- Liên quan đến câu chuyện nhà hát tiền tỉ tổ chức tiệc cưới, NSƯT Thuý Mùi, Giám đốc Nhà hát Chèo HN, chủ sử dụng rạp Đại Nam cho rằng cho tổ chức tiệc cưới là một cách đưa khách về để biết rạp Đại Nam lúc đầu.
Hình ảnh này dễ bắt gặp ở rạp Đại Nam. Ảnh: Nguyễn Hoàng |
- Tiền bao nhiêu thì tôi không biết được vì chủ đầu tư là bên Sở Xây dựng còn chúng tôi chỉ là chủ sử dụng. Rạp đã khánh thành vào tháng 10/2011 nhưng chỉnh sửa xong thì cũng phải đến khoảng giữa năm 2011 mới chính thức đi vào hoạt động. Tuy nhiên chúng tôi cũng đã diễn khoảng 50 buổi, từ chương trình đầu xuân 2011, Đến mà cười đến đợt biểu diễn mừng 8/3. Sau đó là chương trình dành cho thiếu nhi là vở chèo dân gian Quả táo thần. Đây là vở chúng tôi diễn khá nhiều, có ngày lên đến 7 suất. Tiếp đến là dựng vở Cây khế cho các cháu. Cho đến giờ phút này thì lịch diễn vẫn là 3 suất/ngày. Chúng tôi cũng đang diễn vở Quan lớn về làng, là vở diễn đạt huy chương vàng hội diễn toàn quốc. Tại đây, từ sang đến trưa rạp biểu diễn cho các cháu còn tối thì biểu diễn chương trình nghệ thuât.
- Và từ khá lâu nhiều người đi qua rạp Đại Nam đã thấy ở đây tổ chức tiệc cưới?
- Đây là rạp đa năng được thành phố Hà Nội đầu tư để phục vụ công chúng nhiều loại hình nghệ thuật và các hoạt động về văn hoá nghệ thuật. Trở lại với việc bạn hỏi liên quan đến việc tổ chức đám cưới. Vì nhà hát hoạt động tương đối nhiều nên thời gian cho thuê không có mấy. Chỉ trống một chút ban ngày, vào buổi trưa và buổi chiều thì thỉnh thoảng bạn bè và các nghệ sĩ đến để mượn chỗ tổ chức đám cưới.
Rạp có sảnh khá đẹp nên các nghệ sĩ cũng hãnh diện với nhà hát của mình khi đưa bạn bè đến để tổ chức tiệc cưới. Hiện nay cũng đã có gần chục bạn nghệ sĩ trẻ tổ chức đám cưới ở đó. Chúng tôi không đặt vấn đề kinh doanh mà là hoạt động đối ngoại, phục vụ các nghệ sĩ trong nhà hát và cũng là cách để các nghệ sĩ có thêm thu nhập chút ít. Còn hoạt động nghệ thuật thì bạn cũng biết rồi, ráo mồ hôi là hết tiền.
- Chị có nhớ chính xác từ thời điểm rạp chính thức đi vào hoạt động, đến nay đã diễn được bao nhiêu suất?
- Tôi không nhớ chính xác nhưng trong 1 năm vừa rồi cũng phải có trên 100 buổi diễn, cả ban ngày và tối. Còn thời gian luyện tập tại rạp thì rất nhiều. Năm vừa rồi chúng tôi ra 3 vở diễn, 2 vở đi hội diễn và 1 vở bảo tồn, mỗi vở phải tập ở đó 1-2 tháng, mật độ lao động ở rạp Đại Nam tương đối nhiều. Còn chuyện tổ chức đám cưới thì quá là ít, một tháng đôi ba buổi. Đó là một cách để chúng tôi có thêm thu nhập mà trả tiền điện, tiền nước mỗi tháng.
- Chị có nói khi đi vào hoạt động thì đây là rạp đa năng phục vụ công chúng, tổ chức các hoạt động văn hoá nghệ thuật, biểu diễn nhưng theo chúng tôi hiểu thì tổ chức tiệc cưới không nằm trong phạm vi các hoạt động văn hoá mà lại nghiêng về thương mại mất rồi?
- Cái đó chúng tôi chưa đặt vấn đề là kinh doanh vì kinh doanh thì phải có hợp đồng. Ở đây chỉ là tổ chức tiệc cưới cho nghệ sĩ và bạn bè, cũng là một cách đưa khách về để biết rạp Đại Nam lúc đầu. Còn về lâu dài chúng tôi không có làm tiệc cưới. Thời gian hoạt động đầu tương đối là vắng các đơn vị nghệ thuật đến với rạp Đại Nam. Cho nên ngoài việc luyện tập và biểu diễn, đó chỉ là việc tranh thủ một ít thời gian vì tiệc cưới chỉ diễn ra khoảng 2 tiếng đồng hồ vào ban ngày thôi. Cái đó không ảnh hưởng gì đến vấn đề biểu diễn cả.
- Theo chúng tôi hiểu thì rạp chỉ tiến hành kê bàn tổ chức tiệc ở ngay sảnh ngoài?
