- “Tôi không đòi hỏi mình phải sang, không thể nào sến. Người ta đến với nhau qua âm nhạc, tất nhiên, cũng chẳng vì sến hay sang”, nam ca sĩ Quang Lê.

 

Sau hơn 10 năm đi hát ở xứ người, Quang Lê – giọng ca nam nổi tiếng nhất nhì của dòng nhạc trữ tình quê hương hiện nay chính thức trở về để có những hoạt động âm nhạc thường xuyên hơn ở trong nước. Dưới đây là trò chuyện của anh với phóng viên VietNamNet.

 

Sinh năm 1980, Quang Lê được xem là  một trong những ca sĩ trẻ thành công với dòng nhạc bolero và trữ tình quê hương).

 

“Tôi không đòi hỏi mình phải sang”

 

Hơn 10 năm ca hát, anh vẫn gắn bó với dòng nhạc bolero trữ tình. Vì sao thế?

 

Đối với tôi, âm nhạc bolero là một sở thích ngay từ nhỏ. Khi ra nước ngoài định cư với gia đình, bolero làm tôi có cảm giác đang mang quê hương theo bên mình. Mỗi lần hát, tôi lại nhớ về quê hương nhiều hơn, cũng như sống lại những hình ảnh quê hương trong ký ức. Có lẽ vì vậy mà nhiều người Việt ở nước ngoài thích nghe tôi hát và tìm thấy quê hương đằng sau giọng hát của tôi.

 

Một người trẻ hát bolero như anh không sợ bị nói là “sến” ư?

 

Tôi nghĩ âm nhạc là cảm nhận riêng của mỗi người. Có người thích giai điệu này, có người lại thích giai điệu kia. Đối với tôi, “sến” chỉ là một ngôn từ nhân gian thôi, chẳng ảnh hưởng gì đến âm nhạc cả. Nếu người ta thấy âm nhạc của tôi dễ chịu và gọi tên nó là “sến” thì họ cứ gọi. Đối với tôi không có vấn đề gì, gọi thế nào cũng được. Sến hay sang đối với tôi không quan trọng. Điều làm tôi vui là âm nhạc được số đông đón nhận và đi vào lòng người. Tôi không đòi hỏi mình phải sang, không thể nào sến. Người ta đến với nhau qua âm nhạc tất nhiên cũng chẳng vì sến hay sang cả.

 

Nhiều bạn trẻ thích chọn nhạc trẻ để bước vào nghiệp hát, sao anh lại không làm thế?

 

Tại tôi hát nhạc trẻ không được (cười). Nói vậy cũng chưa hẳn, mà là tôi hát nhạc trẻ không hay và không hợp. Bolero là đam mê từ nhỏ. Tôi quý trọng nhiều tiếng hát của các nghệ sĩ dòng bolero ngày xưa, học hỏi ở họ cách xử lý bài. Nói về bí kíp thì nhiều kỹ thuật lắm, mà không thể nào tôi trả lời qua một bài phỏng vấn được. Nhưng một bài bolero phải làm khán giả cảm nhận, thấy được hình ảnh trong từng câu hát. Muốn vậy, ca sĩ phải luyện tập, sáng tạo cách xử lý. Nếu hát qua loa thì không thể làm được.

 

Hơn 10 năm đi hát của Quang Lê “chưa lúc nào là im lặng”

 

Anh nghĩ sao nếu một ngày sẽ chẳng còn ai nghe dòng nhạc của anh, mà chuyển sang nghe rock, rap, hiphop chẳng hạn?

 

Tôi không nghĩ một ngày nào đó sẽ không còn ai nghe bolero của tôi, cũng như không còn ai nghe những dòng nhạc khác. Tôi nhận thấy nhiều ca khúc thuộc các dòng nhạc thuộc dòng hiện đại như rock, rap, hiphop…sống được vài năm thì tắt lịm, không còn thấy ai tìm đến cả ca lại. Trong khi nhiều bài bolero mà tôi hát ra đời đã hơn 60 năm. Hay những bài có tuổi thọ trên 30 năm như Đập vỡ cây đàn mà tôi hát lại vẫn tạo được sức nóng ở các bạn rẻ bây giờ. Hoặc bài “Gõ cửa trái tim”, chắc tuổi thọ của nó còn lớn hơn tuổi của tôi và các bạn trẻ đang nghe tiếng hát của tôi.

 

Âm nhạc như món ăn không thể ép

 

Sức nóng của một ngôi sao dòng bolero có vẻ như không bằng các “sao” của dòng nhạc pop, anh có thấy thế không?

 

Thực sự thì trên các diễn đàn, thông tin trên mạng, báo chí luôn cập nhật thông tin về tôi. Quá trình từ khi tôi đi hát đến giờ chưa lúc nào là im lặng cả. Lúc thì là tin đồn cưới Mai Thiên Vân, khi khác lại là một bài mới rất “hot”. Điều quan trọng không phải là bạn hát dòng nhạc nào, mà là bạn có tìm được một chỗ đứng trong lòng khán giả hay không.

 

Quang Lê và Lệ Quyên gần đây có nhiều hợp tác hát đôi

 

Hơn 20 năm sống ở Mỹ, làm cách nào anh vẫn nói và viết được tiếng Việt rành mạch như thế?

 

Tôi ở bên Mỹ nhưng lại mê nước mắm và món ăn Việt Nam. Tôi mê cả tiếng Việt nên tôi bỏ thời gian cho việc tập đọc, tập viết tiếng Việt. Tôi cố gắng giữ cho mình nói bằng tiếng Việt, nghe nhạc Việt. Thậm chí là nghe những đĩa nhạc xưa cũ của các danh ca VN. