Ông Lương Xuân Đoàn, Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng đã là rất muộn khi đề cập tới vấn đề cởi trói cho ảnh nude nghệ thuật.

 

Chấp nhận và tôn trọng ảnh nude nghệ thuật đã có trong nghị quyết của Đảng?

- Là một họa sĩ, lại làm việc ở cơ quan nhà nước phụ trách về mặt văn hóa – tư tưởng, ông đánh giá thế nào về loại hình nhiếp ảnh nude nghệ thuật?

Lâu nay trong đời sống nghệ thuật nhiếp ảnh người ta chỉ quen với nhiếp ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật chân dung, phong cảnh… mà quên một loại hình nghệ thuật rất quan trọng của người cầm máy là loại hình nghệ thuật ảnh khỏa thân.

Đây là loại hình đòi hỏi rất nhiều tư duy sáng tạo của nhiếp ảnh bởi khi ống kính hướng đến khung cảnh thiên nhiên thì vốn đã đẹp sẵn và có thể sẽ không có gì phải lo lắng quá nhiều. Nhưng đụng chạm đến thân hình của người phụ nữ thì cần rất nhiều tư duy về kĩ thuật lẫn mỹ thuật.

- Ông nghĩ sao nếu như bây giờ chúng ta “cởi trói”  cho ảnh nude nghệ thuật?

Tôi cho là quá muộn khi bây giờ chúng ta mới đề cập và cởi trói. Lẽ ra cũng phải đặt vấn đề cách đây vài thập kỷ khi mà thời đó ồn lên việc ảnh khỏa thân của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trọng Thanh.

Ngày đó bản thân tôi cũng đặt vấn đề là nên tạo điều kiện để công bố ảnh khỏa thân nghệ thuật của Trọng Thanh để xem thực hư có phải là ảnh khiêu dâm đồi trụy hay không hay là ảnh khỏa thân nghệ thuật. Nhưng rất tiếc việc đó vẫn không thể xảy ra.

Vào thời điểm này, chúng ta vẫn còn rất nhiều lĩnh vực nghệ thuật còn lúng túng ở trong cái chấp nhận hay không chấp nhận, thừa nhận hay không thừa nhận và trong đó có loại hình nghệ thuật nhiếp ảnh khỏa thân.

Tôi cho đấy là một thiệt thòi lớn của các nghệ sĩ khi mà điều kiện hội nhập với thế giới bên ngoài chưa bao giờ tốt như bây giờ.

- Ông có nghĩ sẽ có hiệu quả không khi các nhà quản lý cấm không cho triển lãm ảnh nude nghệ thuật?

Không được công bố công khai thì người nghệ sĩ vẫn âm thầm chụp. Cơ quan quản lý càng e dè càng ngần ngại không cho nghệ sĩ công bố triển lãm thì khi ảnh khỏa thân của họ được in vào sách càng được công chúng tìm đến và mức độ lan rộng ra xã hội càng mạnh.

Càng cấm thì ảnh nude lại càng được tìm đến? - Ảnh Thái Phiên

- Để bảo vệ các nghệ sĩ chân chính theo đuổi loại hình nghệ thuật nude, theo ông cơ quan nào cần lên tiếng mạnh mẽ nhất?

Tôi cho rằng phải chính hội nghề nghiệp, ở đây Hội nhiếp ảnh phải là cơ quan đầu tiên lên tiếng và ủng hộ một cách quyết liệt cho nghệ sĩ công bố tác phẩm.

- Như vậy vấn đề ở đây có phải là sự không hiểu nhau của nghệ sĩ và các nhà quản lý?

Đây là vấn đề diễn ra từ rất lâu. Ví dụ như việc các họa sĩ trẻ đương đại, vì người quản lý không hiểu và tốt nhất không hiểu thì không cấp phép cho an toàn. Người nghệ sĩ ở đây cũng thường không đủ bình tĩnh để trình bày và thuyết phục người quản lý nên càng ngày mối quan hệ giữa người quản lý và nghệ sĩ lại càng xa. Và cuối cùng người chịu thiệt là công chúng khi không có cơ hội thưởng thức tác phẩm.

- Nhưng không phải ai cũng có thể hiểu được mọi loại hình nghệ thuật, đặc biệt khi phải quản lý rất nhiều hình thức?

 Thế nên tôi mới nói mới cần sự phối hợp. Liên quan đến vấn đề gì đều có hội đồng nghệ thuật. Khi không rõ hãy để hội đồng nghệ thuật lên tiếng và chịu trách nhiệm chứ đừng không hiểu thì cấm. Hãy tôn trọng quyền tự do của công dân khi họ sáng tác được một tác phẩm và có nhu cầu công bố tác phẩm đó.

