- Mỗi loại len, chất len lại có một cách “ứng xử” khác nhau để đưa lên tranh. Rồi chọn màu, phối màu, sử dụng một vài “tiểu xảo” để thể hiện được ý đồ về hiệu ứng ánh sáng…


Những sợi màu biết kể chuyện

Làm tranh len vừa đòi hỏi con mắt nghệ thuật khi chọn mẫu, chọn màu len thể hiện, lại vừa phải có sự chú tâm khi thực hiện. Đậm nhạt, mỏng dày, những sắc độ màu và hiệu quả ánh sáng… một câu chuyện dài của đôi bàn tay tài hoa, tỉ mẩn để tạo nên tác phẩm sau biết bao giờ nỗ lực gò mình bên tấm khung.

Nếu lên mạng gõ từ “tranh len”, bạn sẽ chỉ thu được rất ít thông tin về loại hình nghệ thuật “mới mà không mới” này. Số người làm nó không nhiều, hơn thế lại chia ra thành những “dòng” khác nhau do việc chọn cách tìm tòi, thể hiện… Và Nguyễn Thị Hồng Vân nằm trong số ít ỏi những nghệ nhân đang theo đuổi loại hình nghệ thuật tranh len độc đáo ấy.

Bức tranh len thêu nhan đề "Sự sống"

Nghề không “thời thượng”

Thường khi nói đến tranh thêu, mọi người sẽ nhớ ngay đến tranh thêu bằng chỉ, bằng kim tuyến… mà ít nhắc đến tranh thêu len. Điều này có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có việc trước đây loại nguyên liệu chính (len) không dồi dào, chất lượng và màu sắc không đảm bảo giữ được độ bền – đặc biệt là với khí hậu Việt Nam.

Với Hồng Vân, sự gắn bó với tranh len bắt nguồn từ những lý do rất giản dị. Chị yêu thích cái cảm giác mềm mại, ấm áp mà len mang lại, và hơn thế nữa là sự thôi thúc khám phá của chút “máu nghệ sỹ” trong người khi muốn thử nghiệm với chất liệu này. “Làm thử để chơi, mày mò rồi rút kinh nghiệm, tìm cách cải tiến để bức sau đẹp hơn bức trước… Thế rồi thành sự yêu thích, say mê lúc nào không biết”, Vân cho biết. Bên cạnh đó, chị cũng rất băn khoăn khi thấy loại hình nghệ thuật đồng thời từng là một nghề truyền thống này đang bị mai một.

"Phố cổ"

Vân kể, chị theo học khoa Thảm, trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Vào trường mới biết, năm đó cả khóa chỉ có vài sinh viên theo học, dường như chẳng ai còn tha thiết với việc sản xuất – sáng tạo cùng ngành học này nữa. Nhưng khi bắt tay vào học, tìm hiểu sâu, rồi thử sáng tác những bức tranh thảm đầu tiên… thì mọi thứ ngày càng cuốn hút Vân, khiến chị nhận ra đây cũng là một địa hạt đầy thú vị, và càng nơm nớp lo nó bị “thất truyền”.

Đến khi lập gia đình, chị lại may mắn được những người làm nghệ thuật bên gia đình chồng khuyến khích và giúp đỡ trong quá trình sáng tác, nên càng có cơ hội gắn bó với tranh thảm. Nhờ đó, từ những ước mơ đầu tiên nhen nhóm khi còn học trong trường, suốt 10 năm qua, Hồng Vân đã biến nó thành một “công cuộc” kiếm tìm và chế tác đầy say mê. Chị đã cùng đồng nghiệp là các giáo viên trong trường đến nhiều nơi để tìm hiểu cặn kẽ về tranh thêu len, từng bước nghiên cứu để tìm ra và phục hồi lại những kỹ thuật thêu len truyền thống, xây dựng xưởng thêu…

"Sắc màu"

Và với Vân, dấu ấn đầu tiên của sự thành công chính là khi tấm tranh thêu len đầu tiên hoàn tất, nhận được nhiều lời ngợi khen từ các bạn bè và người trong giới về sự mới mẻ mẻ mà nó mang lại.

