- Có phải viết blog nghĩa là được viết một cách thoải mái, như người sáng tác trong bóng tối? Và nếu bạn thu hút được nhiều người, thì một ngày nào đó, các công ty sách sẽ đến, đề nghị một hợp đồng xuất bản?


Thực trạng "Từ blog lên sách"

Một cuộc tọa đàm về văn học mạng mang tên "Từ blog đến sách" chiều 7/3 tại Hà Nội đã tổng hợp được khá nhiều ý kiến xung quanh sự tồn tại và phát triển của ngôn ngữ và những câu chuyện được đưa lên mạng. Thị trường blog này hiện đang trở thành một mảnh đất được các công ty sách tư nhân khai thác khá triệt để, bằng cách theo dõi các hot blogger, sưu tập những câu chuyện thu hút và làm thành một tuyển tập.

Giới quan sát tỏ ra quan ngại trước chất lượng các đầu sách sinh ra từ thực trạng này, và họ đặt dấu hỏi "liệu chúng có làm giảm chất lượng của thị trường sách hiện tại ở Việt Nam"?

Các trang viết của hot blogger rất dễ được chuyển thành sách trong xuất bản VN hiện tại.

Là đơn vị đồng tổ chức tọa đàm, Văn nghệ trẻ đã đưa ra cụm từ "Công nghệ chế biến nhà văn từ mạng ảo" - một cụm từ khá mạnh để nói về vấn đề "sách hóa" những trang viết từ blog cá nhân. Hàng loạt những ấn bản phẩm của những nhân vật trẻ như: "Muốn chết" (Keng), "Cho em gần anh thêm chút nữa" (Gào), "Đàn bà nhẹ dạ" (Vân Lam), "Anh sẽ cưới em thêm nhiều lần nữa" (Hoàng Anh Tú)... ; đến các dạng tuyển tập từ nhiều tác giả chẳng mấy ai biết như "Cafe Blog" (tuyển tập từ Blogviet)... ra đời trong thời gian gần đây cho thấy xu hướng mở của dòng xuất bản này.

Giới sáng tác chuyên nghiệp cũng hào hứng với việc sáng tác trên blog cá nhân. Nhiều tác phẩm của họ đã xuất hiện trên mạng sau đó mới in thành sách, như Đặng Thiều Quang với "Chờ tuyết rơi", "Bóng giai nhân", DiLi với "Trại hoa đỏ". Ngay cả nhà văn gạo cội Nguyễn Quang Lập cũng nhập cuộc với làn song mới trên mạng ảo bằng "Kí ức vụn" từ blog Quê Choa.

Dấu hỏi về chất lượng của "bản thảo blog"?

Tại buổi tọa đàm, trưởng ban biên tập một công ty sách nhận định: "Chúng tôi nhận được không ít bản thảo của tác giả trẻ/ tác giả mới, nhưng khả năng xuất bản được chúng thì rất hiếm hoi, trừ trường hợp của tác giả Phan An "Quẩn quanh trong tổ". Phần lớn bản thảo yếu, nhiều sạn, nội dung rỗng với vốn sống còn non nớt".

Thực trạng này có thể là một nhân tố để lý giải sự nở rộ của việc chuyển thể từ blog lên sách. Tác giả trẻ có nhu cầu viết, độc giả trẻ có nhu cầu đọc; nhưng bản thảo lại thường không đạt tiêu chuẩn. Vì vậy, nếu ta thử tập hợp một loạt các blog lên mạng, hoặc từ một số blogger đình đám, thì sẽ dễ thu hút hơn chăng?