- Là người làm việc tại Ban Tuyên giáo trung ương, ông có thể cho biết ý kiến về việc nghệ sĩ đam mê, làm việc và có nhu cầu công bố ảnh nude nghệ thuật? 

Chúng ta đã có nghị quyết 05 (Nghị quyết “Cởi trói”) năm 1986 đề cập rõ ràng rằng: thừa nhận và tôn trọng sự sáng tạo tự do của người nghệ sĩ, chấp nhận mọi phong cách và khuynh hướng nghệ thuật khác nhau. Ý tưởng và quan điểm chỉ đạo đó mấy chục năm nay vẫn không xuy chuyển nhưng lại toàn vướng ở dưới, ở chính lĩnh vực nghề nghiệp.

Một tác phẩm nude nổi tiếng của Trần Huy Hoan

Đưa nude ra khỏi đời sống… một điều rất tai hại?

- Ông nghĩ sao về việc công chúng Việt Nam vẫn còn e dè khi nhắc hay đề cập tới loại hình nghệ thuật nhạy cảm này?

Tôi nghĩ là bởi chúng ta chưa thực sự có một lớp công chúng số đông hiểu về nghệ thuật. Lỗi này bắt đầu từ câu chuyện giáo dục ở các lớp phổ thông. Đó là lâu nay chúng ta dạy nhạc, dạy họa lại chỉ là dạy kĩ năng mà không phải là giáo dục về nghệ thuật cho trẻ em. Con mắt của chúng phải biết nhìn, để có thể biết đến cái đẹp, tự cảm nhận và phân biệt được cái đẹp theo cách chúng hiểu.

Rất tiếc các em chưa bao giờ được dạy kiểu đấy. Vào giờ họa thì sợ dúm dó về nhờ phụ huynh vẽ hộ bởi chúng phải vẽ theo những kĩ năng mà chúng ta dạy chúng.

Lâu nay chúng ta đưa cái mỹ dục ra khỏi trường phổ thông. Đấy là một điều rất tai hại. Chúng ta hoàn toàn sai lầm khi hiểu rằng hàng triệu trẻ em khi được học vẽ, học nhạc sẽ trở thành nhạc sĩ và họa sĩ tương lai.

Năng khiếu thiên bẩm của mỗi người là hoàn toàn khác nhau, thế nên chúng ta chỉ có thể trang bị cho các em một kiến thức sơ đẳng đầu đời để các em thấy thích nghệ thuật thôi là một điều đáng mừng lắm rồi.

Liên quan với việc cấp phép triển lãm ảnh nude cũng vậy. Khi nền giáo dục đã không làm tốt nhiệm vụ của mình thì công chúng cần những triển lãm nghệ thuật đích thực để biết đến đâu mới là nghệ thuật đích thực.

Một tác phẩm nude của Dương Quốc Định

- Việc cấp phép cho ảnh nude sẽ là một động thái tích cực có tác động tốt tới các nghệ sĩ?

Bản thân nghệ sĩ nhiều khi cũng nhầm lẫn giữa lằn ranh mỏng manh nude nghệ thuật và nude trần tục, nhưng lại không có những nơi để họ trao đổi một cách chính thức. Nên tôi cho rằng việc cấp phép cho công khai triển lãm ảnh nude là một việc làm vừa tốt cho nghệ sĩ để nâng cao tay nghề, để công chúng cũng được nâng cao thị hiếu và tính thẩm mỹ.

Tôi cho rằng loại hình nghệ thuật nude ở Việt Nam hoàn toàn có thể bước song hành với thế giới nếu như không bị cấm đoán như mấy chục năm trở lại đây.

- Theo ông, nếu như cởi trói cho loại hình nghệ thuật nhiếp ảnh nude, công chúng sẽ được lợi gì?

Tác động này sẽ nâng tầm một bộ phận công chúng đến với nghệ thuật . Và công chúng mà chúng ta sẽ hướng đến  ở đây chính là công chúng số đông chứ không phải là công chúng số hẹp. Công chúng số hẹp là những người làm nghệ thuật, giới tri thức có văn hóa thì việc đó là thừa. Phải nới rộng công chúng ra khỏi những công chúng số hẹp hay nói cách khác là đây cũng là cách giúp cho mặt bằng dân trí được thay đổi trên phương diện về văn hóa.

Hoàng Nguyên (Thực hiện)