- Tết này, phim Việt lại tiếp tục bỏ trống dòng phim cho gia đình, nhường lại thị phần tiềm năng cho hai phim Hollywood là “The Muppets” và “Happy Feet 2”.

Một thực tế rất lạ lùng đang diễn ra ở điện ảnh Việt: các bộ phim chưa bao giờ thích hợp với mọi độ tuổi và có tính thương mại cao. Điều này đồng nghĩa với sự vắng bóng của thể dòng phim mà thế giới thường gọi là phim gia đình. Mùa phim Tết năm nay cũng không ngoại lệ.

Kể từ khi “Gái nhảy” của Lê Hoàng (2004) khơi dòng thành mùa phim hốt bạc, phim Việt chiếu Tết không ngừng sa đà vào những đề tài thời thượng, giật gân như chân dài – đại gia, đồng tính, kinh dị - ma quỷ, hay tình yêu lãng mạn được kể theo lối hài hước cường điệu.

Phim Tết “Hello cô Ba” với hình ảnh “cấm trẻ em”.

Chuyện câu khách không dành cho trẻ em

Nếu ở các nước có hệ thống phân loại và dán nhãn phim, ngay từ khâu tổ chức sản xuất, các bộ phim đã được cân nhắc xây dựng nội dung sao cho phù hợp với đối tượng khán giả mà phim nhắm tới. Thì ở VN, trật tự này chưa được thiết lập từ cả trong khâu sản xuất cho đến chiếu bóng, nhiều phụ huynh vẫn vô tư dẫn con vào rạp xem những phim kinh dị, tình cảm mà nhiều nước xếp vào loại “cấm trẻ em”.

Không phải đối diện với hệ thống phân loại khắt khe, có thể khiến người ta “vò đầu bứt tóc’ cắt đi hay để lại cảnh phim nào, các nhà sản xuất phim Việt khá vô tư trên con đường đi tìm yếu tố câu khách cho phim, miễn sao chúng đừng phạm vào thuần phong mỹ tục.

Thật không may là những chuyện câu khách của phim Việt lại chưa bao giờ phù hợp với trẻ em. Nhìn vào “mâm cỗ” phim Tết năm nay, những chuyện như vậy “lồ lộ” ngay từ tấm poster.

Tiếp tục đi theo dòng phim hài nhảm, ông bầu Phước Sang tung ra bộ phim “Hello cô Ba” với hình ảnh danh hài Hoài Linh hóa thân thành cô đào Marilyn Monroe bị tốc váy trong tấm ảnh nổi tiếng. Chiếc váy tung lên làm lộ đôi chân dài được nhào nặn từ photoshop, thật khó để người lớn giải thích với trẻ em đây chỉ là hình ảnh hài hước.

Những hình ảnh trong “Vũ điệu đường cong” rõ ràng cũng không dành cho trẻ em

Trên hai tấm poster khác, ở mức độ ít quan trọng hơn, người đẹp nude “vì môi trường” Ngọc Quyên kéo tấm vải lên che thân trong phim “Lệ phí tình yêu”, trong lúc Kim Phượng hóa trang thành vũ nữ múa bụng ở phim “Vũ điệu đường cong”. Riêng hai phim “Thiên mệnh anh hùng” và “Lời nguyền huyết ngải” nhấn mạnh vào sự u ám, tối tăm và chết chóc trong hình ảnh phô trương.

Hình ảnh bên ngoài chính là những gì mà khán giả sẽ bắt gặp trong phim, thậm chí với một ấn tượng lớn hơn. Chưa kể còn có những hình ảnh khác không phù hợp với trẻ em nhưng chưa được tiết lộ. Nếu “Lệ phí tình yêu” và “Vũ điệu đường cong” khai thác chuyện tình yêu lãng mạn và hài hước, thì “Lời nguyền huyết ngải” là câu chuyện kinh dị - huyền bí với nhiều cảnh ấn tượng như lột da người, lấy máu, tử thi sống dậy…Riêng “Thiên mệnh anh hùng” bắt mắt người xem bằng những cảnh hành động võ thuật, đấu kiếm, rượt đuổi, ám sát…

Phim gia đình: Để Hollywood lo!

Thực trạng vốn xảy ra ở nhiều mùa phim Tết, nay tiếp tục tái diễn. Để cả nhà gồm cả người lớn và trẻ em có thể vào rạp xem cùng một bộ phim, các bậc phụ huynh không còn lựa chọn nào khác hơn là xem phim ngoại!

  Đại nhạc hội rối – phim đến từ Hollywood với những nhân vật quen thuộc trong ký ức của người lớn và rất đáng yêu với trẻ em.

Hai phim Tết chọn phân khúc thị trường này là “The Muppets” (Đại nhạc hội rối) và “Happy Feet 2” (Vũ điệu chim cánh cụt 2). Nhân vật đáng yêu, câu chuyện hấp dẫn, hài hước và đầy ý nghĩa... là cách mà hai bộ phim này chiếm được tình cảm lẫn tiếng cười của cả người lớn và trẻ em.

Thực tế, đây là hai bộ phim đã ra mắt rầm rộ trên thế giới vào cuối năm 2011, nhưng nhà phát hành Megastar khôn ngoan xếp chúng lại để dành chiếu tại VN trong dịp Tết nguyên đán 2012.

Đây chính là bài học giúp họ thành công trong những dịp Tết vừa qua với hai phim cổ tích hiện đại “Enchanted” (2008), “Bedtime Stories” (2009) và đặc biệt là phim hoạt hình “Tangle” vào năm ngoái. Dù không được lồng tiếng Việt, nhưng sức hút của hình ảnh 3D và câu chuyện hấp dẫn đã mang lại cho “Tangle” doanh thu kỷ lục 1,1 triệu USD tại thị trường VN.

Mùa phim Tết đang đến gần với mức độ cạnh tranh gay gắt chưa từng có giữa các phim. Chỉ riêng trong những ngày giáp Tết và nghỉ lễ, sẽ có tới 10 phim ồ ạt ra mắt, một nửa trong số này là phim lớn đến từ Hollywood.

Không dừng lại ở chuyện hài hước mang lại tiếng cười đầu xuân, các nhà sản xuất phim Việt đã có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận trên đường khai phá thêm nhiều phong vị mới như kinh dị, hành động, dã sử…Nhưng có lẽ, đã đến lúc phải tính tới những dự án phim dành cho gia đình trong kỳ nghỉ lễ. Bởi ít nhất, phim Việt luôn có một thuận lợi: không gì làm trẻ em thích thú bằng những nhân vật gần gũi với mình và nói cùng…tiếng Việt.

Minh Chánh