(VietNamNet) – Bùi Công Duy là một trường hợp khá điển hình cho một thế hệ trẻ theo đuổi âm nhạc cổ điển một cách chuyên nghiệp và thành công trên trường quốc tế. Anh trưởng thành tại nước ngoài, và trở về định cư cùng gia đình tại Việt Nam đã 3 năm. Duy có sự hiểu biết và nhìn nhận bao quát với sự phát triển của âm nhạc cổ điển trong nước và những tác động xung quanh nó. Dưới đây là những tâm sự của anh.

>> Uyên Linh bị nói hát thường, khán giả phản đối
>> Trần Anh Hùng nói về sex trong "Rừng Na Uy"

Âm nhạc cổ điển tại Việt Nam đang có vị trí không nhỏ !

Với sự quan sát trong vòng 3 năm trở lại, tôi nhận thấy hoạt động âm nhạc cổ điển tại Việt Nam có những bước chuyển theo hướng tích cực. Cụ thể là nhiều chương trình lớn mang tầm quốc tế đã có mặt tại Việt Nam như: dàn nhạc New York Philharmonic, nghệ sĩ Sarah Chang, các nghệ sĩ Piano tầm cỡ, 12 nghệ sĩ dàn dây Berlin, gần đây nhất là concour piano quốc tế vừa kết thúc.  Cuộc thi mang tầm quốc tế này là bước tiến rõ ràng nhất trong năm 2010.

Cuộc thi này đã khiến các chuyên gia nước ngoài rất bất ngờ trước nỗ lực của các cá nhân, tổ chức trong nước. Được đánh giá là “Có độ chuyên nghiệp nhất định, có trình độ chuyên môn cao” - đó là kết quả của cả những nỗ lực cố gắng của âm nhạc cổ điển Việt Nam trong vài chục năm trở lại đây. Tại một đất nước vừa trải qua chiến tranh chưa được 100 năm, với lịch sử phát triển âm nhạc cổ điển chỉ trong vòng hơn 50 năm, đã có những tiến bộ đáng kinh ngạc ngang tầm khu vực.


NS Bùi Công Duy trong khuôn viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam

Trong dịp kỉ niệm 1000 năm Thăng Long vừa qua, tuy âm nhạc cổ điển không chiếm vị trí trung tâm, nhưng Dàn nhạc và hợp xướng học Viện âm nhạc cũng vinh dự được biểu diễn mở mang cho Đại lễ tại Nhà Hát Lớn Hà Nội và ngày 1/10 là buổi biểu diễn của nghệ sĩ Đặng Thái Sơn. Đây là một điểm mốc đánh dấu sự công nhận và ủng hộ của Chính phủ cũng như người nghe nhạc trong nước đối với âm nhạc cổ điển

Trong khu vực Châu Á, Việt Nam luôn là một đất nước có nguồn lực, cũng như có sự chuyên nghiệp ... hầu hết các nghệ sĩ, các thầy cô đều học ở nước ngoài. Một điều tự hào lớn nữa đó là dàn nhạc giao hưởng tại Việt Nam hiện nay 100% là người Việt. Đây là một khác biệt lớn với đa số các dàn nhạc giao hưởng ở Đông Nam Á như Malaysia hay Singapore, nơi chỉ có vài ba nhạc công là công dân trong nước, còn lại đều phụ thuộc vào nước ngoài.

Chúng ta chưa so được với Trung Quốc hay Hàn Quốc, nhưng thực sự là Việt Nam đang có một chỗ đứng đáng kể trong nền âm nhạc cổ điển Châu Á, nắm giữ một vị trí quan trọng và là một thế lực tốt trong khu vực. Tuy nhiên điều này không phải là bất định. Các nước bạn đang có sự đầu tư rất lớn và sẽ bắt kịp chúng ta rất nhanh trong tương lai. Mình đi được  5 bước có khi họ đã đi được 10 bước rồi. Vì vậy tư duy và đích đến là một điều rất quan trọng.

Đào tạo và phát triển âm nhạc cổ điển tại Việt Nam hiện nay cũng có ưu thế về tổng thể, khi các thế hệ gối đầu nhau và có sự phát triển chiều sâu. Về điều này, tôi hy vọng Chính phủ có những sự nhìn nhận và đầu tư lâu dài trong tương lai.

