Việc dạy lịch sử trên những bảng tên phố dường như đang khuyến khích người tham gia giao thông vi phạm pháp luật...
TIN BÀI LIÊN QUAN
Dạy sử qua tên phố, FPT bị tố ăn cắp bản quyềnTIN BÀI LIÊN QUAN
Bài học lịch sử dở dang?
Với chủ trương “dân ta phải biết sử ta” Hà Nội đang tiến hành gắn biển tên phố trên đó chú giải tiểu sử, công trạng của danh nhân, lịch sử của địa danh...
Ông Lê Đình Lộc - đại diện dự án gắn chú thích lịch sử cho biển phố Hà Nội cho biết, việc dạy sử qua tên phố đã diễn ra ở 30 tuyến phố thuộc các quận trên địa bàn Hà Nội được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn một gồm 30 phố như Lê Lai, Quang Trung, Phan Bội Châu, Lê Trạch, Trần Nguyên Hãn…, và nếu nhận được ý kiến dư luận tốt và được Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội thông qua, công ty cổ phẩn FPT sẽ tiếp tục giai đoạn hai: gắn biển có chú giải như vậy ở 72 tuyến phố nữa. (Đề án gắn chú thích lịch sử cho biển phố của công ty FPT được Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội thông qua là 102 tuyến phố).
Ông Lộc cho hay, việc gắn biển chú thích cho tên phố thực ra không phải là vấn đề mới mẻ mà ngay cả TP HCM hay Sóc Trăng cũng đã làm. Tuy nhiên, TP HCM đã dùng băng rôn và tờ phướn giới thiệu tên đường phố ở một số điểm nên tuổi thọ không dài, mưa gió rất nhanh hỏng. Hà Nội chọn cách lâu bền hơn là chủ giải ngay dưới biển tên phố.
Việc làm này tuy được khen ngợi về mặt giúp dân hiểu hơn về lịch sử nhưng lại không tính đến những yếu tố bất cập khác.
Toàn thành phố Hà Nội có cả thảy hơn 600 tuyến phố lớn nhỏ, quá trình đi khảo sát, chụp ảnh từng tuyến phố, nhóm của ông Lộc cũng chọn được 102 tuyến phố tiêu biểu và địa thế tốt, sáng, dễ nhìn để gắn chú giải lịch sử.
Câu hỏi đặt ra là 102 tuyến phố tiêu biểu được lựa chọn trên cơ sở nào. Với bất kỳ một nhân vật lịch sử nào, một khi đã được chọn đặt tên phố có nghĩa là đã được ghi nhận những công trạng to lớn của họ với đất nước. Để xác định được ai tiêu biểu hơn ai trong số vài trăm nhân vật lịch sử được đặt tên phố, chắc các nhà sử học hàng đầu Việt Nam cũng phải tranh cãi dài dài mới ra được kết quả. Vậy nếu coi việc chú giải tên phố như một bài học lịch sử thì phải chăng đây là một bài học lịch sử dở dang với việc người thì được ghi nhận công trạng, người thì không. Đó là chưa kể bài học lịch sử này còn rất gây tranh cãi bởi khó mà phân biệt được ai đáng được ghi chú giải lịch sử vì có công lớn và ai không đáng được ghi chú vì…công nhỏ.
Những dòng chú thích ngắn gọn, súc tích cho các đường phố thủ đô đang
được thành phố triển khai trên nhiều tuyến phố - Ảnh: Tiến Thắng |
Từ khi chú giải lịch sử được gắn lên biển tên đường, đã có không ít phản hồi của độc giả gửi đến VietNamNet phàn nàn về việc bị xao nhãng khi tham gia giao thông vì những tấm biển này. Một độc giả kể: "Có hôm, vì mải đọc chú thích trên biển đường mà tôi suýt đâm phải một người đi bộ đang qua đường".
