- "Văn hóa đọc" nghe chung chung, khó nắm bắt, nhưng trong những ngày này ở TP.HCM, người ta như "sờ" được nó.

Nơi có được cảm giác đó là ở Hội sách TP.HCM lần VII vừa mới khai mạc tại công viên Lê Văn Tám, với hơn 2 triệu bản sách của 200.000 tựa được tung ra.

Đông nghịt người đến Hội sách TP.HCM lần VII
Theo ban tổ chức, dự kiến mỗi ngày có khoảng 100.000 lượt người đến với hội sách. Thử nhìn một cách cơ học, trong một tuần diễn ra sự kiện, tất cả khách tham quan mỗi người đều phải mua 3 cuốn sách thì mới hết sách ở đây.

80.000 lượt người đổ xô đến trong ngày khai mạc, đẩy nhiều đầu sách vốn đã được quan tâm lên thành "best seller" (sách bán chạy). Những ngày cuối, số lượt khách sẽ còn kinh khủng hơn - nhìn từ các lần tổ chức trước, khi các đơn vị đồng loạt giảm giá bìa đến 70 - 80%.

Nếu đây là biểu hiện rõ ràng nhất của văn hóa đọc, thì nó không "đi xuống" như nhiều người vẫn quen miệng kêu ca, ít nhất là trong thời điểm này, tại hội sách này.

Không cổ vũ chuyện trộm sách, song giám đốc một nhà xuất bản lớn của TP.HCM nói ông thấy... vui khi ở hội sách lần trước, đơn vị ông đạt doanh thu hàng tỷ đồng và "chỉ" mất một lượng sách trị giá gần hai mươi triệu đồng.

Những cú đấm trong điệp trùng sách

Chỉ có một số nhà xuất bản làm ăn èo uột thường không mặn mà với hội sách vì không có sản phẩm gì đặc sắc để đem đến bán hay giao lưu. Còn thì đây đích thực là ngày hội của những đơn vị làm sách năng động, đặc biệt năm nay nổi lên hiện tượng công ty sách tư nhân tham gia với số lượng áp đảo đến 70 đơn vị.

Trong gian hàng trưng bày sách quý, hiếm, sách hay, đẹp
Từ nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng trước khi hội sách mở cửa, các nhà xuất bản, công ty sách đã lên kế hoạch thực hiện những xuất bản phẩm chủ lực của mình để chờ vào cuộc. Các đơn vị đều hiểu phải có những "cú đấm" thì mới không bị lẫn vào điệp trùng sách kia.

Cuốn sách mới của NXB Trẻ về đại tướng Võ Nguyên Giáp được in hạn chế 105 bản trên giấy dó Hà Nội, đựng trong hộp sơn mài Bình Dương, bọc ngoài bằng túi lụa Hà Nam do các nghệ nhân Hội An thực hiện, chính là một trong những điển hình cho sự chuẩn bị công phu để lôi cuốn người đọc và chơi sách.

Nỗ lực này được Phó chủ tịch UBND TP.HCM, ông Hứa Ngọc Thuận ghi nhận và đánh giá cao khi đến hội sách: "Các đơn vị đã đầu tư nhiều tâm sức để xuất bản nhiều tác phẩm hay, có giá trị để phục vụ độc giả, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, khơi nguồn tri thức, theo như chủ đề của hội sách - Sách - tri thức - hội nhập và phát triển".

Một tuần vui với sách

Dù có một loạt chương trình giao lưu tác giả, tác phẩm phải hủy vào giờ chót, song vẫn còn đến hàng chục hoạt động phong phú khác trải dài suốt một tuần. Theo Phó ban tổ chức, ông Nguyễn Minh Nhựt, các sự kiện mang tính tương tác này chính là những điểm nhấn để làm nên một hội sách, phân biệt với một chợ sách đơn thuần.

Công chúng xem lịch trình các hoạt động giao lưu
Trong tuần diễn ra hội sách, trùng hợp với những ngày các nhà quản lý trong lĩnh vực xuất bản, các nhà xuất bản, phát hành sách... đang tề tựu tại TP.HCM. Hàng trăm chức sắc trong ngành có mặt để dự các sự kiện liên tiếp như hội nghị tổng kết hoạt động xuất bản, góp ý luật xuất bản, họp bàn kế hoạch sản xuất lịch bloc.

Những bản hợp đồng bản quyền, hợp tác kinh doanh không cần chờ đến dịp này mới tiến hành, nhưng trong không khí và không gian tràn ngập sách và chuyện về sách, những cái bắt tay của người trong nghề được tiến hành nhanh chóng, thuận lợi hơn.

Không quá mơ mộng rằng hội sách cho thấy văn hóa đọc "đi lên", cũng như nghĩ ngợi quá xa xôi về quy mô một hội sách tầm quốc tế sau nhiều lần tổ chức thành công ở tầm quốc gia. Nhưng giữa bối cảnh vật giá leo thang, nhiều nhà tiết giảm chi phí, đáng để vui khi, dù chỉ một tuần, người ta đã quyết định chọn: sách.

Võ Tiến