- Lần đầu tiên đi giày cao gót, lần đầu tiên được trang điểm, vấn tóc, nhiều cô gái dân tộc tỏ ra bẽn lẽn và ngại ngùng khi đứng trước ống kính phóng viên ảnh. Hậu trường cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2011 vòng bán kết phía Bắc có nhiều chuyện thú vị.

Hồi hộp, lo lắng đến... mất ngủ!

Lê Nguyệt Anh, 21 tuổi, dân tộc Kinh đến từ Hà Nội chia sẻ rằng đây là lần đầu tiên cô tham dự một cuộc thi nhan sắc do sự động viên kích lệ từ những người thân. "Mẹ em bảo con đi thi để tự tin hơn trong giao tiếp. Nếu không đoạt giải thì cũng có thêm những hiểu biết về những nền văn hóa khác qua các bạn thi" - Nguyệt Anh trải lòng.

Lê Nguyệt Anh trong buổi thi ứng xử.

Cô sinh viên trường Trung cấp du lịch Hà Nội thú nhận thông qua bạn bè đã tìm đến nghệ sĩ Ngọc Bích để học múa trước khi đăng ký tham dự cuộc thi. Vì theo Nguyệt Anh, ở cuộc thi này có phần thi năng khiếu nên cũng muốn mình không bị "lép vế" trước các bạn cùng thi.

Gương mặt ưa nhìn, với chiếc má lúm đồng tiền rất duyên, Lê Nguyệt Anh bảo tối 1/11 đã thao thức, hồi hộp và lo lắng đến mất ngủ vì sợ sáng 2/11 sẽ bốc phải câu hỏi ứng xử khó. "Ban giám khảo thân thiện với các thí sinh nên em và nhiều bạn khác cũng khá thoải mái để trả lời những hiểu biết chân thật nhất của mình" - Nguyệt Anh nói.

Háo hức để được diện trang phục áo tắm

Hoàng Thị Hiền, dân tộc Dao, Hà Giang là một trong những thí sinh có chiều cao thấp 1m59 được lọt vào bán kết miền Bắc. Tuy nhiên, cô gái này có nét duyên riêng, đặc biệt cách nói chuyện rất thật thà. Hoàng Thị Hiền bảo lần đầu tiên được trang điểm, đánh son, kẻ mắt soi gương thấy mình thật khác.


Hoàng Thị Hiền (bên phải)

"Em chưa bao giờ đi giày cao gót cả, vì sợ ngã. Trước khi đến với cuộc thi em mượn được bạn một đôi 7cm và tập diễn đi lộc cộc ở nhà mãi đấy. Đến cuộc thi, BTC cho em mượn đôi gày cao gót khác thế là em diện luôn đôi này, cất đôi đã mượn đi cho khỏi hỏng của bạn" - Hoàng Thị Hiền trải lòng.

Hỏi Hoàng Thị Hiền chưa bao giờ mặc áo tắm, vậy có sợ phần thi này ở đêm thi tối 4/11 không?, rất tự tin, cô gái dân tộc Dao bảo: "Em sợ nhất là thi ứng xử thôi, còn áo tắm, em lại không sợ, thậm chí là háo hức vì chưa hình dung mình mặc trang phục đó lên người thì sẽ ra sao nữa?".

Xuất hiện "bản sao" của Nguyễn Thị Huyền

Mai Hà Ngân, dân tộc Tày, 21 tuổi, Hà Giang có khuôn mặt đẹp giống với Nguyễn Thị Huyền. Cô tự nhận rằng thi thoảng cũng được bạn bè hoặc người lạ nhận xét rằng mình xinh giống hoa hậu Nguyễn Thị Huyền. Thí sinh này bảo cô được sinh ra ở Tuyên Quang nhưng lớn lên ở Hà Giang trong một gia đình có bố mẹ đều làm ngành y.


Mai Hà Ngân

Vì vậy, để theo nghề cô đã thi vào trường Trung cấp y tế Đặng Văn Ngữ. Hà Ngân bảo lý do tham dự cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam mà không phải cuộc thi khác là bởi muốn được chiêm ngưỡng những trang phục của nhiều dân tộc, muốn được nghe tiếng bản địa của các bạn thí sinh thi xem thú vị ra sao.

"Đi thi ai cũng muốn được giải thưởng nhưng với em việc được biết thêm những kiến thức văn hóa liên quan đến nhiều vùng miền quan trọng hơn. Tất nhiên, nếu được vào sâu cuộc thi, được một lần đến TP.HCM để biết sự sôi động, nhộn nhịp của cuộc sống nơi đây thì đó cũng là mong mỏi từ lâu của em" - Hà Ngân tâm sự.

Đi thi mong có tiền chữa bệnh cho bố

Triệu Thị Hà, dân tộc Nùng, Cao Bằng sở hữu chiều cao nổi trội so với các thí sinh vào bán kết khu vực phía Bắc với 1m69 và gương mặt khả ái, phúc hậu giống với đương kim Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2007 Hoàng Thị Nhung. Cô sinh viên ĐH kinh tế quản trị kinh doanh thật thà kể bố cô ngày trước làm quản lý thị trường huyện Quảng Nguyên nhưng do bị bệnh về dây thần kinh khiến mắt yếu, chân tay đau nên phải nghỉ hưu non.


Triệu Thị Hà (áo dài nhung xanh)

Còn mẹ làm nghề nông nên gia đình Triệu Thị Hà vẫn còn nhiều khó khăn. Triệu Thì Hà thành thật: "Em nói không biết chị có tin không nhưng ngoài việc đi thi để giao lưu với các bạn em cũng khát khao được giải thưởng để có một khoản tiền đưa bố đi chữa bệnh".

Cô gái biết cấy từ năm 12 tuổi, tự hào từng là thôn nữ làm rương, làm rẫy đảm trong huyện thổ lộ gia đình cô vẫn giữ bản sắc văn hóa, mọi thành viên đều nói tiếng Nùng với nhau chỉ khi nào đi ra ngoài hay như cô đi học đại học giao tiếp với bạn bè mới nói tiếng Kinh.

Cặp song sinh dễ thương, thông minh

Đều 21 tuổi và đang cùng theo học ở Học viện báo chí Tuyên truyền, cặp chị em song sinh Trần Nữ Vương Linh và Trần Nữ Thạch Linh gây ấn tượng đặc biệt với cánh báo chí và ban tổ chức bởi sự dễ thương, nhẹ nhàng và khôn khéo trong giao tiếp.


Cặp song sinh Vương Linh, Thạch Linh

Điểm phân biệt của hai người là chị Vương Linh có nốt ruồi ở cánh mũi còn người em thì không. Nếu như Thạch Linh tự nhận là người cá tính thì người chị lại rất nhẹ nhàng. Vương Linh bảo cô thích các môn văn hóa, xã hội thì em gái lại thích những môn tự nhiên.

Bài và ảnh: Sơn Hà