- Ông giao ước: Có thể viết bất cứ điều gì về cây đèn Tiffany để nhiều người có thể có thêm thông tin về nghệ thuật kính màu nhưng tuyệt nhiên không được nhắc đến tên cũng như đưa hình ông lên mặt báo.

Căn phòng phủ đầy đèn Tiffany.

Thế giới của màu sắc và những câu chuyện cổ tích

Câu chuyện xoay quanh những chiếc đèn kính màu Tiffany huyền ảo dường như không bao giờ có hồi kết bởi ngay ở Việt Nam, ngày càng có thêm nhiều người biết và sở hữu những cây đèn Tiffany. Có thể, chính sự bí ẩn của những cây đèn đã quy định luôn cả tính cách của những người sở hữu chúng. Họ chơi âm thầm, ngắm đèn âm thầm, hưởng thụ và chia sẻ với nhau niềm đam mê dành cho những chiếc chao đèn kính màu mê hoặc dù chỉ bằng ánh mắt mà chẳng cần phải nói ra nhiều lý lẽ. Và tuyệt nhiên, trong số những người chơi đèn Tiffany thực sự ở VN, dù biết đến nhau, nhưng không bao giờ họ chịu xuất hiện trên mặt báo.  

Nếu bạn xin được đến nhà chỉ để ngồi ngắm những cây đèn của họ thì có thể được chấp nhận nhưng việc thuyết phục chủ nhân cho chụp hình những chiếc chao đèn Tiffany của họ để đưa lên mặt báo thì không phải là chuyện đơn giản. Việc "moi" những thông tin về giá trị thực của những chiếc đèn lại càng khó hơn bởi chủ nhân của chúng thường không có nhu cầu chia sẻ điều này. Đơn giản là họ muốn giữ gìn những giá trị tinh thần thuần khiết cho những vật phẩm yêu mến của họ.

Chiếc đèn ông ưu ái để trên chiếc bàn tiếp khách giữa phòng có màu sắc dịu nhẹ.
Lần thứ ba được ông, nhân vật được coi là người sở hữu bộ đèn Tiffany phiên bản hoành tráng số 1 hiện nay ở Việt Nam, mời đến nhà ngắm đèn, đối với tôi đây quả thực là một món quà tinh thần quý giá. Lần nào đến nhà ông, được đắm mình trong không gian ngập tràn màu sắc lung linh, toả ra thứ ánh sáng bình yên và ấm áp cũng mang đến cho chúng tôi những cảm xúc đặc biệt. Đèn Tiffany luôn khiến người ta có cảm giác rụt rè chính bởi sự quý phái thầm lặng toát ra từ chúng. Nhưng cảm giác ấy qua đi rất nhanh bởi người ngắm nó sẽ bị hút theo những gam màu sâu thẳm, sự biến ảo theo từng góc nhìn của mỗi chao đèn, hình dáng mỗi chao đèn, mỗi chân đèn đa dạng.

Lần nào cũng vậy, ông rất chiều chúng tôi, sẵn sàng bật sáng hầu hết các cây đèn trong căn phòng, dù thường ngày, khi ở một mình ông rất hiếm khi làm như thế. Đã hỏi đi hỏi lại nhiều lần nhưng chúng tôi khó mà nhớ cho thật chính xác tên của từng chiếc chao đèn. Vậy là ông lại trả lời tỉ mỉ từng chút một, sẵn sàng điều chỉnh độ sáng tối của những chiếc bóng đèn lắp bên trong, thậm chí còn xoay chao đèn và chỉ cho chúng tôi vẻ đẹp từ những góc ngắm khác nhau. Với ông, chia sẻ đam mê dành cho mỗi chiếc đèn với người khác, dù chưa chắc hiểu bằng ông, chưa chắc yêu và không thể có nhiều kỷ niệm với từng chiếc chao đèn như ông thì cũng là một cái thú.

Tuy nhiên cũng có những chiếc chao khiến ông bị ám ảnh.

