Phó Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Viện trưởng viện Văn học Việt Nam, nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp và nhà thơ Phan Hoàng tìm câu trả lời cho vấn đề này.
Thơ trở lại như một điều tối cần thiết cho cuộc sống
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều; Khi chúng ta nói về thơ ca quay lại với đời sống thì trong đó chúng ta phải hiểu rằng, văn hóa đang quay lại với đời sống và chiếm một vị trí quan trọng hơn. Việc đưa văn hóa trở lại với đời sống một cách đầy đủ nhất cả chiều sâu chiều rộng là chiến lược của mọi quốc gia trong mọi thời đại. Một quốc gia dựng lại một thể chế chính trị thì phải phục dựng lại văn hóa. Nếu không thì thế giới sẽ rất khó khăn, cho dù những vấn đề về kinh tế có quan trọng thì văn hóa vẫn là nền tảng quan trọng nhất dẫn dắt mọi họat động xã hội kể cả chính trị. Cho nên việc quay trở lại thơ ca cũng có nghĩa chúng ta đang tăng cường, bàn luận, cảnh báo nhiều hơn những vấn đề văn hóa đương đại, những vấn đề bảo vệ văn hóa gốc cùng với văn hóa đương đại. Có thể thấy rằng, văn hóa đang được trở lại như một sứ mệnh, như một điều tối thượng cần thiết cho đời sống của một dân tộc, cho sự phát triển khác của một dân tộc thì trong đó có thi ca.
Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
Nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp: Một nhà nghiên cứu nổi tiếng có nói mọi rằng, thứ có thể qua đi nhưng chỉ riêng văn hoá là còn lại. Như thế có nghĩa là, chúng ta đang chứng kiến giai đoạn mà sau khi chúng ta phát triển có phần nóng, có phần hơi lệch thậm chí những chủ nghĩa thực dụng đôi lúc làm cho văn hóa bị quên lãng. Những động thái gần đây cho thấy văn hoá càng ngày càng được tôn trong hơn. Người ta thấy răng sự chiến thắng và sự vượt lên tất cả nỗi đau khổ cũng như bất hạnh nó phải có yếu tố của văn hóa.
Thứ 2, sau liên hoan thơ Châu Á Thái Bình Dương ở Quảng ninh, tôi có gặp một nhà thơ Israel, 2 nhà thơ Ấn Độ và 3 nhà thơ Trung Quốc, qua trao đổi, họ rất vui khi ở Quảng Ninh, chính ngày thơ này làm cho họ hiểu hơn Việt Nam, ở cả vẻ đẹp của thiên nhiên lẫn vẻ đẹp của tâm hồn Nói như vậy để thấy rằng, thơ chạm tới sự sâu thẳm nhất trong tâm linh của mỗi con người bất kể một quốc gia nào. Thơ có thể xuyên tường, qua mọi rào cản để làm con người sống người hơn, sống nhân đạo hơn và tin yêu vào một ngày mai tươi sáng hơn. Đó chính là sứ mệnh của thi ca. Đã có lúc chúng ta hơi sao nhãng, nhưng ngày thơ mới đây là một minh chứng cho thấy Thơ vẫn hiện diện trong đời sống của chúng ta.
Tại sao không có một Chế Lan Viên hay Xuân Quỳnh thời nay?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Nếu xét thì không phải những nhà thơ Xuân Diệu, Chế Lan Viên hay Xuân Quỳnh thơ của họ đều hay hơn tất cả những bài thơ của các nhà thơ sau này. Các nhà thơ phân ra khu vực, có độc giả ở những khu vực riêng. Có độc giả yêu thích nhà thơ A, có độc giả yêu thích nhà thơ B. Có thể bây giờ, trong thời đại này để bạn đọc chỉ đọc một nhà thơ là điều khó. Kể cả các nhà thơ đựơc giả Nobel cũng có phân chia khu vực bạn đọc của mình, các khuynh hướng đọc của mình.
Viện trưởng Viện Văn học, nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp
Nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp: Vào giai đoạn ấy, tất cả những thứ người ta tìm đến chỉ có văn học. Còn bây giờ bạn đọc đứng trước rất nhiều sự lựa chọn, lựa chọn văn học, lựa chọn điện ảnh, internet...Nhưng với giai đoạn hiện nay, đặc biệt là giai đoạn này thơ đã có những bứt phá, nó bước vào lộ trình hiện đại thơ thế giới một cách rất rõ nét. Và tôi nhìn thấy tính đa giọng điệu trong thơ ca giai đoạn này, Nguyễn Quyến là một giọng, Trần Quang Quý là một giọng điệu, Quang Thiều lại một giọng điệu khác...Chính cái đó tạo nên một hợp xướng của thi ca đương đại. Chưa bao giờ, văn học của chúng ta lại đa dạng đến thế. Thứ 2, sau một giai đoạn chúng ta chững lại một chút thì ngôn ngữ thơ ca cũng như thi pháp thơ có những bước tiến rất đáng nói. Như vậy để thấy rằng, sự kết tinh ở mật độ của thơ mới ở giai đoạn này rất dày đặc nhưng hình dung rằng 30 năm sau khi chúng ta nhìn lại thì có lẽ sẽ chọn ra được vô vàn những bài thơ xuất sắc, những tác phẩm tiêu biểu ở giai đoạn này. Nói như vậy để thấy rằng nó có mỗi quan hệ giữa nền và đỉnh, sức đột phá của các nhà thơ trong việc làm mới thơ là một nỗ lực mà muốn hay không muốn chúng ta phải thừa nhận.
Phê bình có tội!
Nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp: Khi nhà thơ Lê Đạt còn sống, ông có một đòi hỏi, thơ ca muốn đổi mới cần đến lỗ tai mới. Chúng ta đòi hỏi nhà thơ đổi mới mặt khác cũng phải đòi hỏi người đọc cũng phải đổi mới. Nếu những nhà thơ muốn đổi mới mà người tiếp nhận vẫn nhìn nó bằng quy chiếu cũ thì các nhà thơ sẽ thấy cô đơn thế nào? Trước hết là họ không chia sẻ được, sau là họ không tìm được hiệu ứng để kích thích sự sáng tạo của họ như một nỗ lực nhân đôi mình. Quả thật hiện tại, phê bình thơ đang có vấn đề. Phương diện thứ nhất là chúng ta đang sống thực dụng, muốn hay không muốn thì người ta tìm đến nghề nào mưu sinh dễ hơn có thể người ta sẽ tìm đến. ĐIều này khiến các nhà phê bình thơ không còn chuyên tâm như trước nữa. Phương diện thứ hai là đất diễn cho phê bình thơ tương đối hạn hẹp. Một bài tôi định viết khoảng 20 trang để in trên một tạp chí thì được nhưng in trên báo thì dứt khoát không. Chính vì thế khi chúng ta tâm huyết ít đi, những người đam mê phê bình thơ ít đi, nhiều khi nhà thơ như độc diễn. Mà chúng ta đang sống trong một thời đại cần nhiều tiếng nói hồ hởi với nhau. Phương diện 3 là gần đây trình diễn thơ theo kiểu sắp đặt là hình thức, nỗ lực đưa thi ca gần hơn với đời sống và tôi rất khuyến khích điều đó. Internet là một phát minh vĩ đại của loài người, cực kỳ vĩ đại, người ta có thể sáng tác thơ, gửi một bông hoa cho người yêu bằng internet... nhưng internet không thể thay được trái tim của nghệ sĩ ở những run rẩy cô đơn của họ. Chỉ có khi chúng ta đi kiệt cùng của run rẩy thì chúng ta mới phát hiện mới nhìn thấy nhau, hiểu nhau qua sự nguyên thủy của nó. Những người phê bình thơ nên nghĩ tới điều đó, họ đang gánh trên mình nhiệm vụ cao cả làm thế nào để khơi thức được nhưng yêu mến vẻ đẹp, những đam mê của sáng tạo những khát khao và những rung cảm nghệ sĩ cũng như đưa ý thức về vẻ đẹp của đời sống này.
Thơ cũng cần các chiêu PR
Nhà thơ Phan Hoàng: Thơ ca là một sản phẩm văn hóa nên nếu có chiến dịch quảng bá cũng tốt. Hãy cho nó một chỗ đứng. Cuộc thi Đây biển Việt Nam do báo VietNamNet tổ chức là một ví dụ. Không chỉ các nhà quản lý mà báo chí cũng quan tâm và quảng bá cho thơ ca thì tốt quá rồi.
Nhà thơ Phan Hoàng
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều; Đôi khi trong quan niệm của rất nhiều người Việt Nam, thậm chí những người quản lý luôn coi thơ như một thứ vui, thứ hão huyền mơ hồ lãng mạn. Thơ chỉ xuất hiện trong tiệc rượu tiệc trà.. Đây là một sai lầm nghiêm trọng.
Quảng bá cho thơ là quảng bá cho những vẻ đẹp của cuộc sống. Tôi đến Mỹ và thấy rằng mỗi đứa trẻ đều có một cuốn thơ bên mình. Giáo dục ở đó không đưa và chương trình bắt buộc học sinh phải làm thơ nhưng mỗi đứa trẻ đều đến với thơ như một điều thú vị và cách tiếp cận hết sức gần gũi. Báo chí bao giờ cũng dành riêng một trang quảng cáo cho thơ. Ở Mỹ hàng năm đều có cuộc hội thảo: Thơ ca đang sống hay đang chết? Việc cảnh báo này không phải cảnh báo một thể loại văn học mà cảnh báo một phần tinh thần đang băng hoại, đang bị chết.Vì vậy quảng bá cho văn thơ đều là cách để quảng bá cho những điều tốt đẹp qua đó chính là để đẩy lùi những điều bất hạnh trong cuộc sống.
Thơ ở ngay dưới chân bạn. Chỉ khi bạn ý thức và quan tâm đến nó, chú ý đến nó thì thơ sẽ hiện hữu với một vẻ đẹp. Tuy rằng ngày nay ít người còn tin vào phép màu, nhưng tôi vẫn tin. Vì chính những thay đổi mà thi ca đem lại cho con người là một phép màu.
Nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp: Sáng tạo thi ca cũng như chia sẻ và tiếp nhận nó là chúng ta cùng sống chậm cái khoảng lặng những giây phút hết sức kỳ diệu của con người. Một ngày nào đó thế gian này ngừng vang lên một câu thơ, thì lúc đó chúng ta không khác gì hành tinh chết. Có nghĩa là PR cho thi ca theo tôi vô cùng quan trọng. Vấn đề là PR vì mục đích gì, nếu vì lợi nhuận thì cần phải suy nghĩ lại. Nhưng PR để quảng cáo thơ, để sống tốt đẹp hơn vượt qua hội chứng vô cảm thì đó là điều lành mạnh.Trong khi nhiều người được biết đến nhờ PR thì cũng có những người đang âm thầm cống hiến chưa một lần được độc giả biết tên. Đừng sốt ruột. Nghệ thuật đích thực rồi sẽ được nhiều người biết đến. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, nghệ thuật không thể sốt ruột được.
Ban Văn hóa