Dĩ nhiên, người ta thường nỗ lực nối dài những vở diễn ăn khách để giải quyết bài toán doanh thu. Nhưng nếu lấy đó làm mục tiêu duy nhất, thì hẳn đạo diễn Ái Như và cộng sự viết chung kịch bản với chị là NSƯT Thành Hội (dưới bút danh chung Hoàng Thái Thanh) đã không thể có một chùm kịch ba tập hoàn chỉnh đến vậy.
NSƯT Thành Hội (vai Thôi Ứng) và NSƯT Kim Xuân (vai Nguyễn Thị Nhớ) trong tập ba “Cảm ơn mình đã yêu em” |
Tính thù ghét phụ nữ được hài hước cường điệu qua cách ông lập ra những quy tắc buộc cha mình là Thôi Ứng (NSƯT Thành Hội) và con mình là Thôi Liệt (Thế Hải) không được nhắc đến phụ nữ trong nhà. Cho đến một ngày, cô giáo Nguyễn Thị Bích Hồng (Hồng Ánh) bước vào cuộc đời ông đánh thức những yêu thương đã ngủ yên.
Vẫn ngôi nhà và những con người bình dị ấy, câu chuyện ở tập thứ hai “Màu của tình yêu” buộc hai nhân vật chính đối diện với quá khứ vẫn còn những vết thương chưa lành khi người vợ cũ cùng tên Bích Hồng (Tuyết Thu) trở về trong mưu tính hàn gắn lại mối quan hệ với Hồng Phấn, vì nay ông đã giàu có. Tình yêu chung thủy một lần nữa đưa họ vượt qua cơn sóng của sự hoài nghi, hiểu lầm.
Ái Như (vai bác sĩ Tường) trong “Cảm ơn mình đã yêu em” |
Thời lượng của ba tập cộng lại phải đến hơn tám giờ đồng hồ - quãng thời gian quá dài nếu vở kịch của bạn không đủ hay. Nhưng những gì diễn ra trong đêm công diễn tập cuối có tên “Cảm ơn mình đã yêu em” vào tối ngày 30/3 cho thấy, loạt kịch vẫn đủ sức lấy nước mắt khán giả đến…phút chót. Dù 5 năm trước, nhiều người đã từng biết câu chuyện xen lẫn giữa bi kịch và hài hước này trên sân khấu kịch Idecaf, nay được chính tay đạo diễn tái dựng trong không gian mới với những nhân dáng mới.
Quãng thời gian ấy cũng đủ dài để người ta khoác lên tầm vóc sử thi cho tác phẩm. Nhưng điều ngạc nhiên là “Thử yêu lần nữa” lay động cảm xúc khán giả chỉ bằng những điều nhỏ bé, bình dị, không xa hơn số phận của ba người đàn ông trong gia đình Thôi Hồng Phấn và ba người phụ nữ của đời họ.
\NSƯT Kim Xuân, Trí Quang và Hồng Ánh |
Thật khó có thể tưởng tượng vở kịch sẽ ra sao nếu thiếu một trong số những ngôi sao đã làm nên vở diễn, bởi cách mà họ đã sống và trở thành nhân vật trên sân khấu, từ NSƯT Kim Xuân, NSƯT Thành Hội cho đến Hồng Ánh, Trí Quang, Ái Như. Vai diễn của họ là minh chứng một diễn viên tài năng vẫn có thể làm ra được nét riêng khi khắc họa những tính cách gần gũi đời thường, mà không cần đó phải là nhân vật điển hình hay số phận đặc biệt.
Có điều tiếc chăng ở loạt kịch này là sự phát triển chưa thật rõ nét của tuyến nhân vật phụ ở các tập tiếp theo, dù tập đầu tiên đã kiểm soát rất tốt yếu tố này. Nhưng trên tất cả, loạt kịch này vẫn đánh dấu một cột mốc mới của sân khấu Việt, rất khó có thể lập lại được thành công tương tự, để khán giả còn có dịp đi xem kịch là để được gặp lại những nhân vật thân quen trong những câu chuyện mới.
Bài, ảnh Minh Chánh