- Hình ảnh người mẫu Thanh Hằng hút thuốc điệu nghệ trong chương trình thời trang Elle Fashion show xuân hè 2012 tối 8/4 tại TP.HCM vừa qua đã gây ra những tranh cãi.

Thanh Hằng rít thuốc trên sàn thời trang

Trong chương trình thời trang nói trên, Thanh Hằng được xếp trình diễn ở vị trí vedette, tức người biểu diễn cuối cùng, "chốt" trong dàn người mẫu thể hiện bộ sưu tập của nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường. Xuất hiện trong bộ váy ren đen gợi cảm, Thanh Hằng sử dụng đạo cụ là một điếu thuốc với hai lần hút và nhả khói điệu nghệ ngay trên sàn catwalk.


Thanh Hằng hút thuốc trước nhiều ánh mắt ngạc nhiên của khán giả

Được biết, đây là ý tưởng để thể hiện hình ảnh một cô gái đẹp bị phụ tình, bất cần đời tìm đến làn khói trắng, nhằm nhấn mạnh bộ trang phục mà Thanh Hằng đang mặc. Tuy nhiên, giây phút điếu thuốc tỏa khói trên tay một phụ nữ, lại là người mẫu nổi tiếng giữa đêm thời trang, đã gây ra những ý kiến tranh cãi.

Hình ảnh nghệ sĩ nhả khói trong một chương trình nghệ thuật, được cho là sẽ tác động không hay đến khán giả, đặc biệt là những người trẻ vốn chưa hoàn thiện về năng lực điều chỉnh hành vi của bản thân. Song ở phía ngược lại, quan điểm ủng hộ cho rằng việc dùng đạo cụ để nhấn mạnh ý đồ muốn nói và sáng tạo trong nghệ thuật như thế có thể chấp nhận được.

Điều đáng lưu ý, trong buổi phúc khảo chương trình, người mẫu Thanh Hằng không dùng đạo cụ này để biểu diễn. Cơ quan quản lý chỉ biết vụ việc sau khi truyền thông đăng tải hình ảnh Thanh Hằng hút thuốc.

Ông Võ Trọng Nam, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch TP.HCM, đơn vị cấp phép, duyệt chương trình Elle Fashion show xuân hè 2012, cho biết: "Chúng tôi đã chỉ đạo Phòng quản lý nghệ thuật của Sở yêu cầu ban tổ chức chương trình này giải trình".

Phạt hay nhắc nhở?

Đạo cụ Thanh Hằng sử dụng là một điếu thuốc điện tử (e-cigarette), không phải thuốc lá thật. Thuốc điện tử vẫn chứa một ít chất nicotine, và khán giả không phải ai cũng biết đó là thuốc điện tử. Hơn nữa, công chúng cũng không cần phân biệt, chỉ biết đó là hình ảnh thuốc lá.


Điếu thuốc điện tử trên tay người mẫu có chứa nicotine và phả khói như thuốc lá thật

Nghị định 75/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa, có điều 16 về việc phạt tiền "vi phạm các quy định về biểu diễn nghệ thuật và trình diễn thời trang" nhưng không thấy khoản nào điều chỉnh hành vi "người mẫu hút thuốc" này.

Tuy nhiên, điều 32 về việc "vi phạm các quy định về quảng cáo trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, thời trang...", có khoản 2 quy định "phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc loại cấm quảng cáo trong chương trình biểu diễn nghệ thuật, thời trang...".

Thuốc lá thuộc danh mục hàng hóa cấm quảng cáo, việc Thanh Hằng hút thuốc trong lúc trình diễn thời trang có phải là hành vi quảng cáo hay không, cần cơ quan chức năng thẩm định. Nhưng dù thế nào, hình ảnh người đẹp nhả khói trên sân khấu thời trang là chuyện khá hy hữu, vừa gây lúng túng trong việc xử lý, vừa có thể tạo tiền lệ không hay về chuyện đưa hàng hóa cấm quảng cáo vào nghệ thuật biểu diễn.

Chưa có quyết định chính thức cuối cùng về vụ việc, song ông Võ Trọng Nam cũng nêu quan điểm: "Chúng tôi luôn ủng hộ việc phê bình, góp ý về vai trò, trách nhiệm của người nghệ sĩ đối với cộng đồng, xử phạt những việc làm trái quy định pháp luật. Tuy nhiên, tùy mức độ, có việc chỉ cần phê phán, nhắc nhở, chứ không xử lý phạt tiền, nhưng có những vụ việc phải phạt thẳng thừng đến nơi đến chốn, chẳng hạn như ăn mặc hở hang".

Một số nhà làm phim Việt Nam gần đây đã rất chú ý trong việc hình ảnh bộ phim của mình có thể tạo ấn tượng về mặt thị giác đến mức tác động vào ý thức, hành vi của một bộ phận khán giả, nên đã đưa khuyến cáo ở cuối phim rằng hình ảnh hút thuốc lá trong phim nhằm phục vụ nội dung câu chuyện, không khuyến khích người xem làm theo. Hẳn nghệ sĩ nào cũng hiểu, làm nghệ thuật chắc chắn là để nhằm gửi gắm điều hay, cái đẹp, góp phần giúp người ta hành xử đẹp, sống tốt, từ bất cứ lĩnh vực nào, dù điện ảnh, sân khấu, ca nhạc hay thời trang.

Một báo cáo của Trung tâm nghiên cứu kiểm soát thuốc lá Anh cho biết, 75% trẻ em dưới 15 tuổi xem phim có cảnh hút thuốc đã tập hút thuốc theo. Báo cáo từ trường đại học Bristol, Anh cho thấy những bằng chứng về việc tăng nguy cơ hút thuốc ở những thiếu niên xem phim có cảnh các ngôi sao nhả khói. Khảo sát trong 11.000 học sinh ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hãng Tân Hoa xã thu được kết quả 33% số học sinh muốn tập hút thuốc sau khi xem diễn viên "phì phèo".

Các nhà hoạt động xã hội cho rằng cần phải kiểm soát hình ảnh hút thuốc không chỉ trong điện ảnh mà cả trên truyền hình, internet, báo chí... Cơ quan kiểm duyệt Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm tiệt các nhãn hiệu thuốc lá xuất hiện trên phim, cấm tuyệt đối hình ảnh diễn viên vị thành niên có mặt trong các cảnh quay có người đốt thuốc, và hạn chế tối đa cảnh nhân vật hút thuốc.

Võ Tiến