Phim truyện dài gộp lại từ bảy phim ngắn có chung cách diễn đạt nên thơ, tinh tế và câm lặng về những phức cảm trong đời một người phụ nữ.

TIN BÀI KHÁC

Nếu sở thích của bạn là những “bom tấn” dùng sức mạnh kỹ xảo làm choáng ngợp các giác quan, kể cho bạn nghe những câu chuyện ra vẻ thông minh mà lại đơn giản, bạn sẽ gạt qua “Ngọc viễn đông” ngay từ ngoài phòng vé. Nhưng nếu bạn đủ định tâm cho những bộ phim ít lời thoại, kể chuyện thuần túy bằng hình ảnh, âm nhạc và diễn xuất, thì bộ phim đầu tay của đạo diễn 34 tuổi Cường Ngô rất đáng để bận tâm.
  Phương Quỳnh và Huy Hoàng trong chương 1 “Thơ”
Bảy phim ngắn trong Ngọc viễn đông được chuyển thể từ những truyện ngắn, tiểu thuyết của nhà văn – đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc. Bà cũng là người viết kịch bản cho phim. “Thơ” – chương đầu tiên, nhẹ nhàng và lãng đãng như cái tên – là mảnh ký ức tuổi thơ có phần khuôn sáo dù đạt được mức độ phổ quát trong tâm thức Việt trong hình ảnh đồng cỏ, con trâu, cánh diều, cầu ao…Nhưng câu chuyện về kỳ nghỉ ở miền quê của cô bé Thơ (Phương Quỳnh) lại quá nhẹ tênh, chưa đủ sức nặng đưa người xem ngược thời gian về miền xa thẳm của ký ức.

Nhưng “Thơ” lại là khởi đầu khá cân bằng cho những câu chuyện tiếp nối mang nhiều phức cảm. Đó là chuyện của Tranh (Hồng Ánh), cô gái giúp người bạn báo tin về cái chết của một chàng trai (Huy Khánh) đến cho mẹ cậu (Diễm My) trong chương “Tin nhắn”. Sợ gây tổn thương người còn sống, bị khích động bởi trí tò mò và những “kết nối” với người đã khuất…, cô ra về trong nỗi hoang mang và dằn vặt.

Đó còn là những thôi thúc nhục cảm cấm kỵ mà người em gái (Ngô Thanh Vân) dành cho anh trai trong cảnh sống cô quạnh, mồ côi bên bờ biển vắng trong chương “Trăng huyết”. Là “tình một đêm” trọn vẹn trong tình huống bất ngờ và huyễn hoặc, mà cô gái (Trương Ngọc Ánh) bí ẩn dành cho Tân (Richie Kul), anh chàng nghiên cứu khảo cổ trong chương “Thuyền”.
 Trương Ngọc Ánh và Richie Kul trong chương “Thuyền”
Là cảm giác bị phụ bạc ngay cả khi không ngừng nuôi dưỡng niềm tin dành cho tình yêu của Mi (Nguyễn Thị Minh Ngọc), người đàn bà đứng trên đỉnh thành công của sự nghiệp nhưng “sáu lần cưới hụt” trong chương “Thức”. Là sự chông chênh, giằng xé cùng lúc giữa hai quá trình phản bội và bị phản bội của Dã Quỳ (NSND Như Quỳnh), người phụ nữ đứng tuổi lên thăm chồng đang công tác ở Sapa trong chương “Tặng phẩm”.

Riêng câu chuyện cuối “Thời gian” mang dáng dấp của một tự truyện. Nữ diễn viên nổi tiếng Kiều Chinh vào vai Kiều, một ngôi sao đã từ giã những hào quang của sân khấu để lui về ở ẩn trong ngôi nhà cô quạnh. Chỉ bằng vài phút diễn xuất nội tâm, diễn viên đã lột tả được nỗi bất lực, tuyệt vọng của người đàn bà chưa dứt được tình yêu với nghệ thuật khi thời gian của đời người đã không còn nhiều.

Gánh nặng của bộ phim không chỉ nằm ở nhiệm vụ đi tìm hình ảnh cho những câu chuyện khảo sát phức cảm sâu kín của phụ nữ, mà còn phải tạo được ngôn ngữ điện ảnh đặc trưng cho chính nó.
  Ngô Thanh Vân và Kris Duangphung trong chương “Trăng huyết”
Trong cuộc chơi khá tự do trước áp lực thương mại, đạo diễn Cường Ngô mạo hiểm đi tìm kiếm cách kể chuyện có sức mạnh nằm ngoài ngôn từ. Rủi ro dễ thấy là bộ phim có khá nhiều đoạn xử lý vụng về, chưa hài hòa trong việc đưa đẩy, dẫn dắt chi tiết. Dù vậy, mỗi câu chuyện ngắn vẫn tạo được dư vị khiến người xem phải suy nghĩ nhiều về cái kết.

Chọn lựa trên cũng mang lại thử thách không nhỏ cho dàn diễn viên. Để làm chủ được màn ảnh chỉ trong gần 15 phút chỉ bằng diễn xuất nội tâm, nhiệm vụ của họ là phải tạo được kết nối giữa nhân vật với khán giả chỉ trong vòng vài cảnh đầu. Nếu không, vai diễn của họ dễ làm khán giả bật cười vì sự ngô nghê, khó hiểu.

Bằng chứng là thất bại của nam diễn viên kiêm người mẫu Richie Kul. Diễn biến cho thấy chỉ dàn diễn viên chuyên nghiệp như NSND Như Quỳnh, Trương Ngọc Ánh, Ngô Thanh Vân, Hồng Ánh… mới có thể làm tốt điều này.

Cũng trong thử thách này, đạo diễn hình ảnh Mikhail Petrenko cùng hai nhà soạn nhạc Alexina Louie và Alex Pauk chắc chắn là những người đáng được khen nhất vì công việc tuyệt vời mà họ đã làm được cho bộ phim.

Trong suốt bảy câu chuyện đặt bối cảnh lần lượt từ miền Nam ra tới miền Bắc, Mikhail Petrenko đã thu vào được ống kính những hình ảnh đẹp bậc nhất của thiên nhiên và con người, mang lại vẻ nên thơ và thanh khiết cho từng câu chuyện. Riêng hai nhà soạn nhạc Alexina Louie và Alex Pauk đã kể được câu chuyện bằng ngôn ngữ giao hưởng, thính phòng.

Minh Chánh