- Hỡi cô hoa hậu Mai Phương Thuý, mai kia nếu có đi từ thiện hay làm lễ vu quy
thì hãy suy xét kỹ có nên mặc áo dài.
Mai Phương Thúy bị "ném đá" vì áo dài xuyên thấu
'Nghệ thuật ngả ngốn' của Mai Phương Thúy?
Vài năm trước, một nhà thiết kế có tên tuổi thẳng toẹt: Lối ăn mặc của Thu Minh là “dung tục”! Nhận “giải” phản cảm liền sau đó, ca sĩ Thu Minh không để yên mà cùng ca sĩ khác phản ứng quyết liệt, thậm chí tổ chức họp báo để… làm cho ra nhẽ.
Mới đây, hoa hậu Mai Phương Thuý cũng dính phải chữ “dung tục” qua việc mặc áo dài và chụp ảnh từ một số người viết báo và một bộ phận khán giả. Lần này thì Mai Phương Thuý tỏ ra “hiền” hơn Thu Minh khi gửi đến những ai quan tâm đến câu chuyện một bức thư bày tỏ việc lấy làm tiếc vì đã tạo nên bộ ảnh khiến người khen “đẹp, nghệ thuật”, người phán “phản cảm, dung tục”.
Một điều thấy ngay ở đây là áo quần không vô can, có thể là “tòng phạm” trong việc tạo nên sự “nóng mắt” đối với ai đó, đặc biệt là những người xếp mình vào nhóm “duy mỹ”, nhóm đề cao “giá trị cổ truyền” hay các nhà “đạo đức học”.
Chợt nghĩ, có ai trình diễn nghệ thuật đương đại (như nghệ sĩ Diệu Hà chẳng hạn) hay chụp ảnh còn rất ít vải trên người (như bao nhiêu người đang công bố ảnh nude), thì có khi chẳng bị dính “giải phản cảm” như Thu Minh hay bị đòi tước vương miện hoa hậu như Mai Phương Thuý! Cứ theo thực tế này thì áo quần có thể tôn một người lên nhưng ngay lập tức, có thể dập một người xuống.
Bằng chứng là áo dài đã góp phần giúp Mai Phương Thuý đăng quang hoa hậu (vì cuộc thi Hoa hậu Việt Nam nào chẳng có màn thi áo dài) và nay, chiếc áo dài trắng cùng với cách xử lý áo dài trong bộ hình “Xuân thì” đang khiến cô mang tiếng “làm hoen ố vẻ đẹp của chiếc áo dài Việt Nam”. Và đến đây có thể thấy tà áo thân thương đang chịu cảnh bất công.
Sự bất công ở đây là áo dài thì chỉ được đẹp, thậm chí được xấu (vì người mặc xấu, đường cắt xấu…), tuỳ mỹ cảm, góc nhìn của mỗi người, chứ nhất quyết không được gợi cảm, gợi tình hay gợi lên bất cứ thứ cảm xúc nào khác có vẻ “thiếu lành mạnh” mà con người vốn có.
Cấm nhiếp ảnh gia nào được chụp hình nghệ sĩ hay người lao động bình thường mặc áo dài tôn eo, tôn ngực và công bố. Cấm ông tây bà đầm nào đi qua cổng trường Việt Nam thấy nữ sinh mặc áo dài trắng thấm nước mưa và xuýt xoa “so sexy!”.
Nhạc sĩ Quốc Bảo cũng không được viết những câu hát như “Mưa làm áo em tự nhiên trong suốt” để Hà Anh Tuấn và Phương Linh hát vì rất có thể… đó là áo dài!
Vậy là thực tình chia buồn với “mày” (xin lỗi áo dài!), nhiều kẻ không cho “mày” quyền được “lăng xê” vẻ gợi cảm, sexy vốn có.
Còn nữa, chiếc áo dài quốc hồn quốc tuý với hàng ngàn năm tuổi cũng không có quyền được “hy sinh” vì nghệ thuật.
Người ta không chấp nhận làm khác đi cách mặc áo dài mà họ vẫn mặc theo cách của người thân, bạn bè xung quanh mình. Tất cả những gì “núp bóng” sự thể nghiệm, phá cách hay sang hơn là sáng tạo, làm mới đều bị dồn vào vùng đất của sự “vi phạm thuần phong mỹ tục”.
Một số trang mạng sẽ giật tít “Hốt hoảng với áo dài buộc tà của Mai Khôi” khi cô hát bài Việt Nam đoạt giải Bài hát của năm ở Bài hát Việt 2011. Nhiều tay săn ảnh sẽ xoáy sâu vào phần trong suốt của một tấm áo xô lệch ngắn dài của cô diễn viên hay nàng MC nào đó để tung hê lên báo. Cũng không được phép mặc áo dài với quần Jeans như Đoan Trang khi hát “Guốc mộc”, vì thế là kệch cỡm.
Một trong những bức hình gây ồn ào không đáng có của Mai Phương Thúy được xử lý từ ứng dụng nổi tiếng Instagram. |
Một số khán giá có thể sẽ sốc nếu như các nhà thiết kế cố tình tung ra bộ sưu tập làm cho họ không phân biệt được đó áo dài, áo bà ba hay xường sám.
Bộ phim Áo lụa Hà Đông cẩn thận, nếu không khéo lấy nước mắt khán giả để họ quên đi rằng chiếc áo dài đã được cuốn lên cây gậy để làm lá cờ vào lúc con người ta phải vùng dậy vượt qua gian khó thì sẽ bị phản đối kịch liệt.
Các nghệ sĩ muốn làm gì thì làm cũng phải đủ năng lực phân tích lằn ranh giữa sự gợi cảm và dung tục, giữa thể nghiệm nghệ thuật và thực tế đời thường trước khi đối mặt với lằn ranh của sự phản biện và nguỵ biện, phê bình và xảo ngôn.
Từ nói gần là đòi lại công bằng cho áo dài hay có thể coi là bênh vực Mai Phương Thuý sẽ có nói xa. Nếu sự định kiến và sự a dua thống trị thì ở Trung Quốc, ông Trương Nghệ Mưu chưa chắc đã dám làm phim Hoàng Kim Giáp (với Châu Nhuận Phát, Củng Lợi diễn xuất; chuyển thể từ vở kịch Lôi Vũ của Tào Ngu) khi cho các nhân vật nữ trong phim từ hoàng hậu đến các cung nữ đều mặc trang phục cung đình hở ngực.
Thế nên, hỡi cô hoa hậu Mai Phương Thuý, mai kia nếu có đi từ thiện hay cưới chồng thì hãy suy xét kỹ có nên mặc áo dài.
Danh Anh