PV trong vai một người muốn đặt tiệc cưới đã liên lạc với người được nhân viên lễ tân giới thiệu là quản lý rạp Đại
Nam, sau khi hỏi ngày dự định tổ chức đám cưới, chị có hỏi: "Em đặt bao
nhiêu mâm?" và hỏi chúng tôi muốn tổ chức tiệc vào sáng hay chiều, ngày
nào, để tiện sắp xếp. Mới giữa tháng 2 mà nhiều ngày đẹp đã được đặt
tiệc trước, thậm chí ngày 28, 29/3 cũng đã kín lịch. Chị quản lý cho
chúng tôi biết rạp không cho thuê sảnh mà làm dịch vụ đặt tiệc cưới luôn
và không quên quảng cáo rằng cỗ ở đây được tổ chức rất ngon, sạch sẽ và
đảm bảo...
|
- Vậy người ngoài muốn tổ chức tiệc cưới ở đây thì bên chị có cho không?
- Chắc là không vì chúng tôi không có kinh doanh. Người ta đến đó mượn chỗ và đặt cỗ đem đến. Họ làm việc với chỗ nấu cỗ ở đâu thì không biết, chúng tôi chỉ cho mượn sảnh trong 2 tiếng đồng hồ. Nếu nói là kinh doanh thì phải làm việc theo kiểu hợp tác liên doanh với đơn vị nào đó, hoặc kinh doanh phải có lợi nhuận lớn cơ. Còn kinh doanh, nói thật là mỗi tháng chỉ là kiếm thêm chút tiền trả tiền điện thì không đáng.
- Bên chị đã thống kê mỗi tháng kiếm đuợc bao nhiêu tiền từ việc cho thuê chỗ tổ chức đám cưới?
Không vì một tháng chỉ tổ chức mấy buổi thì thu nhập không đáng bao nhiêu tiền cả.
- Nếu nguồn thu không đáng kể thì có nên duy trì hoạt động đó không vì một rạp lớn là đại bản doanh của nhà hát Chèo, là nơi biểu diễn một loại hình nghệ thuật truyền thống mà thi thoảng lại tổ chức tiệc cưới thì sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến hình ảnh của rạp?
Tôi thấy ở mình quá bó hẹp về chuyện cơ sở vật chất của các rạp. Nói thật ở trong TP.HCM một rạp họ sẽ hoạt động rất nhiều và tận dụng nhiều thời gian xen kẽ nhau từng tiếng một. Điều quan trọng nhất là chúng tôi vẫn tiến hành biểu diễn nghệ thuật nhiều. Tất nhiên sau này về lâu về dài chúng tôi sẽ không cho thuê tổ chức đám cưới nữa. Thực ra bản thân chúng tôi cũng đã có những đề án mới để phục vụ công chúng tốt hơn, cũng là một lĩnh vực nữa liên quan đến nghệ thuật. Đương nhiên khi có dự án gì lớn thì những cái quá nhỏ nó sẽ tự tiêu đi.
- Khi gọi điện đến rạp, tiếp xúc với một chị được giới thiệu là quản lý rạp, chị này có nói ở rạp không cho thuê địa điểm mà làm tiệc cưới luôn, muốn bao nhiêu mâm cũng được, thậm chí còn cho biết tháng ba còn ngày nào trống. Chị có biết điều này chứ?
- Người ta nhận cái đó và mang cổ ở những chỗ tổ chức cưới mang đến chứ nhà hát chúng tôi làm gì có bếp. Chưa bao giờ có chuyện người ở rạp đứng ra nhận làm tiệc cưới cả. Quan điểm của tôi là khi rạp xây lên đẹp như thế thì đương nhiên nhiệm vụ chính là hoạt động về vấn đề nghệ thuật và thà có các hoạt động để phục vụ công chúng còn hơn đắp chiếu để đấy.
Rạp mới đương nhiên cũng phải thử xem có thể làm cách nào đó, cái nào không được thì thôi còn đuợc thì phát huy. Đó là cách không ngồi im, cách để chúng tôi có kinh phí để nâng cấp, nâng cấp để nó không xuống cấp. Còn nếu để nguyên rạp là điều nhà hát tôi kỵ nhất.
Còn nói về việc biểu diễn thì mỗi năm chúng tôi có 3 đoàn nghệ thuật diễn trên 400 buổi biểu diễn và là một trong những nhà hát biểu diễn nhiều nhất thủ đô. Điểm nhà hát đang khai thác mạnh nhất là phục vụ cho thiếu nhi, phục vụ cho chương trình học của các cháu cấp 1, 2.
Chúng tôi xây dựng các vở chèo về các câu chuyện cổ tích để giới thiệu nghệ thuật Chèo đến các cháu. Giá vé đương nhiên là rất rẻ, nhiều khi chỉ đủ bồi dưỡng cho các nghệ sĩ. Tiền điện, nước nhà hát phải bù lỗ nên đương nhiên phải có các hoạt động khác để bù vào động khác. Chúng tôi phải chèo chống để đảm bảo đời sống cho anh em, vừa phải duy trì các hoạt động sống động cho rạp, vừa phải duy trì bảo dưỡng.
Hạnh Phương