Đổi nhà lấy... sắt vụn
Ngày con gái kết hôn, bố mẹ cho hai vợ chồng chị 200 triệu đồng làm vốn. Khi đó hai người quyết định dốc toàn bộ số tiền cho vào một mảnh đất, coi như của để dành trước khi sang Mỹ. Nửa năm sau, biết tin mảnh đất đó đã có giá trị gấp 3-4 lần, anh chị điện thoại về nhờ bố mẹ bán giúp, nói là gửi sang New York có việc nhưng thực ra là để... mua khoá.
Gần như toàn bộ số tiền bán đất ấy được dốc hết vào 40 bộ khoá đầu tiên mua bên Mỹ trong khi 600-700 triệu đồng vào thời điểm năm 2007 có thể mua được một căn hộ chung cư ở Hà Nội. 40 bộ khóa cổ đầu tiên anh mua được từ nhà sưu tập người Mỹ gốc Ai-len. Nhà sưu tập già này bán cho anh trước khi hồi hương về Dublin. Đây cũng chính là thành quả sưu tập của cả đời ông mà anh Sơn may mắn mua được. Và cho đến nay, chúng vẫn nằm trong số những bộ khóa đep nhất, cổ nhất trong bộ sưu tập của anh.
"Đến giờ ông bà vẫn chưa biết chuyện đó, chính xác hơn là chúng tôi chưa bao giờ dám kể điều này. Ngoài vợ tôi ra thì không ai biết tôi đã bỏ ra cả trăm ngàn đô cho những chiếc khóa này. Ngay cả bố mẹ tôi khi nhìn kho khóa cổ cũng chỉ nghĩ đó là đồ rơm rác mà thôi", anh nói. Không chỉ có bố mẹ vợ, nhiều người khi nhìn vào gia tài khoá cổ của anh cũng chỉ nghĩ đó là đống.... sắt vụn trong khi với chủ nhân của nó, đó là cả một gia tài.
Không chỉ có thời gian,
tiền bạc anh đổ vào những ổ khóa cổ cũng chẳng hề ít. Đến giờ anh mới dám tiết
lộ, thời gian ở Mỹ anh đã nhiều lần buộc phải "mượn" tạm công quỹ. “Vì nếu không nhanh chân mua thì sẽ rơi vào tay người khác ngay". Anh thú thực với chúng tôi: "Nghĩ đến giờ vẫn thấy... sợ"!
Những ổ khóa không chỉ đẹp mà còn mang giá trị sưu tầm rất lớn.
Để có tiền mua khóa, anh cũng thường xuyên phải may mượn tiền bạn bè. Bất cứ nguồn tiền nào có được cũng đổ vào khóa. Sau một lần bị đụng xe, vừa nhận được số tiền bồi thường từ bảo hiểm 18.000 đô la, anh chẳng buồn đi sửa xe mà mang hết đi mua khóa, đợi mấy tháng sau có tiền mới mang xe đi sửa. "Có những khi biết được có một bộ khóa đẹp ở đâu đó mà không đủ tiền mua, tôi vật vã mấy ngày liền, nát óc suy nghĩ xem làm sao kiếm ra tiền để mua nó. Vật vã đi tìm rồi lại vật vã kiếm tiền để mua cho bằng được những chiếc khoá.
Vất vả nhất là tiền không nhiều và những chuyến đi triền miên để săn lùng khoá trong tình cảnh phải giấu mọi người. Những lần lái xe một mình trên đường, những lần bị lạc giữa đường rừng không người giúp, những chuyến đi dài phải về không là những ký ức không thể quên. Nhưng mỗi lần mua được một bộ khoá là tôi lại quên hết mọi vất vả. Có khi dọc đường lái xe về, ở mỗi trạm nghỉ tôi lại lôi khóa ra ngắm rồi... mới đi tiếp".
Không có nhiều người cùng sở thích để chia sẻ nhưng anh không cho đó là sự thiệt thòi bởi điều quan trọng nhất khi anh sưu tầm khóa chính là để thỏa mãn đam mê của mình.
Tôi không thấy mình điên
Nhiều người bảo anh điên nhưng anh lại không nghĩ thế. Với anh, sưu tầm khoá là đam mê. Điểm gì đặc biệt ở những chiếc khoá làm anh mê mẩn đến thế?, tôi hỏi - "Đó là sự cầu kỳ, vẻ đẹp đén độ không cưỡng lại được. Mỗi loại người ta chỉ sản xuất vài chục bộ dành riêng cho mỗi tòa nhà nên được sở hữu một trong những số đó thì thật là tuyệt vời. Tôi bị ấn tượng về bản thân mỗi loại khóa. Tôi mua chúng theo sở thích mà khổ nỗi nhìn bộ nào là mê bộ đó", anh trả lời không đắn đo.
