- Dư luận đang nóng lên bởi vụ đột kích và triệt phá một trong những “ổ sách lậu” lớn tại Hà Nội cuối tuần qua. Không chỉ thu giữ hàng chục ngàn cuốn sách lậu, vụ việc còn bung ra nhiều vấn đề khiến công chúng quan tâm, bức xúc.
Thị trường sách Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc, và hàng đầu chính là thủ đô Hà Nội, nhiều năm nay nằm trong tình trạng lộn xộn, mất kiểm soát nghiêm trọng. Cơ quan chức năng đã khám xét, kiểm tra, thu giữ nhiều đợt sách giả số lượng khổng lồ.
Sách hay liệu có “sống” được lâu dài?
Sách của NXB Trẻ, Phương Nam thường xuyên bị in lậu ngang nhiên và phổ biến, tràn lan. Một trong những thương hiệu tư nhân bị in lậu nhiều nhất là công ty Văn hóa sáng tạo First News – Trí Việt (11H Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP HCM). Người ta thường truyền tai nhau một câu nói “vui” giả nhưng “đau” thật rằng: sách có tốt mới bị in lậu. First News Trí Việt là đơn vị duy nhất đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao 2011.
Việc
có được bản quyền những cuốn sách hay là món mồi ngon cho những kẻ làm
lậu, làm giả luôn rình mò, sẵn sàng ngang nhiên cướp trắng thành quả mồ
hôi công sức của người khác; chụp giật và bằng mọi thủ đoạn thu lời bất
chính.
Chỉ cần “ngửi hơi” thấy mùi vị bán chạy, thì cho dù nhà sản xuất có dùng nhiều biện pháp để ngăn chặn thì “tuổi thọ” của sách vẫn đang càng ngày càng ngắn lại đáng kể. Ngay sau khi xuất hiện, chỉ trong vòng vài ngày, sẽ có sách giả ngang nhiên bày lên quầy, với số lượng lớn hơn rất nhiều lần bản thật. Sự chà đạp lên trí tuệ và công lý đã đến hồi báo động đỏ.
Những cỗ máy giết chết sự sáng tạo
Đặc điểm chung của những cuốn sách giả là scan toàn bộ từ nội dung đến hình thức, có đầy đủ trang bản quyền, logo đơn vị phối hợp sản xuất và NXB, nhưng nhìn kỹ sẽ thấy ruột in cẩu thả, chữ mờ, giấy mỏng, các trang có hình, trang bản quyền lem nhem, bìa cán láng trên giấy mềm…
Khu vực quanh Hà Nội tập trung cả chục trùm in lậu, sản xuất sách giả. Địa bàn hoạt động của các “đầu nậu” này thường cách trung tâm không xa, như khu vực Gia Lâm, Ngọc Hồi... Đường vào các khu này bí hiểm, ít đường thông, nhiều đường cụt. Và vì đương nhiên các trùm in lậu khét tiếng nhất ít nhiều đều là “bạn hàng” hoặc “đối tác” của nhau, cho nên khách khứa vào ra các khu vực này đều dễ dàng bị nhận mặt.
Sách của Nhà xuất bản Quốc dân bị in lậu |
Khoảng mươi năm về trước, các đầu nậu mới chỉ dám vận dụng phương thức in bìa một nơi, ruột một nẻo, tập kết về một kho nào đấy rồi mới đóng xén, đề phòng trường hợp nếu có bị bắt thì cũng chỉ mất một phần “hàng”.
Nhưng nay, các trùm in lậu đều sắm máy xịn, công suất lớn, chạy thông suốt từ công đoạn đầu đến công đoạn cuối, thành phẩm và xuất sách ồ ạt ra thị trường mà không cần phải giấu diếm, thì thụt như trước.
Hệ lụy khó lường
Có phải xã hội ngày càng thờ ơ với vấn nạn sách lậu? Nói cách khác là cả xã hội chấp nhận nhìn thấy kẻ cắp thò tay vào móc túi người khác nhưng ai cũng đứng yên nhìn? Hay là các cơ quan chức năng đã buông lỏng quản lý để mặc cho hàng giả lộng hành?
Các cỗ máy in (vốn không có tội tình gì) đang bị biến thành những công cụ nghiền nát, giết chết sự sáng tạo, văn hóa trong làng sách Việt.
Cơ quan chức năng đã có mặt tại một cơ sở in sách lậu lớn ở Hà Nội cuối tuần qua |
Sách vốn dĩ là sản phẩm văn hóa, bồi đắp kiến thức cho người đọc. Thế nhưng hiện nay, sách lậu, sách giả sắp chữ lại, sai rất nhiều lỗi, in ấn cẩu thả, lem nhem, sách văn học nghệ thuật nếu có sai cũng chưa chắc đã chết người nhưng còn sách kiến thức, sách khoa học, y học, giáo khoa để giảng dạy trong nhà trường thì sao?
Sách lậu từ các trùm in lậu này thông qua các nhà sách bán sỉ ở Hà Nội chuyển đi tiêu thụ khắp các tỉnh miền Bắc như: Yên Bái, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Vinh, Hải Phòng, Quảng Ninh… để tiêu thụ với số lượng lớn và lại được bày bán với giá cao hơn sách thật rất nhiều.
Sách lậu bày bán công khai |
Làm lậu sách không chỉ gây thiệt hại kinh tế với người làm sách chân chính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các thương hiệu trong nước mà còn “vấy bẩn” cái tên Việt Nam khi đi ra thế giới. Các nhà xuất bản nước ngoài đều e ngại khi hợp tác với Việt Nam. Đại diện nhiều NXB trên thế giới khẳng định chẳng ở nơi đâu lại xử lý tội làm hàng lậu, hàng giả bằng biện pháp xử phạt hành chính như ở Việt Nam.
Để có thể làm ra một cuốn sách có giá trị, đơn vị sản xuất chịu cực kỳ nhiều áp lực, phải đóng thuế và tất cả những chi phí khác đúng pháp luật, như chi phí liên hệ, đàm phán bản quyền, tác quyền, công biên dịch, biên tập, thiết kế, chế bản, in ấn, phát hành… nhưng lại chưa được luật pháp bảo vệ trước tệ nạn in lậu. Trong khi đó, những kẻ phạm tội làm hàng giả lại sống nhởn nhơ, làm giàu bất chính, thu lãi khổng lồ, mua nhà, sắm xe, hưởng lạc trên công sức lao động và mồ hôi, tâm huyết của người làm sách chân chính?
- Minh Tuệ
>> Bài tiếp theo: Luật sư Trần Đình Triển: Phải xử lý hình sự tội in lậu