- Ngày mai, Hội Lim sẽ chính thức khai hội trong không gian văn hóa Kinh Bắc. Năm nay, Hội Lim sẽ lập kỷ lục với 2012 người tham gia hát? Sau danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại do UNESCO trao tặng, chẳng lẽ lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc cũng cần đến những trò giật gân để câu khách?
Hội Lim đâu cần kỷ lục để thêm nổi tiếng? |
Đến trưa ngày 1/2 (tức mùng 10 tháng Giêng âm lịch), BTC đã chốt danh sách của 2012 người ở cộng đồng các làng quan họ cổ và mới tại Bắc Ninh đăng ký tham gia sự kiện này. Ông Nhị cũng cho hay đây là lần đầu tiên tỉnh Bắc Ninh tổ chức xác lập 1 kỷ lục mới cho Hội Lim và ý tưởng về kỷ lục trên do Sở VHTTDL tỉnh này và Hội những người yêu dân ca quan họ Bắc Ninh đề xuất.
Hội Lim là một lễ hội văn hóa truyền thống, một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng độc đáo và tiêu biểu của xứ Kinh Bắc mang đậm tính chất lễ hội vùng miền cần được bảo tồn một cách nghiêm túc theo các tiêu chí về văn hoá của UNESCO. Hàng năm lễ hội diễn ra trong hai ngày 12 và 13 tháng Giêng âm lịch. Dĩ nhiên kỷ lục này nếu có được xác lập thì cũng không làm cho Hội Lim mất đi danh tiếng của nó.
Ngược lại, với kiểu lập kỷ lục này một ngày hội văn hoá truyền thống với nhiều nét tinh tế và ý nghĩa văn hoá đã được quốc tế thừa nhận có nguy cơ sẽ trở thành một cuộc chơi không lấy chất lượng và ý nghĩa làm chuẩn mà chỉ lấy số lượng, lấy hình thức làm động lực như vừa xảy ra ở một vài cuộc bình bầu kỳ quan vừa qua. Khi mà mọi vấn đề ăn nhau ở những con số thì văn hoá dường như trở thành thứ yếu.
Liệu năm nay con số 2012 người hát quan họ sẽ làm nên kỷ lục cho mùa quan họ năm 2012, chắc chắn để khỏi mất đi ý nghĩa của mùa hội năm 2013 sẽ là con số 2013 người hát quan họ… và sẽ như vậy, kỷ lục hát quan họ năm sau sẽ phủ nhận kỷ lục của năm trước… Phải chăng đó là văn hoá? Bức tranh này giống với các cuộc chạy đua kỷ lục thể thao hơn là một hoạt động gìn giữ các giá trị văn hoá.
Dường như hội chứng thích danh hiệu và chuộng các kỷ lục, kỳ quan đã bắt đầu xâm nhập vào đời sống văn hóa ở nước ta. Một lễ hội mang đậm văn hóa của vùng văn hoá Kinh Bắc với "đặc sản" là Quan họ Bắc Ninh, loại hình dân ca đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, dường như không ăn nhập với những kỷ lục bởi đó là nơi người ta trao nhau tâm tình qua những câu hát.
Vvăn hóa là tự thân chứ không phải dùng những thứ phù phiếm để tạo nên một hình thức phi văn hóa. |
Không thể biến văn hóa thành cuộc chạy đua kiểu thể thao
Khái niệm văn hóa dường như đang bị hiểu sai. Cách đây đúng 10 năm, vào tháng 2/2002, tổ chức UNESCO trong Tuyên bố toàn cầu về Đa dạng văn hóa đã nêu rõ: "Văn hóa nên được đề cập đến như là một tập hợp của những đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức và xúc cảm của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội và nó chứa đựng, ngoài văn học và nghệ thuật, cả cách sống, phương thức chung sống, hệ thống giá trị, truyền thống và đức tin" (có thể tham khảo toàn bộ nội dung gốc tại địa chỉ http://www.unesco.org/education/imld_2002/unversal_decla.shtml).
Khi được hỏi về kỷ lục chuẩn bị được xác lập tại Hội Lim 2012, ông Nguyễn Xuân Thắng, Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội UNESCO thế giới, Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cho rằng văn hóa là tự thân chứ không phải dùng những thứ phù phiếm để tạo nên một hình thức phi văn hóa.
"Đây lại là trò chơi nữa của đám đông. Không thể biến văn hóa thành cuộc chơi mang tính chạy đua kiểu thể thao như vậy. Giá trị của Hội Lim nằm ở những giá trị tinh thần sâu xa đáng trân trọng chứ không phải ở những kỷ lục được đo bằng những con số. Theo tôi, nên giữ hình thức và lối sinh hoạt phù hợp với truyền thống.
Công tác bảo tồn văn hoá là một sự nghiệp cần đầu tư công phu và đầy trách nhiệm. Ngành văn hoá cần quan tâm hơn đến vấn đề này. Có nhiều việc cần làm hơn cho văn hoá, chứ không phải là chạy theo thành tích với những con số kỷ lục. Cứ tiếp tục thế này ý thức nhận biết của nhân dân đối với các giá trị thiêng liêng của dân tộc sẽ nảy sinh vấn đề".
Thông tin về con số 2012 ở Hội Lim năm nay chỉ là một biến thể của hàng loạt câu chuyện liên quan đến việc các di sản văn hóa bỗng dưng bị biến thành trò chơi của đám đông được nhắc đến nhiều thời gian gần đây. Các di sản và lễ hội bỗng dưng được nhân cách hóa như một cá thể tìm đủ mọi cách để có thêm những danh hiệu và kỷ lục mới.
Sau Hội Lim, rất có thể các lễ hội khác cũng sẽ đưa ra các hình thức mới để lập kỷ lục cho riêng mình. Sẽ không có gì để nói nếu đó là là một cuộc chơi mà cá nhân hay tổ chức nào đó nghĩ ra để mua vui nhưng khi đã gắn với khái niệm văn hóa thì cần phải xem xét lại thật nghiêm túc. Coi chừng một lễ hội, một di sản sẽ bị hủy hoại bởi các kỷ lục vô bổ.
Hạnh Phương