Chị Lê Thu, một phóng viên thường xuyên đi các nước văn minh như Pháp, Đức, Ý, Nga, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Séc…cho hay chị chưa thấy có nơi nào làm biển chỉ dẫn đường phố lại gắn chú thích lịch sử như ở Việt Nam. Ở Đức, nếu muốn nhắc ai đó rằng ở khu nhà này đã có người chết trong nạn diệt chủng Do Thái, chính quyền sẽ làm một viên gạch bằng đồng kích cỡ khoảng 15cm ghi ngày sinh ngày mất, rồi gắn ở cửa ngôi nhà đó. Tất cả những ngôi nhà có người chết trong nạn diệt chủng Do Thái đều được làm như vậy để người dân và khách du lịch bất chợt nhìn thấy và hiểu rõ. Hay tại các tuyến phố lớn mang tên những vị danh nhân nổi tiếng, họ sẽ tìm một địa thế thuận tiện nhất, dựng bảng tưởng niệm nho nhỏ ghi đầy đủ công trạng và những hình ảnh của danh nhân đó lúc sinh thời… |
Ngay một người rất tâm huyết với việc truyền bá lịch sử như nhà sử học Lê Văn Lan cũng không đồng tình với việc chú giải lịch sử vào biển tên đường như vậy. Ông từng chia sẻ với báo chí rằng việc người dân nhất là các cụ già và em nhỏ phải ngửa cổ và căng mắt mới đọc được những dòng chú thích như hiện nay là không nên. Theo ông, tốt hơn là nên làm một biển phụ để treo phía dưới, vừa tầm mắt mọi người lưu thông trên đường. Tấm bảng này cần thể hiện sự vững vàng về kiến thức sử học đường phố đó, cũng như sự rõ ràng của kĩ thuật văn bản học, bao nhiêu chữ, bao nhiêu dòng mà vẫn đầy đủ thông tin.
Hơn thế, những tấm biển với chú giải này còn đi ngược với Luật giao thông. Luật giao thông đường bộ quy định rõ tại Nghị định số 34/2010/NĐ-CP xử phạt người tham gia giao thông, trong đó có những chế tài khác nhau khi người tham gia giao thông làm việc riêng như nghe điện thoại, cầm ô dù,…gây ảnh hưởng tới sự tham gia giao thông của người khác. Nếu người đang tham gia giao thông tập trung vào việc đọc những chú thích này thì hẳn họ cũng đã "làm việc riêng" như luật định.
Là người thường xuyên dạy học trò cả lý thuyết lẫn thực hành trên đường phố, một giáo viên dạy luật giao thông đường bộ tại một trường đào tạo lái xe ở Hà Nội cho rằng với một tấm biển như vậy, bất cứ ai khi tham gia giao thông cũng cố nhìn xem bên dưới viết cái gì, như vậy sẽ làm họ xao nhãng việc điều khiến phương tiện khi tham gia giao thông.
Vị này hoàn toàn hoan nghênh chủ trương “dân ta phải biết sử ta” nhưng học sử, dạy sử không phải theo cách này. Nên chăng chúng ta truyền lịch sử lại cho thế hệ sau một cách khác. Chẳng hạn với trường Lương Thế Vinh, nên có một biển ghi thành tích lẫy lừng của ông để thế hệ học trò noi theo chứ không phải như bây giờ, học sinh tìm tới đó học chỉ vì biết hiệu trưởng của trường đó là GS làm sách Toán phổ thông rất giỏi -GS.Văn Như Cương chứ có mấy học sinh biết tới nhân vật lịch sử được đặt tên cho ngôi trường đó. Hay trường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Du, Nguyễn Trãi… cũng vậy, không ai, không học sinh nào nhìn thấy biển ghi danh, thành tích lẫy lừng của các vị này cả. Vậy nên, dạy sử ngay chính ngôi trường mà học sinh gắn bó mới là điều cần thiết chứ không phải gắn súc tích quá ngắn gọn trên biển tên đường như hiện nay. Việc học sử như vậy liệu có hiệu quả? - vị này băn khoăn.
Tình Lê