-Người Việt hiện đang nhắc đến cụm từ "nhạc Hàn" với liên tưởng về thứ âm nhạc thuần giải trí và giản đơn, với các ca sĩ "trai xinh gái đẹp" và một lớp trẻ Việt đang yêu thích chúng đến mức người lớn không sao hiểu nổi.

TIN BÀI KHÁC
Giới trẻ phản biện Sát thủ đầu mưng mủ

Nhạc Pháp có "đắt hàng" như nhạc Hàn?

Âm nhạc Hàn Quốc hiện có những gì?

Hàn Quốc là một đất nước có các nghệ sĩ solo giỏi nhất nhì khu vực châu Á. Họ có các nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc cổ điển ở đẳng cấp thế giới, được đào tại Mỹ như Sarah Chang (violin), Hanna Chang (cello), Kyung Wa Chung (violin), Sumi Jo (ca sĩ opera từng đoạt giải Grammy). So với Trung Quốc hay Nhật Bản, Hàn Quốc thậm chí còn sở hữu nhiều ca sĩ tên tuổi, đẳng cấp cao, được các hãng đĩa tên tuổi (DG, EMI, DECCA,..) để ý và thu âm thường xuyên. 


Sarah Chang và Sumi Jo

Dành cho lớp khán giả yêu thích nhạc không lời, Hàn Quốc có Sung Ha Jung (sinh năm 1996) - được mệnh danh là thần đồng guitar, có Yiruma (sinh năm 1978) - nhà soạn nhạc và người biểu diễn piano nổi tiếng thế giới.

Dòng nhạc Underground tại Hàn chứng kiến một số đại diện có thực lực, như Epik High, Brave Girls. Trong khi đó âm nhạc đại chúng cũng phân loại khá rõ nhóm có giọng hát và nhóm thiên về phần nhìn. Sung Si-kyoung, Kim Tae Woo, Davichi, IU, Baek Ji Young... là những ca sĩ có tài năng xét trên cả lĩnh vực thu âm và biểu diễn. Đối với mỗi đại diện, mỗi ca sĩ, mỗi tác phẩm… cũng sẽ có riêng những khán giả của mình, trong đó có khán giả trẻ Việt Nam.

Yiruma với nhiều tác phẩm nổi tiếng và quen thuộc như "Kiss the rain" hay "River flows in you"

Khán giả Việt nghe nhạc Hàn, hay đang say sóng Hallyu?

Lê Quốc Vũ, nickname X-Nicky là một trong những hot blogger có tiếng nhất về âm nhạc USUK, cách đây vài năm cũng đã bắt đầu chuyển hướng nghe nhạc Hàn. Bản thân anh lúc đó đã ngạc nhiên với chính mình về khả năng chấp nhận được dòng nhạc này nếu so với định kiến anh đã có từ trước đó. Nguyễn Quang Phong, nickname Kod Vipon - biên tập viên âm nhạc có 10 năm kinh nghiệm tại một tờ báo về giới trẻ, cũng nghe thêm nhạc Hàn bên cạnh USUK từ năm 2006. Một bạn trẻ khác nghe rock lâu năm thì nhận xét về K-pop với cả ưu và khuyết điểm: "Có cái hay, có cái dở. Phần nhạc phim làm khá tốt; nhẹ nhàng, sâu lắng và đi vào lòng người ".

Sung Si-kyoung, nam ca sĩ có chất giọng đẹp

Tuy nhiên, quan sát dưới một góc nhìn tỉnh táo, cái được gọi là làn sóng Hallyu hiện nay chủ yếu đã không được tạo ra bởi những thực tài âm nhạc mang tầm vóc Châu Á. Nhìn tổng quan về âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung, Hàn Quốc bình đẳng với Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Việt Nam.

Làn sóng Hallyu thực chất là một cơn sốt tiêu thụ được đẩy đi từ những nhà nghiên cứu hành vi, tâm lý và bởi những ông trùm giải trí đứng đằng sau các tập đoàn: YG, SM, YJP..., thông qua các con bài như Super Juinor, DBSK, SNSD, 2PM, Big Bang, Wonder Girls...

Nhóm SNSD - một trong những nhân tố của làn sóng Hallyu thế hệ thứ 3 - sau cơn sốt điện ảnh Hàn cuối thập niên 90.

Không chỉ chi những khoản tiền cực lớn và dài hạn cho sự chuyên nghiệp, đồng nhất từ khâu sản xuất âm nhạc, hình thức biểu diễn, tính cách, ngoại hình ca sĩ..., các nhà đầu tư còn có nhiều chuyện phải làm với các gameshow liên kết với đài truyền hình, các bộ phim âm nhạc hay một hình ảnh nhỏ nhoi khi ca sĩ xuất hiện trước đám đông. Chừng nào đám đông còn mang lại lợi nhuận khổng lồ, chừng đó đám đông sẽ còn nhận được nhiều chiêu trò tiếp thị PR trước khi tiếp cận và hiểu đúng giá trị thực của sản phẩm, giữa trăm ngàn sản phẩm khác có giá trị nhiều hơn trên thế giới.

Với những người nghe nhạc, sự mở rộng xu hướng và dòng nhạc là một điều không tránh khỏi. Họ khát khao được nghe những thứ âm nhạc mới, cũng ngang bằng việc trung thành với sở thích cá nhân và chốt cho mình một gu nghe nhất định không lâu sau đó. Dần dần, bản thân những người nghe nhạc sẽ tự mình phân loại ca sĩ và tác phẩm yêu thích trong một tập con nhất định - dù cho tập con đó có thể có tên gọi "nhạc Hàn".

Hồ Hương Giang