- Leo lên từ căn hầm sau 15 phút tự khám phá, khi được hỏi: "Cảm giác của anh thế nào?" Phóng viên tờ New York Times chỉ dùng đúng 1 từ: "Amazing!" (Thật kỳ thú!).

Câu chuyện về căn hầm còn sót lại từ thời chiến tranh dưới nền của khách sạn Sofitel Legend Metropole những ngày đầu tháng 11 vừa qua đã thu hút sự chú ý đặc biệt của báo giới trong nước cũng như các hãng thông tấn lớn của nước ngoài. Rất nhiều phóng viên nước ngoài đến từ AP, Thời báo New York... đã tìm đến căn hầm để được tận mắt thấy một chứng tích lịch sử còn sót lại từ thời chiến tranh.

Việc cần làm trước khi xuống hầm là đi ủng để sẵn sàng lội nước.
Thật thú vị khi được khám phá một căn hầm trú ẩn được xây dựng rất kiên cố và gần như còn nguyên vẹn dưới nền móng của một khách sạn sang trọng bậc nhất Hà Nội có lịch sử hơn 100 năm tuổi. Không ai biết chính xác căn hầm này được xây dựng khi nào nhưng nó được cho là đã được khởi tạo vào khoảng thập niên 1960, khi quân đội Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc.
Cảm giác thích thú khi chuẩn bị được khám phá căn hầm lịch sử.
Căn hầm nằm ngay giữa lòng khách sạn, ngay sát khu vườn và bể bơi nhiều ngày qua liên tục đón tiếp các vị khách ghé thăm. Chưa khi nào lịch sử lại hiện hữu một cách rõ rệt như vậy. Nơi đây được dùng làm nơi trú ẩn cho những vị khách từng đến khách sạn thời chiến tranh, trong số này có rất nhiều vị khách nổi tiếng như ca sĩ Mỹ Joan Baez, một trong những nhà hoạt động vì nhân quyền cũng như các phong trào phản chiến trên thế giới thập niên 1960-70.
Một chiếc thang mới được dùng để dẫn xuống hầm.
Cùng với Joan Baez, nữ diễn viên nổi tiếng Hollywood Jane Fonda với biệt danh Hanoi Jane, một trong những người Mỹ đi đầu trong các cuộc biểu tình phản đối cuộc chiến tranh Mỹ tiến hành tại Việt Nam, cũng đã từng trú tại căn hầm này khi bà tới Hà Nội năm 1972. Và không phải ai cũng biết rằng rất nhiều trang trong cuốn tiểu thuyết "Người Mỹ trầm lặng" mà sau đó đã được Hollywood chuyển thể thành phim năm 2002 đã được nhà văn Graham Greene viết trong thời gian ông lưu trú tại khách sạn Metropole.
Không thể quên ủng và đèn khi khám phá căn hầm.
Nằm sâu dưới lòng đất khoảng 3m, căn hầm có diện tích rộng khoảng 50m2 với các bức tường được xây rất kiên cố mà nay gần như nguyên vẹn. Một lối dẫn xuống hầm đã được tái tạo với một chiếc thang bằng kim loại dựng đứng. Do nước vẫn còn ứ đựng khá nhiều dưới lòng hầm và không có hệ thống chiếu sáng nên người ta phải dùng đến ủng và mang theo những chiếc đèn sạc khi xuống. Sau cái cảm giác hơi lo lắng ban đầu khi bước xuống thang, người xem cảm thấy vô cùng hứng thú khi được khám phá từng góc của căn hầm kỳ bí.
Căn hầm được xây rất kiên cố
Bốn thập kỷ đã trôi qua kể từ trận chiến Điện Biên Phủ trên không năm 1972 khi Mỹ ném bom B52 xuống nhiều địa danh ở Hà Nội, đất nước đã thống nhất được 36 năm và căn hầm trên cũng bị vùi lấp và chìm vào quên lãng cho đến mùa hè vừa qua. Căn hầm có 7 phòng, cánh cửa sắt đã hoen gỉ nhưng tường thì vẫn còn rất chắc chắn. Những nét chữ bằng tiếng Anh vẽ nghệch ngoạc trên tường với cái tên Bob Devereaux và dòng chữ số 17 tháng 8 năm 1975 vẫn còn khá rõ.
Vết tích các vị khách nước ngoài để lại trong hầm.
Nhiều nhân viên đã gắn bó với khách sạn lâu năm đã từng được nghe kể về một đường hầm nằm đâu đó trong khách sạn nhưng không thể biết chính xác vị trí của nó. Và trong quá trình thi công nền móng cải tạo Bamboo bar của Metropole cách nay vài tháng người ta đã tình cờ chạm vào mái của một hầm trú ẩn bị chôn vùi đã lâu, mở đầu công cuộc tìm kiếm và khám phá câu chuyện lịch sử đã bị lãng quên về một thời chiến tranh của khách sạn hơn trăm năm tuổi.

Phóng viên New York Times đến tìm hiểu căn hầm trong khách sạn từ khá sớm.
“Trong cuốn lịch sử khách sạn, chúng tôi có câu chuyện kể về Joan Baez, một ca sĩ nhạc dân gian người Mỹ đã từng trú ẩn dưới căn hầm này suốt thời bom đạn mùa đông năm ấy, và cũng tại đây cô sánh vai với một nhạc sĩ guitar người Việt cất cao tiếng hát. Trước đây chúng tôi vẫn biết là trong khách sạn có một căn hầm trú ẩn từ thời chiến tranh, nằm đâu đó trong vườn, giữa hồ bơi và bar Le Club, nhưng việc xác định vị trí chính xác ở đâu không hề dễ cho đến khi Giám đốc Kỹ thuật của chúng tôi cố gắng đóng cọc móng cho Bamboo Bar trong giai đoạn nâng cấp tháng 8 năm 2011 thì mới tình cờ phát hiện căn hầm", ông Kai Speth, Giám đốc khách sạn cho hay.

Khó có thể hình dung phía dưới một khách sạn sang trọng lại có một căn hầm chứa nhiều dấu vết lịch sử như vậy.
Hiện Metropole vẫn chưa quyết định cách tốt nhất để sử dụng không gian ngầm này nhưng ông Speth cho biết có thể khách sạn sẽ biến chiếc hầm thành một bảo tàng nho nhỏ để giúp nhân viên nhiều thế hệ, những người quan tâm hay khách lưu trú hiểu hơn về một dân tộc Việt Nam anh hùng và những gì người dân Việt Nam đã làm trong thời kháng chiến. "Chúng tôi chưa từng thấy có một khách sạn nào khác ở Việt Nam hay nước ngoài có được một hầm trú ẩn cho khách và nhân viên đáng giá như thế này", ông Kai Speth nói.


Đường xuống hầm khá khó khăn nhưng những gì được tận mắt thấy sau đó thì rất thú vị.
Cũng như vô vàn những căn hầm bí mật khác được người dân đào để trốn những trận bom bất ngờ, căn hầm của Metropole là một trong những chứng tích còn sót lại của Hà Nội một thời chiến tranh mới lùi xa cách nay không lâu. Năm 1967, tạp chí LIFE cũng đã từng gây chấn động với bức ảnh bìa là hình chụp phía ngoài khách sạn Metropole với những nắp hầm trú ẩn hết sức thú vị. 

Bức hình bìa nổi tiếng trên tạp chí LIFE năm 1967 chụp các căn hầm trú ẩn phía ngoài khách sạn Metropole. Ảnh: LIFE Mag.
Hạnh Phương
Ảnh, Clip:
An Nhi