- Buổi trình diễn nhạc giao hưởng miễn phí trên đường phố Hà Nội ngày 4/11 ra mắt báo chí đã để lại những ấn tượng tốt không chỉ với các nhà báo mà một số du khách qua đường cũng bày tỏ những thú vị về cách thức tổ chức mới mẻ này.

Với mục tiêu mang âm nhạc giao hưởng cổ điển đến với đông đảo người dân thủ đô, dự án âm nhạc cộng đồng "Giao hưởng LUALA" sẽ được trình diễn miễn phí cho khán giả thủ đô vào thứ bảy (từ 15h đến 17h) và chủ nhật hàng tuần (từ 10h đến 12h và từ 15h đến 17h) trong hai tháng 11 và 12 năm 2011.

Địa điểm diễn ra là trước cửa Nhà xuất bản Âm nhạc, nơi có một khoảng không gian đủ rộng cho người đi bộ và được bao quanh bởi các khối kiến trúc Pháp cổ đặc biệt của Hà Nội. Theo đại diện ban tổ chức thì chương trình nhạc giao hưởng này khác với các chương trình hòa nhạc thính phòng chuyên môn bắt buộc phải diễn ra trong các khán phòng đủ tiêu chuẩn.

Dàn nhạc dưới sự dàn dựng và chỉ huy của nghệ sĩ violin Xuân Huy, 20 nghệ sĩ đàn dây đến từ Nhà hát Giao hưởng Việt Nam, Nhà hát Nhạc vũ kịch và Nhạc viện Hà Nội bắt đầu tập luyện từ tháng 9 cùng với cố vấn âm nhạc là nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng.

Nghệ sĩ Xuân Huy

Những tác phẩm âm nhạc thính phòng nổi tiếng như: Emperior Waltz (Jonhann Strauss), Divenmento No 136 và No137 (Mozart), Eine Kleine Wachtmusik (Vivaldi), Serande Sring Orch (Tchaikovsky), Air from Suite No 3 (Bach), Aus Holbergs 2eit (Greig), Concerto for 2 violoncello (Vivaldi), Impromptu (Sibeling), Turkey march (Mozart),... được tập luyện kỹ càng.

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng cho biết việc đưa các tác phẩm kinh điển này đến với đông đảo người nghe là một trong những động thái cần thiết nhất để âm nhạc bác học đến với số đông và thôi thúc công chúng quan tâm nhiều hơn đến nhạc cổ điển.

Các nghệ sĩ chơi trong buổi ra mắt báo chí dự án chương trình.

Ở phương Tây, âm nhạc cổ điển được xem là âm nhạc mang tính dân tộc. Một người dân thường cũng có thể ngâm nga những giai điệu của Bach và Mozart. Thị trường âm nhạc Việt Nam lúc này lại đang có xu hướng thiên về các thể loại Pop, Rock, R&B... còn hình thức cổ điển chỉ diễn ra trong Nhà hát lớn.

Vì thế, phần đông giới trẻ không được tiếp cận và không hiểu sâu sắc về âm nhạc cổ điển. Bằng việc biểu diễn trong khung cảnh ngoài trời, sự xuất hiện của dàn nhạc hy vọng sẽ góp phần tạo ra các tuyến phố văn minh. Bất cứ ai đi trên đường phố cũng có thể nghe nhạc cổ điển, một cách tự nhiên nhưng không kém phần sang trọng.

S.Hà
Ảnh: LLa