“Đích đến cuối cùng là chia sẻ được vẻ đẹp của bản nhạc ấy với một tâm hồn khác…”

Hướng đi của Trang Trịnh dường như là một sự lựa chọn đúng đắn giữa trái tim và lý trí. Chỉ trong vòng một năm trở về Việt Nam, từ một cô gái nhỏ chơi dương cầm chỉ được giới chuyên môn biết đến, Trang Trịnh đã mang được hình ảnh của mình đến khắp các thành phố lớn, trở thành một đại diện của những người trẻ có sức ảnh hưởng về nghệ thuật.
 
Không hối hận khi trở về Việt Nam

- Sau 9 tháng kể từ buổi biểu diễn đầu tiên của “Nhật kí dương cầm” tại Nhà hát lớn, cuộc sống của Trang có vẻ đã có nhiều thay đổi…



Sau “phép thử” mạo hiểm thành công của Nhật Ký Dương Cầm - một chương trình piano sáng tạo, Trang đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ khán giả trong nước. Điều này giúp Trang có thêm sự tự tin để tiếp tục những bước tiếp theo trong dự định của mình. Sau khi hoàn thành chuyến lưu diễn thứ hai tại châu Âu, Trang đã quyết định đầu tư nhiều thời gian hơn tại Việt Nam. Dĩ nhiên, Trang sẽ vẫn chú ý tới việc phát triển sự nghiệp biểu diễn quốc tế, nhất là tại khu vực châu Á.

Đó là recital chính thức đầu tiên tại Hà Nội và TP.HCM, nhưng đến tháng 7/2011, Trang mới tốt nghiệp thạc sĩ tại Học viện Âm nhạc Hoàng gia London. Quãng thời gian 5 tháng này Trang đã làm gì để vẫn có thể biểu diễn trong nước, và vẫn tập luyện để thi tốt nghiệp?

Chương trình học tại Học Viện có chút khác biệt, Trang đã hoàn thành đề án và chương trình biểu diễn về Beethoven vào tháng 10/2010 tại David Josefowitz Recital Hall, London rồi. Lễ tốt nghiệp thì phải đến tháng 7/2011 mới được tổ chức, vì thế nên Trang có thời gian để tham gia biểu diễn.

- Trang có bao giờ hối tiếc mình không tiếp tục theo đuổi sự nghiệp tại Anh hay bất kì nước châu Âu nào khác, mà trở về Việt Nam?

Hối tiếc làm sao được, khi đó là ước mơ của Trang! Ước mơ được chia sẻ vẻ đẹp của âm nhạc cổ điển đến với công chúng nước nhà không phải chỉ là lời nói suông.

Trên thực tế thì tuy còn khá nhiều khó khăn để tiếp cận với khán giả trong nước, nhưng Trang nhận thấy thời điểm hiện tại đang chứa đựng cơ hội lớn với những ai thực sự dám mạo hiểm và sáng tạo.

Trang vẫn sẽ thường xuyên biểu diễn và trau dồi khả năng của mình với những chuyến đi ngắn ngày đến châu Âu, nên cũng bớt được phần nào nỗi nhớ về cuộc sống luôn đầy ắp những trải nghiệm nghệ thuật ở đó.

Món lạ thì phải “thử”

- Hiện Trang đang tập luyện tác phẩm của nhà soạn nhạc nào?

Hiện tại Trang đang sống trong thế giới của Debussy. Trang cũng đã trình diễn một số Khúc Dạo Đầu (Preludes) của ông trong chương trình độc tấu vừa rồi (3/11) tại L’espace, Hà Nội. Ngoài ra, Trang cũng đang khám phá âm nhạc của Schumann. Trang đã chờ đợi một thời gian khá dài để được làm việc nhiều hơn về tác giả thú vị này.

Tập luyện những tác phẩm khó, nhưng khi biểu diễn, như lần tham gia Viettel Priviliege Concert 2011 tới đây, Trang lại mang đến cho khán giả yêu nhạc những tác phẩm nhỏ và vừa (như: “Salut d’ amore”, “Sonat Ánh Trăng”, “Valse Poetico”). Có phải Trang cảm thấy những tác phẩm như vậy sẽ thích hợp với công chúng?

Ở thời điểm hiện tại, Trang nghĩ những tác phẩm đó là phù hợp và sự lựa chọn như vậy là tôn trọng công chúng. Vẫn có những buổi biểu diễn với các tác phẩm dài như Mozart Concerto hay chùm tác phẩm như Debussy’s Preludes, hơi “khó nghe” hơn và chỉ phù hợp với công chúng đã quen với thể loại âm nhạc này.

Nhưng trong những chương trình mà khán giả rất khác nhau như Viettel Privilege Concert, trong đó có những người mới làm quen với nhạc cổ điển, Trang chọn những bản nhạc quen thuộc hơn, với giai điệu đẹp, để đem đến cho khán giả những giây phút thưởng thức không cưỡng ép. Món “lạ” thì phải “thử” trước.

Âm nhạc - chiếc gương phản ánh tâm hồn

- Đứng giữa nhiều sự lựa chọn như thế, Trang sẽ mang điều gì đến với công chúng của mình?

Tùy vào từng chương trình và từng nhóm khán giả. Tuy không thể chiều lòng tất cả mọi người, nhưng mỗi nghệ sĩ đều phải suy nghĩ kỹ càng về món quà âm nhạc mà họ sẽ mang tặng khán giả.

Là quà tặng, thì phải phụ thuộc rất lớn tới người nhận món quà đó. Sự tinh tế khi lựa chọn tác phẩm cũng thể hiện người nghệ sĩ quan tâm tới công chúng của mình đến đâu, chứ không chỉ bước ra sân khấu để thể hiện cái tôi cá nhân và tỏa sáng cho chính mình. Bài toán khó giải này là thực tế hiện hữu với bản thân Trang và nhiều nghệ sĩ nhạc cổ điển khác.

- Với một cô gái trẻ mà có lẽ sẽ theo đuổi âm nhạc cả cuộc đời, âm nhạc quan trọng như thế nào với Trang?

Với Trang, âm nhạc là chiếc gương phải ánh tâm hồn, cũng là cánh cửa để bước vào thế giới của tâm hồn mỗi con người. Âm nhạc chỉ đẹp khi tâm hồn đẹp.

Và những ai được số phận giao phó cho công việc mang tặng âm nhạc cho moị người lại càng phải ghi nhớ rằng đích đến cuối cùng không phải là một bản nhạc hay. Đích đến cuối cùng là chia sẻ được vẻ đẹp của bản nhạc ấy với một tâm hồn khác.

Cảm ơn Trang về những chia sẻ đầy ý nghĩa !

• Hồ Hương Giang