Văn nghệ trẻ số tháng 2/2012 cho biết: "Cuộc săn tìm tác giả mới được các đơn vị làm sách ráo riết thực hiện. Blog nào đang hot? Vấn đề nào đang được cư dân mạng quan tâm? Các mạng xã hội như facebook, blogspot, yume... trở thành những "địa chỉ nóng", thu hút không chi giới trẻ thích nhốt mình hàng giờ vào đó, mà ngay cả cách xuất bản cũng thích lang thang, ngó nghiêng, tìm kiếm. Đại diện cho một đơn vị làm sách từng tán gẫu ở hậu trường: "Chúng tôi mua sách của cô ấy, không biết nó có phải là văn học hay không, nhưng giới trẻ họ thích đọc. Có người mua thì có người bán. Chúng tôi bán cái mà thị trường cần. Quy luật cung cầu mà".

Nhà văn Phong Điệp, báo Văn nghệ trẻ

Tuy có nhiều ý kiến khác nhau về tiềm năng của văn học mạng và giá trị blog, nhưng đa số đều đồng tình với ý kiến của nhà văn Đặng Thân: "Về giới sáng tác, hiện nay ở Việt Nam chỉ đang trong thời kì sơ khai, sử dụng mạng như một dạng máy đánh chữ và lưu trữ văn bản, chứ chưa tận dụng internet để làm phong phú hơn quá trình sáng tác và đọc bản thảo đó - như đặt link, hyperlink, giúp chuyển đến các đường dẫn tra cứu bằng âm thanh, hình ảnh, minh họa, liên tưởng khác..."

Đi xa hơn từ quan điểm này, đa số các ý kiến tại tọa đàm đều đồng tình với việc phát triển một thư viện điện tử tại Việt Nam. Như vậy vừa giúp giảm lượng gỗ sử dụng trong việc in sách, vừa giúp giảm không gian lưu trữ và mở thêm hướng đọc.

Văn chương mạng thực chất là gì?

Tiếp ý kiến của nhà văn Đặng Thân về việc lượng xuất bản sách chắc chắn sẽ giảm trong tương lai và thay thế bằng các hình thức điện tử - với dẫn chứng về lượng phát hành báo giấy tại các nước Châu Âu đã giảm 40% trong thời gian qua - giáo sư Vũ Thế Ngọc (hiện sinh sống tại Mỹ) chia sẻ quan điểm riêng của ông: "Báo giấy giảm vì đó là sản phẩm dạng thông tin - cần đọc nhanh, còn văn chương vốn không phải thông tin. Chủ đề "Từ blog đến sách" là hiện trạng chỉ có ở VN, không có trên thế giới. Tôi cho rằng có những điều chưa nói được, chưa xuất bản in ấn được mới dẫn đến việc tác giả phải xuất bản trên blog, trên mạng".

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng: "Blog là một dạng không gian sinh tồn mới, như vậy ở đây cũng tồn tại các hình thức thể hiện của tri thức như văn học, bản quyền hay phê bình... ". Ông bổ sung thêm:" Một trong những điểm khác biệt của việc sáng tác trên blog, là người sáng tác chưa hẳn nghĩ rằng những bản thảo này sẽ được in thành sách; vì vậy họ có thể viết được một cách thoải mái - giống như viết trong bóng tối. Điều đó đặt ngược lại một câu hỏi: Vậy những trang viết đó có phải là văn học không? Hay như một nhà nghiên cứu đã nói, đó là một thứ "khẩu văn", cận văn học?"

Buổi tọa đàm kết thúc trong sự mở rộng các quan điểm và góc nhìn, nhưng đồng thời cũng chưa thỏa mãn cho người nghe. Các chuyên gia hay học giả vẫn chưa thể thống nhất, khoanh vùng hay có một định dạng sát sườn nào cho văn học mạng hay văn học blog, hay là sự biến thể của nó trên trang sách....

Nhưng dù sáng tác và xuất bản trên bất kì hình thức nào - theo lời một độc giả nhận định -  thì "thời gian tích lũy của tác giả lên tác phẩm càng lâu dài, thì tác phẩm đó càng có giá trị". Và nhà văn Đặng Thiều Quang cho rằng "Dù sử dụng ebook, blog hay sách giấy, tác phẩm không thể chia sẻ đến độc giả, thì cũng là vô nghĩa."

  • Hồ Hương Giang - Ảnh: Angellittlefire