- Giữa những ngày thu Hà Nội, bất chợt gặp người nhạc sĩ hiền từ, mái tóc trắng phất phơ “Bài ca hy vọng”, bất chợt mênh mông một con đường âm nhạc mang tên ca khúc bất hủ…


Nhạc sĩ Văn Ký bồi hồi xúc động nhớ lại những kỷ niệm mà suốt đời ông không thể nào quên được. Giữa những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất, có lần đang đạp xe trên đất lửa Vĩnh Linh, ông chợt nghe qua loa phát thanh kể chuyện các chiến sĩ trong lao tù Côn Đảo những lúc bị khủng bố ác liệt nhất thì bí mật truyền đi thông điệp để kết nối và cùng hát “Bài ca hy vọng”, lời ca thầm thì xuyên qua những bức bách, chết chóc chốn lao tù, động viên nhau đoàn kết, vững lòng chiến đấu, tin tưởng vào thành quả cuối cùng, cho dù có phải hy sinh tính mạng. Nghe đến đó, người nhạc sĩ ngã ngồi xuống đất, mắt nhòa lệ vì quá xúc động.

Nhạc sĩ Văn Ký

Nguyên phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa từng truyền đi thông điệp của “Bài ca hy vọng” suốt 11 năm trong chốn lao tù. Cũng chính người nữ cựu tù này đã động viên chị Quyên - vợ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi – dạy chị Quyên hát “Bài ca hy vọng” khi anh Trỗi bị bắt, tù đầy.

Có lần, trong chuyến đi biểu diễn ở một trại điều dưỡng, nhạc sĩ Văn Ký bật khóc khi có người thương binh nặng chống nạng tới cám ơn cô ca sĩ đã hát cho anh nghe “Bài ca hy vọng” chính vào thời điểm anh đã hoại thư, nằm liệt một chỗ, tưởng chắc chắn hy sinh. Nhờ bài hát mà anh đứng dậy, bứt khỏi cái chết…

Còn nhiều lắm những câu chuyện xúc động không tả nổi như thế, những câu chuyện mà người nhạc sĩ đã quá tuổi thất thập cổ lai hy khẳng định rằng thật sự bất ngờ, rằng đó là món quà quý giá nhất, là “giải thưởng” to lớn nhất mà khi sáng tác nên các tác phẩm này, chính ông cũng  không thể nào ngờ được mình sẽ vinh dự và may mắn đón nhận.

Sáng tác hồn nhiên và trong trẻo, nhẹ nhõm phiêu du như cõi thần tiên, các ca khúc của nhạc sĩ Văn Ký đều ra đời rất nhanh trong những khoảnh khắc sáng tạo mà nhạc sĩ thú nhận như một ân huệ, như sự ban thưởng về tinh thần cao nhất.

Nha Trang xanh, bầu trời Hà Nội xanh, tâm hồn dân tộc “xanh thắm mộng đời” đã đi vào trong ca từ tha thiết của ông, ngay trong những năm tháng khó khăn gian khổ nhất trên con đường “đi tìm hình của nước”. Bởi vì, đối với nhạc sĩ Văn Ký, không gì có thể thay đổi được niềm tin về một tương lai tươi sáng dứt khoát sẽ đến, xóa mờ những đau thương, khổ ải, mở ra con đường dựng xây trải rộng về phía trước, trong nét nhạc lồng lộng vút cao. Hình ảnh đôi chim vỗ cánh bay trong bầu trời mùa xuân vừa nhẹ nhàng, tha thiết vừa mãnh liệt, cháy bỏng mơ ước bay cao…

Nhạc sĩ Văn Ký và nhạc sĩ Dương Thụ

Không chỉ vượt thời gian với người nghe nhạc Việt Nam, bạn bè năm châu từng biết đến và yêu thích tác phẩm của người nhạc sĩ giản dị, trẻ trung, được mệnh danh là “Nhạc sĩ của tình yêu và hy vọng”.Hòa tấu “Hồi tưởng” và trích đoạn “Ru con” trong Tổ khúc giao hưởng “K’ Nhi” của nhạc sĩ Văn Ký từng được trình diễn ở Berlin - thủ đô của âm nhạc cổ điển bác học của thế giới.

Tối chủ nhật (13/11/2011), tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô, chương trình truyền hình trực tiếp “Con đường âm nhạc” (VTV 3, Đài Truyền hình Việt Nam) đã vinh danh người nhạc sĩ của “Bài ca hy vọng” khiến người nghe vô cùng xúc động. Ngoài các tác phẩm đã quá nổi tiếng của nhạc sĩ, ca khúc kết thúc chương trình là một trong những kỷ niệm gắn bó mật thiết với Báo VietNamNet – ca khúc viết tặng riêng cho báo – có tựa là “Bay lên Việt Nam”, nhưng giờ đây đã không chỉ là một bài hát gắn với VietNamNet mà mênh mông tình người, tràn đầy tinh thần dân tộc, như một dấu ấn mới của nghệ thuật trên con đường dựng xây hình ảnh đất nước.

Hòa Bình - Ảnh: Huy Hoàng