưng để đạt được con số 500 người như tổng kiểm kê nêu ra chắc chắn là điều… không tưởng”.

Thực tế, các nghệ nhân và đào kép ca trù đã ít, những người thực sự có chuyên môn nghiên cứu ca trù càng ít hơn. Vậy những ai đã thẩm định những người học hát và đưa họ vào danh sách người tham gia ca trù? Đó là các cán bộ Sở Văn hóa địa phương. Tuy nhiên, trình độ thẩm định ca trù của đội ngũ này khiến nhiều người bất ngờ. Vẫn trong hội nghị kiểm kê di sản văn hóa Ca trù toàn quốc, đại biểu Bùi Thị Phấn, Trưởng phòng nghiệp vụ văn hóa tỉnh Hưng Yên cho biết, cả Sở VH,TT&DL Hưng Yên không có ai là nhạc sĩ hay được đào tạo cơ bản về âm nhạc. Còn đại biểu của tỉnh Quảng Bình đã kể lại một trường hợp trớ trêu khi trong quá trình kiểm kê Ca trù, cán bộ văn hóa huyện Minh Hóa đã nhầm lẫn hát Sắc bùa thành Ca trù. Phải chăng, đáp lại những tiếng hô hào bảo vệ khẩn cấp di sản văn hóa là cuộc đua thành tích của các địa phương? Hậu quả thật thảm hại, như trường hợp một nhóm văn nghệ quần chúng hát đủ loại từ hát văn, chèo, quan họ, dân ca… (câu lạc bộ Nghệ thuật dân gian truyền thống Việt Nam) lần này cũng được liệt vào hàng đào kép ca trù, được Sở VH,TT&DL Hà Nội đề cử tham dự liên hoan (?).

Sau tiết mục công bố danh sách “mưa” giải thưởng, ban tổ chức suýt làm cho khán giả hiểu lầm liên hoan đã kết thúc, nên lục tục xô ghế đứng dậy. Nếu Viện trưởng Viện Âm nhạc Lê Văn Toàn không kịp thời đính chính, chắc khán giả đã bỏ về mà quên mất phần rất quan trọng là trao tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian tôn vinh những người có đóng góp to lớn trong việc bảo tồn di sản ca trù - phần lớn là các nghệ nhân cao niên, phải nhờ người dắt lên được sân khấu nhận bằng. Nhìn những báu vật nhân văn sống dù tuổi cao nhưng vẫn lặn lội đến tham dự liên hoan thấy thật buồn cho những người cẩu thả và thiếu hiểu biết nỡ làm hỏng chân giá trị của di sản này.

Theo Thể thao Văn hóa