Bàn tay “dệt gấm thêu hoa”

Khi nắm vững kỹ thuật rồi thì mới có thể thoải mái thể hiện và điều chỉnh hình khối, màu sắc như ý, ấy là điều mà những người sáng tác tranh thêu len đã rút ra từ chính những nhọc nhằn của mình. Mỗi loại len, chất len lại có một cách “ứng xử” khác nhau để đưa lên tranh. Rồi chọn màu, phối màu, sử dụng một vài “tiểu xảo” để thể hiện được ý đồ về hiệu ứng ánh sáng… đó là cả một quá trình rất dài mà người nghệ sỹ  kiêm “người thợ” phải kiên trì khám phá, điều chỉnh từng chút một.

"Sen"

Đầu tiên và có lẽ cũng là khó nhất chính là khâu căng khung, vì nếu căng không tốt sẽ méo tranh hoặc trùng sợi len thêu. Tiếp theo hoạ sỹ sẽ vẽ tác phẩm bằng chì đen lên giấy can, rồi lại dùng bút nhọn tỉ mỉ thể hiện lại bức tranh từ giấy can lên trên vải. Một lớp bột màu sẽ được đổ lên sao cho màu thấm xuống theo các đường nét đã xăm. Từ đó người thợ thêu mới bắt tay vào thêu những mũi len đầu tiên. Trong quá trình hoàn thiện, người thợ thêu và hoạ sỹ phải trao đổi với nhau rất nhiều, từ khâu lựa chọn chất liệu vải, len thêu, màu sắc, độ sáng tối, đến việc thể hiện thần thái trong tác phẩm.

Bản thân Vân cũng trực tiếp thêu tranh, chị bảo thường khi thêu thì không đeo đê tay như thông thường để cho được “thật” tay, có cảm giác tốt hơn. Vải thường dùng loại thô hoặc vải bố nên ganh vải khá to, phải dùng kim cỡ đại như kim khâu bao tải để xuyên sợi len lên xuống, bàn tay càng quen càng khéo thì càng ít lỗi và đẹp tranh, nhưng ngồi cả ngày cũng rất mỏi lưng, mỏi cổ…

Với Vân, nhìn bức họa dần hình thành là một niềm vui, mang những “câu chuyện”, những xúc cảm ấy đến với công chúng thì điều ấy còn lớn lao hơn nữa, gần như là hạnh phúc.

Ngắm những bức tranh thêu len của Hồng Vân, người ta sẽ như “đọc” được những điều chị gửi gắm qua các mảng màu mộc mạc, với những hình khối khoẻ khoắn... 

"Hoa súng"

Đề tài của tranh thêu len thường được Hồng Vân gửi gắm với các chủ đề dân tộc Việt rất gần gũi như các tích tranh Đông Hồ, hoa, thiếu nữ dân tộc với chiếc đàn môi, đàn tính, cây cỏ thảo mộc… Rất hiền lành, giản dị mà lại tác động đến chiều sâu cảm xúc của người xem.


Hồng Vân cho biết, với mong muốn tranh thêu len đến được với đông đảo quần chúng, ngày 18/12 tới Hồng Vân sẽ tổ chức một triển lãm tranh thêu len tại Triển lãm Vietart (42 Yết Kiêu, Hà Nội).

Ước mơ của Vân rất giản dị, khi công chúng gặp và cảm được cái hồn của tranh len, thì ắt là nguồn cảm hứng từ người nghệ sỹ sẽ ít nhiều lan tỏa, tìm được những tâm hồn đồng điệu để cùng chung tay phục dựng và phát triển một làng nghề thêu len truyền thống trong bối cảnh hiện đại hôm nay…

  • Thuỳ Dương