Trong căn nhà của ông nằm trên một con phố khá ồn ào, căn phòng chính dành cho những cây đèn Tiffany huyền ảo dường như tách hẳn khỏi thế giới thực. Nó làm cho người ta rơi vào cảm giác như đang sống ở một thế giới khác, một thế giới bình yên, an toàn và những câu chuyện cổ tích dang dở…

Đam mê quý tộc

Trong số 20 cây đèn Tiffany có quý trong bộ sưu tầm của ông, một "công trình" mà ông đã tích lũy và nuôi dưỡng tình yêu trong suốt nhiều năm, hầu hết đều gắn liền với những kỷ niệm đặc biệt và khó quên. Bởi ngoài một vài cây đèn cổ có giá trị đặc biệt được mua sẵn, số còn lại đều được ông đặt các nghệ nhân ở nước ngoài (chủ yếu là Mỹ) làm theo những cảm xúc và sở thích cá nhân.

Nhiều vị khách nước ngoài bay sang Việt Nam chỉ để đến ngắm đèn của ông.
Tất nhiên những chiếc chao đèn này phải tuân thủ nghiêm ngặt mẫu thiết kế gốc của Tiffany nhưng màu sắc thì có thể biến đổi vì có muốn cũng không thể lặp lại được những cây đèn gốc. Sinh thời, bản thân Tiffany cũng không thể làm ra hai chiếc đèn giống hệt nhau cho dù cùng một mẫu thiết kế. Nhiều chiếc đèn của ông được đặt theo yêu cầu đặc biệt. Đó là ấn tượng từ một câu chuyện cổ tích gợi lại tuổi thơ, cái đem đến ấn tượng sâu thẳm của một đêm mùa Hạ nồng nàn, cái thì cho ấn tượng về tiết Thu se lạnh…

Quá trình đặt làm đèn có khi kéo dài nhiều tháng, có cái mất vài năm. Hàng trăm bức thư và tấm hình được trao đi đổi lại với nghệ nhân làm khi làm mỗi chiếc chao đèn. Đôi khi, để thống nhất được về kính và màu sắc cũng là cả một vấn đề. Bởi có những chiếc chao cần đến những miếng kính kết hợp màu trắng tinh khiết, đi kèm màu hồng, màu nho, xen vào đó là màu xanh mượt mà…

Quá trình đặt làm đèn có khi kéo dài nhiều tháng, có cái mất vài năm.
Và quan trọng nhất là miếng kính đó phải có độ chuyển tiếp màu sắc một cách tinh tế, hợp lý. Mặc dù màu sắc được phối rất rực rỡ nhưng nghệ thuật đèn Tiffany tối kỵ sự chuyển tiếp màu lộ liễu. Đây cũng là tiêu chuẩn để xếp hạng các nghệ nhân làm đèn. Quá trình làm đèn - đó luôn là thời gian chờ đợi hồi hộp với ông và chỉ đến khi tận mắt nhìn thấy cây đèn của mình, tận tay chạm vào nó, ông mới biết cây đèn đó có đạt yêu cầu, có đúng như những gì mà mình hình dung và mong muốn hay không.

Ông nói với tôi rằng ông thường chọn màu bóng đèn để chiếu sáng theo cảm xúc và hoàn cảnh. Mùa Hè - Nóng! Ông hay bật chiếc chao đèn Chuồn màu xanh thanh thiên nhẹ nhàng. Qua mùa Thu vào Đông ông lại đổi sang chiếc chao đèn Chuồn màu hổ phách rực rỡ. Có những chiếc chao đèn trong nhà khiến người xem có cảm giác bị ám ảnh đến nhức nhối nhưng cũng có những chiếc dù ngắm nghía hàng giờ mà vẫn cảm giác thư thái dễ chịu.

Một chiếc chao đèn có thể ngắm hàng giờ mà không nhức mắt.
Có trong tay cả chục chiếc đèn không thể định hết giá nhưng ông vẫn nuôi hy vọng có cơ hội sẽ cố đặt làm một vài mẫu đèn Tiffany đẹp nhất. Để chuẩn bị cho một công tình xây dựng, hai năm qua ông đã đặt các nghệ nhân Mỹ thực hiện phiên bản của bức tranh kính màu Autumn Landscape nổi tiếng của Tiffany hiện đang nằm trong Metropolitan Museum of Art (MET), một trong những bảo tàng mỹ thuật lớn nhất của Mỹ đặt tại trung tâm Thành phố New York.

Ông quyết định chi tiền cho nghệ nhân bay từ Los Angeles tới New York nhiều lần chỉ để nghiên cứu trực tiếp đặc điểm của từng loại kính trước khi thực hiện. Tuy nhiên, Đây là một bức tranh kính mà đến nay gần như chưa có ai đặt làm lại nên công việc diễn ra chậm chạp, đầy thử thách. Bức tranh kinh này lớn khoảng 8 mét vuông, với hàng ngàn miếng kính hình thù phức tạp, sau 2 năm thực hiện, do các công đoạn sưu tầm kính và cắt kính quá khó khăn, Autumn Landscape vẫn chưa hứa hẹn ngày hoàn thiện.

Những tác phẩm kính màu của Tiffany luôn có sức hút kỳ lạ.

Những chao đèn ám ảnh

Ông bảo ông bị ám ảnh ghê gớm bởi màu sắc của cây đèn “Hoa Mẫu đơn Tinh xảo” (Elaborate Peony), đặc biệt là họa tiết và sự biến hóa về sắc độ của nó. Mỗi lần đặt nó trước bản làm việc ông không tài nào tập trung được vì cứ 5 phút lại phải rời màn hình máy tính ra để ngắm nghía nó. Và lần nào cũng vậy, chiếc đèn này đều đem đến cho ông những cảm giác mới lạ. "Khi đó chúng không còn là đèn nữa mà là một cái gì đó rất ám ảnh. Nó gợi một ấn tượng nào đó vừa mơ hồ, vừa cụ thể về dáng dấp của Thiên Đường", ông tâm sự.

Hoa Kim ngân là chiếc đèn ông đặc biệt thích thú. Nó được đặt ngay ở chiếc bàn tiếp khách chính giữa phòng. Điểm cuốn hút của cây đèn có kích thước bé nhỏ này không phải bởi độ rực rỡ mà chính bởi sự trầm tĩnh giản dị nhưng lại vô cùng gần gũi, ấm ấp. Đây là chiếc đèn đặc biệt bởi toàn bộ được làm bằng kính của Linns, một hãng kính đã ngừng hoạt động từ cách đây ba thập kỷ. Gam màu và cách chuyển tiếp giữa các tổ hợp màu trên mỗi miếng kính của Linns rất gần với cách pha màu của trường phái hội hoạ ấn tượng.

Hoa Kim Ngân là chiếc đèn ông đặc biệt thích thú

Cái màu sắc le lói ở một điểm nào đó khó xác định trên một miếng kính bé nhỏ kia đang tạo cảm giác có luồng ánh sáng nhẹ nhàng đi qua. Chỉ đôi miếng có màu tương phản, thế là đủ, nếu không sẽ tạo cảm giác nhức nhối. Thực tế có nhiều nghệ nhân nổi tiếng đã thử sức với chiếc chao đèn nhỏ, chỉ có 275 miếng kính này nhưng đã thất bại - hoặc là quá phô trương loè loẹt, hoặc nhem nhuốc.

Chiếc chao đèn Hoa Mẫu đơn giống với phiên bản cây đèn nổi tiếng từng thuộc sở hữu của nữ diễn viên Barbra Streissand cũng là chiếc đèn ông thích. Không phải vì nó có nhiều màu và đắt tiền mà vì gam màu chủ đạo rất nhẹ nhàng, duyên dáng. Ông nói nó giống một cô gái dịu dàng đang ở độ tuổi thanh xuân. Chiếc đèn Mạng nhện ông để ở một góc khuất trong nhà dù ít được người lạ để mắt tới nhưng lại là chiếc đèn ông dành nhiều tình cảm "bởi nó cổ tích, già cỗi, có dấu ấn về thời gian, bí hiểm nhưng rất lành".

