- Bảy bảo tàng của TP.HCM có tổng lượt khách đạt gần 2,5 triệu người trong năm ngoái nhưng cách làm bảo tàng phần lớn bị chê quan liêu, lạc hậu và cũ kỹ.
Bảy bảo tàng đang thuộc phạm vi quản lý của thành phố, bao gồm: Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM, Bảo tàng Lịch sử VN – TP.HCM, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, Bảo tàng TP.HCM, Bảo tàng Tôn Đức Thắng. Các địa điểm còn lại gồm Bảo tàng Lực lượng Vũ trang miền Đông Nam bộ, Bảo tàng địa chất TP.HCM, Di tích Dinh độc lập và Di tích địa đạo Củ Chi, trực thuộc Bộ quốc phòng, Quân khu 7 và ngành địa chất. Chúng lưu giữ quá khứ của riêng TP.HCM, không nằm ngoài lịch sử chung của miền Nam và của đất nước.

Bảo tàng Chứng tích chiến tranh có nhiều hiện vật hấp dẫn du khách

Khách chọn xem ký ức chiến tranh

Con số thống kê của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP.HCM cho thấy khách đến các bảo tàng tăng đều qua mỗi năm nhờ các hoạt động đem tư liệu, hiện vật đi triển lãm lưu động; thường xuyên tổ chức các sự kiện tại bảo tàng; và bổ sung danh mục hiện vật lưu trữ…

Lượng khách tăng nhưng phân bổ không đều, làm lộ rõ diện mạo “nơi đông vui tấp nập, chỗ vắng như chùa bà Đanh”. Những chứng tích tố cáo tội ác chiến tranh của thực dân và đế quốc, từ chiếc máy chém, bom đạn, xe tăng, đến đoạn ống cống từng là chỗ ẩn nấp của nạn nhân thảm sát, chuồng cọp biệt giam chiến sĩ cách mạng…đã trở thành mảng ký ức sống động, được người dân và du khách chọn xem nhiều nhất trong những năm qua tại TP.HCM. Cụ thể, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh thu hút được hơn 674 ngàn lượt khách (trong đó có 463 lượt là người nước ngoài) đến tham quan chỉ trong năm 2011.

Trong khi đó, nhiều bảo tàng chỉ thu hút được vài chục ngàn khách trong cả năm, chủ yếu là các đoàn học sinh được nhà trường tổ chức đi tham quan. Tình thế buộc các bảo tàng này “di động” đến các khu công nghiệp, trung tâm văn hóa, trường học…để tìm khách. Nếu năm 2009, bảy bảo tàng của thành phố chỉ tổ chức 87 cuộc triển lãm lưu động thì năm 2011 là 119 cuộc, thu hút gần 500 ngàn người.

Một nỗ lực khác nằm trong xu hướng các bảo tàng chuyển mình đi tìm khách chứ không còn thụ động ngồi chờ, đó là việc xây dựng được hệ thống trang web liên kết thành mạng lưới các bảo tàng tại TP.HCM. Cũng như, tổ chức lại hệ thống thông tin, tờ rơi giới thiệu, hướng dẫn thông tin, quảng bá ngay tại bảo tàng.

Một buổi triển lãm lưu động của Bảo tàng Lịch sử VN chi nhánh TP.HCM tại Cần Thơ

Bảo tàng hay nhà triển lãm?

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, những người làm du lịch tin rằng lượng khách đến bảo tàng tại TP.HCM tăng đều qua hàng năm là do lượng khách du lịch đến thành phố năm sau đông hơn năm trước. Và nếu có ý muốn tìm hiểu văn hóa – lịch sử của thành phố, du khách không còn lựa chọn nào khác ngoài bảo tàng. Trong lúc, các điểm biểu diễn nghệ thuật dân tộc dành cho du khách còn ít ỏi và manh mún.