Nghệ thuật rất cần sự đầu tư dài hạn. Vậy đầu tư thế nào là đúng hướng?

Các dự án xây dựng phòng hòa nhạc Nhạc viện hay bổ sung nhạc cụ "xịn" là rất tốt. Nhưng quan trọng nhất chính là nguồn đào tạo, phải có người giỏi thì mới có thể biểu diễn được, phải nâng cao trình độ thì giá trị mới tăng lên. Ta có thể có nhiều phòng hòa nhạc đẹp, dụng cụ tốt, nhưng cái gốc ở bên trong mình không đẩy cao được lên về chất lượng cũng như số lượng thì sẽ hao phí.

Cả một thế hệ đào tạo tiếp theo rất mong muốn có sự ủng hộ của Chính phủ. Người trẻ rất nhiều, người già cũng rất nhiều. Đến bây giờ có những giáo sư 70, 80 tuổi vẫn còn tiếp tục cống hiến cho trường khiến tôi cảm thấy họ như những anh hùng vậy. Với đồng lương ít ỏi, họ vẫn đi dạy, vẫn đam mê, yêu nghề đến cuối cuộc đời.

Phải dựa vào các giáo sư, đãi ngộ các giáo sư, nâng cao đầu vào của học sinh, tạo điều kiện cho các em có sân chơi để có thể được biểu diễn, cọ sát nhiều hơn, tiếp cận với khán giả tốt hơn. Tôi cho đây là điểm quyết định về tương lai. Hiện tại sự phát triển vẫn là do tự phát chứ chưa có quy mô tổ chức. Học viện Âm nhạc cũng rất cố gắng nhưng mới chỉ được ở một mức độ nào đó.

Nhắc lại sự kiện Giáo sư Ngô Bảo Châu và mức lương 5 triệu đồng, tôi biết và đây không phải là một điều quá bất ngờ. Tại Việt Nam, khi làm việc tại các cơ quan Nhà Nước thì ở đâu cũng vậy, theo bậc lương và công chức đều nhận thức được. Tuy nhiên tôi có nhớ đến trường hợp ở một số nước, tuy rằng hệ thống lương chính như vậy, nhưng ví như ở Nga, người ta ưu tiên cho một số cơ quan như Nhạc viện Tchaikovski, nhà hát Bolshoi Teatr, nhà hát Marinxky Teatr, trường Lomonoxop... những cơ quan đầu ngành của Quốc gia.  Ở đây có mức lương đặc biệt, gấp 3 lần hệ thống bậc lương cơ bản. Điều này hoàn toàn là do Chính phủ tạo ra. Việc đó khó, nhưng nếu chúng ta thật sự muốn thì vẫn có thể làm được.

Nhạc cổ điển không thể đầu tư rồi lấy lại ngay được. Đó là một quá trình lâu dài. Để làm được điều đó cần có các nhà hảo tâm, và Nhà nước hỗ trợ nhiều. Đó là sự giúp đỡ thêm. Thật ra như bây giờ đã tốt hơn rất nhiều so với cách đây 10-15 năm. Nhưng nếu mình muốn hội nhập với thế giới và không bị tụt lại phía sau thì phải cố gắng rất nhiều với những nỗ lực đồng bộ từ trên xuống dưới.

Khẳng định: Nhạc cổ điển có thể phổ biến đại chúng!

Khi tôi biểu diễn tại các quốc gia, thì khán giả tại Nhật Bản là niềm mơ ước của bất cứ nghệ sĩ cổ điển nào. Ngay từ tầng lớp đại chúng, họ yêu thích nhạc cổ điển đến mức khác thường. Tại khu vực siêu thị, nhà ga lúc nào cũng có thể bắt gặp âm nhạc cổ điển. Tất nhiên mọi thứ của họ đã ở một xuất phát điểm trước chúng ta. Và họ có tiền. Hơn nữa Nhật Bản có quyết tâm cao, có một đích đến rõ ràng.

Tuy nhiên theo tôi ở Việt Nam có một số ít người nghe "tinh túy" không kém, thậm chí còn có phần hơn. Thế nhưng đại chúng thì đa phần vẫn lộn xộn. Sự lộn xộn đó có thể thấy từ giao thông đường phố cho đến khán phòng Nhà Hát Lớn.