Trong bộ sưu tập của mình, anh thích nhất là bộ khoá ra đời từ cuối thế kỷ 19 từng thuộc về Waldorf-Astoria, khách sạn nổi tiếng sang trọng bậc nhất ở New York, Mỹ. "Tôi gọi nó là Stunning vì nó quá đẹp, đẹp đến độ không thể dùng từ nào để mô tả được. Thiết kế giản dị nhưng nước đồng rất đẹp". Anh Sơn hiện đang có trong tay những bộ khóa cổ này có nguồn gốc từ các nhà hát, nhà thờ, dinh thự hay các toà nhà lớn được xây dựng từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.
Nhiều bộ khóa đến từ dinh thự dành riêng để nghỉ cho các chính trị gia của Mỹ ở New York (New York Governor’s mansion), Fisk Building, Tòa nhà La Ronda in Bryn, Pennsylvania State Capital, Lamb’s Theatre, (New York), Helmsley Building, Carnegie Mansion, khách sạn Intercontinental và nhà thờ Thiên chúa lớn nhất nhì thành phố New York đã gần 200 tuổi... Đây là những tòa nhà nổi tiếng của Mỹ được xây dựng từ thế kỷ 18 và 19. Điều thú vị là ở chỗ mỗi bộ khóa đều có lai lịch gắn liền với nó. . Có nhiều bộ khóa là độc bản và cũng có nhiều bộ trên thế giới cũng chỉ còn vài chục bộ.
Sở hữu hàng trăm bộ khoá nhưng anh thuộc làu lai lịch của mỗi bộ, năm ra đời, chi tiết nào thuộc về bộ khóa nào. Chuyện nửa đêm tình dậy ra bật đèn để.... ngắm khóa là thường. Những lần chuyển nhà, phát hiện ra một chi tiết nào đó của bộ khóa mình thích lạc đâu mất, còn chưa tìm ra ngày nào là anh còn vật vã, đứng ngồi không yên ngày đó.
Mỗi lần chuyển nhà, các đồ đạc khác trong nhà chẳng cần biết chúng được đóng gói và chuyển đi thế nào, anh chỉ quan tâm đến kho báu của mình. Anh cẩn thận đóng gói từng bộ khoá rồi lại tháo tung từng lớp giấy bọc khóa ra khi chúng đến nơi chỉ để chắc chắn rằng không có bất cứ chi tiết nào bị thất lạc. "Tháo ra cũng là một lần nữa để ngắm nó. Chuyện cáu gắt khi chưa tìm ra chi tiết bị thất lạc của một bộ khóa là thường. Những lúc đó, đừng có ai mà động vào tôi", anh nói.
Vừa đón vợ và con gái mới sinh từ bệnh viện về thì cũng là lúc containner chuyển khoá và đồ đạc từ Mỹ về đến nhà. Vậy là ông bố cứ loay hoay với kiện hàng. Bỏ mặc vợ con ở trong phòng, anh dỡ tung những bao gói khoá để kiểm tra xem chúng có còn nguyên vẹn không . "Nhiều người bảo tôi keo kiệt vì không bỏ tiền ra thuê người dỡ đồ ch nhưng thực ra không phải. Tôi không muốn ai động vào đồ đạc của mình vì chỉ mình tôi mới biết và hiểu tường tận về nó".
Trong lúc anh thao thao bất tuyệt về lai lịch những chiếc khoá, tôi quay sang hỏi vợ anh: Chị có ghen với những chiếc khóa không vì chồng mình dành quá nhiều tình cảm cho chúng? chị Trang nhìn chồng rồi cười bảo: "Anh ấy khéo lắm, anh ấy bảo tim mình có rất nhiều ngăn mà ngăn dành cho khóa và cho vợ lại chẳng liên quan đến nhau!".
Không ghen nổi vớ… khoá, cằn nhằn mãi cũng chán, cuối cùng chị đành phải chấp nhận sở thích hao tiền tốn của của chồng. Bây giờ thì cái thú chơi kỳ quái của anh đã lan sang chị. Thi thoảng hai vợ chồng lại mang những bộ khóa trong kho ra trải ra nền nhà để cùng... ngắm như một thú vui “đỡ tốn kém”, như cách gọi của chị.
Đã có những lời đề nghị bán bộ sưu tập khóa “khủng” này ngược về Mỹ nhưng chủ nhân của nó nhất mực từ chối.
Hạnh Phương - Nguyễn Hoàng