Họ có lý do để tin như vậy. Trước khi đưa ra kết luận hệ thống bảo tàng của thành phố “cũ và già nua”, ông Nguyễn Văn Mỹ - giám đốc Công ty dã ngoại Lửa Việt dẫn chứng: “Nếu tư nhân máu me đi lùng sục cổ vật, sẵn sàng bỏ tiền tỷ ra mua để làm thành những bộ sưu tập cực kỳ khủng khiếp, thì các bảo tàng kẹt cứng trong cơ chế trình mua và giám định cổ vật. Kết quả là hiện vật ở bảo tàng nghèo nàn, nhiều nơi chỉ toàn đồ phục chế. Theo ông, đó là bi kịch nguy hiểm và để giải được bài toán này về lâu dài, ngành bảo tàng phải thay đổi cách nghĩ, cách làm bảo tàng.

Hơn nữa, với cách trình bày hiện vật đơn điệu, khô cứng, mang nặng ý đồ của người làm bảo tàng như hiện nay, chúng ta “không có bảo tàng đúng nghĩa mà chỉ có những nhà trưng bày”. Trong khi đó, các nước trên thế giới có cách làm rất nhẹ nhàng và sinh động. Chẳng hạn như một bảo tàng ở Dubai chọn cách tái hiện một lò rèn truyền thống bằng hệ thống chiếu sáng tổng thể để tạo nên hình ảnh 3D kết hợp với âm thanh.

Chỉ giới thiệu được “phần xác” của hiện vật 

“Đi khá nhiều bảo tàng ở Tp.HCM, tôi nhận thấy hiện nay các bảo tàng còn khá đơn điệu trong hình thức trưng bày các hiện vật, hình ảnh. Các tủ giá kệ giống nhau, mẫu trưng bày giống nhau, cách sắp xếp giống nhau. Đồng thời, có nhiều hình ảnh, hiện vật được trình bày đồng thời ở nhiều bảo tàng. Vì vậy, dễ tạo cho khách xem cảm giác nhàm chán, quen thuộc. Một điều nữa, hình ảnh, hiện vật ở các bảo tàng đa số trình bày phần xác chứ thật sự thể hiện cái hồn của tư liệu. Những dòng giới thiệu, chú thích chủ yếu cho biết tên, chứ chưa nói hết được ý nghĩa lịch sử, công dụng của các hiện vật đó. Giá như những dòng chú thích kỹ và sâu thêm nữa, và có các thước phim để minh họa sinh động thì sẽ hấp dẫn rất nhiều đối với người xem”, Phượng Huỳnh, phường Bến Nghé, Quận 1. TP.HCM.

Một góc bảo tàng làm giới thiệu dịch vụ đám cưới và sản phẩm y dược

Sức ỳ quan liêu và sức ép cuộc sống

Không chỉ đứng trước áp lực về nhiệm vụ lưu giữ những giá trị văn hóa – lịch sử ở dạng hiện vật, nhiệm vụ thu hút khách tham quan để đạt mục tiêu giáo dục và quảng bá, các bảo tàng còn phải đối diện với chính…cuộc sống cơm áo của cán bộ nhân viên.

Nếu như những người làm trong ngành du lịch luôn sẵn sàng hoạt động 24/24 để phục vụ tối đa mọi nhu cầu của du khách; thì ngược lại, những người làm bảo tàng cương quyết tổ chức tham quan theo…giờ hành chính.

Những cuộc sống cơm áo đang buộc nhiều bảo tàng phải có thêm nguồn thu khác, bên cạnh vốn ngân sách Nhà nước rót về hàng năm, để lo cho cán bộ nhân viên thường không vừa lòng với mức lương Nhà nước. Sẵn vị trí tọa lạc ở những góc đường, mặt phố đẹp nhất nhì thành phố, nhiều bảo tàng mạnh dạn “xé rào” cho thuê mặt bằng mở quán cà phê, tiệm chụp hình, cửa hàng cây cảnh hoặc làm đám cưới, tổ chức hội nghị, giữ xe.... Sự việc diễn ra nhiều năm trước khi Luật Di sản văn hóa sửa đổi và bổ sung 2009 chính thức hợp pháp hóa việc làm dịch vụ của bảo tàng.

Ranh giới giữa dịch vụ phù hợp và không phù hợp đến nay vẫn còn nhập nhèm khiến nhiều bảo tàng vẫn đang cố gắng “chèn vét các ngóc ngách, xó xỉnh nào đó để kiếm thêm ít tiền”, như ý kiến nêu trong một cuộc hội thảo về chuyện bảo tàng làm dịch vụ.


Khải Trí