Đừng nên xem nhạc cổ điển là sản phẩm văn hóa ngoại lai. Bởi đó là tri thức của nhân loại và có tính tự thân. Tôi thấy rất nhiều bạn trẻ còn là sinh viên, chưa từng ra nước ngoài bao giờ vẫn yêu thích nhạc cổ điển

Bây giờ các ông bố, bà mẹ trẻ khi đang mang thai cho con nghe nhạc Mozart để mong bé thông minh hơn. Nhưng đến khi đứa trẻ ra đời và lớn lên thì lại "cắt" hoàn toàn nguồn âm nhạc này. Trẻ em cũng không còn điều kiện thưởng thức âm nhạc đích thực nữa, nếu có thì lại là nhạc thị trường được bật nhan nhản từ các hàng quán và nơi công cộng. Ở Việt Nam đang có quá nhiều thứ chi phối cuộc sống của một đứa trẻ.

Nhạc cổ điển hoàn toàn không phải chỉ dành cho một số người. Quan điểm đó theo tôi có phần bảo thủ. Như ở nước ngoài họ có chương trình gọi là "Những buổi sáng Chủ Nhật", khi mà những buổi biểu diễn được công diễn cho quần chúng và được ghi nhớ như một “thói quen tốt”. Để làm được điều đó phải có kinh phí cho trường vì đây là việc làm có tính xã hội. Nên có thêm cơ hội để quần chúng tiếp xúc với Nhạc cổ điển nhiều hơn, để người ta thấy đó không phải là điều gì đó quá xa vời hay khó hiểu. Những người làm nhạc như chúng tôi cũng đều muốn góp phần thực hiện điều này.



Bắt đầu từ tháng 12-2010, mỗi quý một lần, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam sẽ có chương trình biểu diễn dành riêng cho đối tượng trẻ em yêu thích âm nhạc cổ điển.


Tôi tin Việt Nam có thể làm nên chuyện lớn!

Khi mình đạt tới trình độ nhất định, hoàn toàn có thể tiếp cận và hòa nhập thế giới. Âm nhạc cổ điển được xem là âm nhạc phương Tây, nhưng Châu Á đang nổi lên rất mạnh. Những trường nhạc nổi tiếng trên thế giới hiện nay (như học viện âm nhạc Juilliard - Mỹ) có đến 70% là học sinh, sinh viên Châu Á, rất ít học sinh phương Tây. Người Việt lại rất có tố chất, có khả năng tự nỗ lực, lịch sử đấu tranh của chúng ta đã chứng minh điều đó. Khi học sinh Việt Nam ra học ở nước ngoài khởi đầu thường bỡ ngỡ, nhưng sau đó lại bắt kịp và vượt trội. Theo đánh giá của giới chuyên môn nước ngoài họ rất nể phục khả năng của người Việt. Nhưng ta vẫn thiếu tính đoàn kết và tổ chức.

Tôi rất lạc quan. Lạc quan dựa trên thực tế! Là một người trong nghề, tôi tin Việt Nam có đủ khả năng thể bắt nhịp và làm được những chuyện lớn. Quan trọng nhất là Nhà Nước hỗ trợ thêm, quan tâm thêm. Người tài của chúng ta có Đặng Thái Sơn, Ngô Bảo Châu..vv.., hơn nữa quan hệ với nước ngoài của ta cũng rất tốt, mình cũng nhanh nhạy, up-date được tình hình kỹ thuật quốc tế. Nhưng cần có chiều sâu hơn, có tính quy hoạch tổng thể hơn, nếu không vẫn là những nỗ lực nhỏ lẻ và tự phát, được đến đâu hay đến đó.

Tôi đã từng chơi tác phẩm "Bài Ca chim ưng" của Đàm Linh trong chương trình hòa nhạc "Điều còn mãi" 2010. Đây là một trong những tác phẩm khí nhạc xuất sắc nhất của Việt Nam viết cho violin và dàn nhạc. Đàm Linh cũng là một trong những nhạc sĩ hàng đầu. Với những tác phẩm như vậy, hay là Giao hưởng thơ "Hào khí Thăng Long" của Trần Mạnh Hùng chẳng hạn, chúng ta hoàn toàn có thể biểu diễn những chương trình hòa nhạc tại nước ngoài với 100% tác phẩm cổ điển của Việt Nam và một dàn nhạc 100% người Việt.

Hồ Hương Giang (ghi)
Ảnh: Hồ Hương Giang