Ông rất kiệm lời khi đề cập đến chuyện tiền bạc của mỗi chiếc đèn

Ông rất kiệm lời khi đề cập đến chuyện tiền bạc của mỗi chiếc đèn. Ông cho rằng đó là câu chuyện phù phiếm, người yêu nghệ thuật nên biết cách bỏ qua. Nhưng khi nói về nghệ thuật, đặc biệt về nghệ thuật kính màu của Tiffany thì ông lại sôi nổi. Ông nói, nghệ thuật kính màu là một mảng nghệ thuật khá đặc biệt của nhân loại, có lịch sử hàng nghìn năm.

Nghệ thuật kính màu của Tiffany là đỉnh cao nhất của nghệ thuật kính màu thế giới, nhưng đáng tiếc nó đang mai một. Hiện nay cả thế giới số nghệ nhân có đủ trình độ làm ra những chiếc đèn Tiffany đạt chất lượng bảo tàng chỉ còn không đủ đếm trên đầu ngón tay. Nguồn kính đẹp lại càng khan hiếm, hàng trăm mẫu kính làm theo công thức và kỹ nghệ pha màu của Tiffany đã vĩnh viễn ra đi cùng với sự ra đi của các nghệ nhân lão thành có kinh nghiệm và tay nghề. Chia sẻ với chúng tôi, ông nói luôn mong muốn ở Việt Nam sẽ có được một bộ sưu tầm nghệ thuật kính màu ra trò trống để làm phong phú thêm đời sống văn hoá của người Việt Nam, qua đó giúp mọi người có thêm điều kiện mở mang cảm xúc và biết nhìn ra thế giới rộng lớn để học hỏi.

Một kiệt tác nghệ thuật thực sự!

Một số người sưu tầm nước ngoài biết ông sở hữu bộ sưu tập đèn Tiffany đẹp và độc đáo đã bay sang Việt Nam và xin đến gặp ông chỉ để… ngắm đèn. Cách đây không lâu đã có một cặp vợ chồng người Úc và hai người Malaysia đã sang Việt Nam và dành 4 tối liền xin được đến nhà ông và ngồi đến nửa đêm chỉ để xem đèn. Họ mê đến độ đứng lên đi lấy nước uống cũng phải ngoái lại nhìn đèn, nói chuyện với nhau mà mắt vẫn không rời khỏi những chiếc đèn Tiffany.

Ông bảo ngắm đèn cũng là một cách để cân bằng bản thân với cuộc sống. Ông cảm thấy hạnh phúc và bình yên khi về đến nhà, được gặp lại những chiếc đèn thân thiết “biết nói và biết chia sẻ” của ông. Đèn Tiffany, theo ông, dù công năng vốn dĩ là dùng để chiếu sáng, nhưng đó không phải chỉ là phương tiện chiếu sáng. Nó là phẩm vật đẹp đẽ do bàn tay con người làm ra, nhưng không chỉ là những món đồ dùng trang trí nội thất hoặc để khoe khoang trưng diện. Đó là một phương tiện rất hữu ích giúp ta xoa dịu và trở về với chính mình...

Những miếng kính nổi được làm hết sức cầu kỳ.

Còn những nghệ nhân từng có duyên làm đèn cho ông - họ khá đặc biệt. Họ cũng miệt mài thấp thỏm từ lúc nhận lời làm chao đèn cho ông, cho đến ngày nó xuất hiện ở VN. Một số người đang ao ước sẽ có ngày được đến VN để nhìn lại những tác phẩm do mình làm ra. Họ gọi chúng là “baby”, là những đứa con tinh thần của họ. Và ông nói nhất định ông sẽ mời họ sang thăm Việt Nam như một sự đáp tạ. Sự đáp tạ và niềm đam mê này có lẽ chỉ có những người yêu nghệ thuật kính màu và yêu đèn Tiffany mới có thể chia sẻ được.

Hạnh Phương - Nguyễn Hoàng
Photo & Clip: Hoang Nguyen