- Giới chỉ trích cho rằng chương trình là phi vụ kinh doanh tàn nhẫn khi dàn dựng một cuộc chơi mà người ta phải đào thải lẫn nhau để giành chiến thắng.


Với mục tiêu giống như tên gọi, Got Talent (tại VN là Tìm kiếm tài năng) là cuộc thi do ông bầu khét tiếng Simon Cowell và nhà sản xuất Paul O’Grady đồng sáng tạo. Phiên bản đầy đủ đầu tiên xuất hiện trên kênh truyền hình NBC của Mỹ vào tháng 6/2006 với tên cọi America’s Got Talent.

 Vietnam’s Got Talent đã cho thấy tác động xã hội sau bảy đêm thi được phát sóng

Quyền năng bơm thổi và đào thải

Dù sinh sau đẻ muộn, cuộc thi nhanh chóng đạt được kỷ lục cả về lượng người xem lẫn độ tuổi theo dõi, rút ngắn khoảng cách thành công so với những chương trình nổi tiếng trước đó như Tìm kiếm thần tượng, Bước nhảy hoàn vũ… Vietnam’s Got Talent dù chưa đủ độ nóng khiến những người ứng thí phải xếp hàng chờ nhiều tiếng đồng hồ ở vòng tuyển chọn, giống như các lần tổ chức ở Anh hay Mỹ, nhưng đã cho thấy tác động xã hội sau bảy đêm thi được phát sóng.

Đến nay, Got Talent đã du hành tới màn ảnh nhỏ của trên 40 quốc gia, lãnh thổ với phiên bản được sản xuất cho địa phương. Tiền thưởng cho người thắng giải nhất cũng thay đổi qua từng phiên bản, cao nhất là America’s Got Talent với 1 triệu USD, kế đến là Anh với 780 ngàn USD, Úc gần 300 ngàn USD…Tại VN, tiền thưởng được rao trong mùa đầu tiên là 400 triệu đồng, tức khoảng 20 ngàn USD.

Xét về nguồn gốc, Got Talent kế thừa những luật chơi cơ bản của các trò chơi trên truyền hình trước đó, một thể loại vốn có bề dày lịch sử hơn bảy thập niên trên truyền hình Mỹ. Giống như chương trình Amateur Hour (một trong hai trò chơi đầu tiên xuất hiện năm 1948, khởi đầu là một chương trình phát thanh), nó mang những người vô danh ra trước đám đông để họ lựa chọn người chiến thắng.

Got Talent cũng biết cách tạo những trò hài hước giải trí kết hợp với thi thố tài năng giống như chương trình The Gong Show của nhà sản xuất Chuck Barris hồi thập niên 70 tại Mỹ. Hội đồng giám khảo gồm những người nổi tiếng đuổi những hát dở xuống sân khấu bằng cách gõ vào chiếc cồng lớn.

Ở khía cạnh này, chương trình bị chỉ trích là một phi vụ kinh doanh tàn nhẫn khi dàn dựng một cuộc chơi mà người ta phải đào thải lẫn nhau để giành chiến thắng. Và người chơi phải học cách chấp nhận nó.

Nhưng khác với những cuộc thi truyền hình thực tế trước đó, Got Talent mở rộng hơn về lĩnh vực tài năng. Các thí sinh có thể trổ tài ca hát, khiêu vũ, ảo thuật, làm xiếc hay thậm chí cả tấu hài, và những màn trình diễn thuộc dạng “tài vặt” như khả năng huấn luyện chó, dạy chim vẹt nói chuyện.

 
Got Talent thường bị chỉ trích thiếu sự chuẩn bị tâm lý cho các thí sinh về những khả năng mà họ phải đối diện

Cuộc vui cần đọc kỹ…cáo buộc

Với quyền năng bơm thổi những con người vô danh trở thành người nổi tiếng trong vòng vài tuần lễ, thậm chí chỉ vài ngày, cuộc thi thường bị chỉ trích thiếu sự chuẩn bị tâm lý cho các thí sinh về những khả năng mà họ phải đối diện. Nhất là khi họ đột nhiên trở thành tâm điểm bình xét của một đám đông rộng lớn và vô hình, bởi tài tăng tỏa sáng và cả bởi sai lầm.

Bài học nhãn tiền nhất có lẽ là sự suy sụp đến mức phải nhập viện ngay sau đêm chung kết của Susan Boyle, 51 tuổi, người phụ nữ dáng vẻ quê mùa, nổi tiếng qua cuộc thi nhờ giọng hát thiên thần. Sau những đêm chiến thắng như thể một câu chuyện cổ tích, bà bị đánh bại bởi nhóm nhảy Diversity trong đêm cuối cùng.

Cũng có nhiều cáo buộc cho rằng nhà sản xuất thường gieo hi vọng vào đầu các thí sinh kém tài, nhằm tối đa hóa hiệu quả (tạo ra) bi kịch khi họ bị ban giám khảo làm bẽ mặt.

Một điểm khác, quan trọng không kém, là các điều khoản trong hợp đồng tham gia chương trình thường theo hướng có lợi cho nhà sản xuất. Theo đó, họ có toàn quyền sử dụng, chọn lọc các hình ảnh đã được ghi từ trường quay theo bất cứ mục đích nào mà họ muốn. Dù mang cái tên truyền hình thực tế, nhưng có thể hiểu đó là “thực tế” theo ý chí của nhà sản xuất.

Nhưng trên tất cả, nếu mọi người chỉ xem chương trình thuần túy là một cuộc vui do truyền hình mang lại, chấp nhận những luật chơi (phải có) của nó và tham gia bằng một cái đầu vô tư, không đặc quánh danh vọng, tiền tài thì có lẽ, sẽ không ai phải “cướp” micro để giãi bày giám khảo “bất công”.

Minh Chánh