– Mua quyền phát sóng bộ phim Đấu Sĩ Thiên Vương từ một công ty nước ngoài với giá 39.000 USD. Tuy nhiên, sau đó công ty mới “ngã ngửa” rằng bộ phim trên đã được công ty khác cung cấp cho một số đài truyền hình phát sóng nên làm đơn khởi kiện ra tòa.
Chiều 13/3, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã mở phiên phúc thẩm xét xử vụ án tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến bản quyền phát sóng phim truyền hình.
Theo đó, nguyên đơn trong vụ kiện là Công ty cổ phần Thương mại sản xuất dịch vụ quảng cáo Ảnh Vương và bị đơn là Công ty TNHH – Dịch vụ quảng cáo Phượng Tùng.
Đòi bồi thường 736 triệu đồng
Theo bản án sơ thẩm, năm 2008, Công ty Ảnh Vương mua quyền phát sóng bộ phim Đấu Sĩ Thiên Vương – tên tiếng Anh là Mr.Fighting do một công ty ở Đài Loan sản xuất, cấp phép độc quyền phát hành, sao chép và phân phối trên lãnh thổ Việt Nam với giá 39.000 USD. Công ty Ảnh Vương đã xin giấy phép nhập khẩu văn hóa và làm thủ tục nhập khẩu phim theo quy định.
Tuy nhiên, sau khi mua bộ phim trên công ty Ảnh Vương không thể cung cấp cho các đài truyền hình để phát sóng vì phim đang được Công ty Phượng Tùng cung cấp cho các đài. Cho rằng công ty Phượng Tùng đã xâm phạm quyền phát sóng hợp pháp bộ phim của mình trên lãnh thổ Việt Nam nên công ty Ảnh Vương đã làm đơn khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại toàn bộ là 736 triệu đồng bao gồm tiền mua bản quyền phát sóng và tổn thất về cơ hội kinh doanh.
Chỉ có cơ sở chấp nhận 75 triệu đồng
Tại tòa, công ty Phượng Tùng xác nhận đã bán quyền phát sóng bộ phim trên cho năm đài thu được 345 triệu đồng. Tuy nhiên, phía bị đơn không chấp nhận bồi thường cho công ty Ảnh Vương vì cho rằng mình không phải là “bị đơn” trong vụ kiện.
Công ty Phượng Tùng lý giải: từ tháng 12/2007 công ty đã mua quyền phát sóng bộ phim từ Công ty xuất nhập khẩu phát hành phim Việt Nam (viết tắt là Fafilm Việt Nam). Theo bị đơn, Fafilm Việt Nam hợp tác nhập khẩu phim từ nước ngoài nên mọi trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm bản quyền thuộc Fafilm Việt Nam. Do đó, Fafilm Việt Nam mới là bị đơn của vụ án chứ không phải Phượng Tùng.
Với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, Công ty Fafilm Việt Nam thừa nhận mình cũng đã mua bản quyền bộ phim, làm hợp đồng bán lại cho Phượng Tùng với giá 135 triệu đồng. Fafilm đồng ý hủy hợp đồng bán phim cho Phượng Tùng, hoàn trả tiền để bị đơn lấy tiền bồi thường cho Ảnh Vương chứ không chấp nhận bồi thường thay.
Xử sơ thẩm, TAND TP.HCM nhận định qua những chứng cứ trong hồ sơ nhận thấy Công ty Ảnh Vương có quyền sử dụng bộ phim Đấu sỹ Thiên Vương, có bản quyền phát sóng... Việc Công ty Phượng Tùng không có bản quyền hợp pháp mà lại bán quyền phát sóng cho các đài truyền hình là xâm phạm quyền và lợi ích của nguyên đơn.
Thế nhưng, yêu cầu bồi thường 736 triệu đồng của phía nguyên đơn là không có căn cứ. Tòa nhận định phía nguyên đơn không chứng minh được thiệt hại cơ hội kinh doanh của mình cũng như mức giá chuyển nhượng 39.000 USD trong khi cả bị đơn và Fafilm đều khai mức giá trên không có thật nên chỉ có cơ sở chấp nhận giá chuyển nhượng bộ phim này bằng với mức giá mà Fafilm Việt Nam đã chuyển nhượng cho Phượng Tùng là 135 triệu đồng.
Việc công ty Phượng Tùng bán lại cho các đài truyền hình phát sóng dù vô tình nhưng vẫn có lỗi. Đối với phía nguyên đơn, trước khi mua phim đã không tìm hiểu kỹ thị trường nên cũng có một phần lỗi. Từ đó, HĐXX tuyên chấp nhận một phần yêu cầu bồi thường thiệt hại của phía nguyên đơn buộc Công ty Ảnh Vương phải bồi thường một phần thiệt hại là 75 triệu đồng.
M.Phượng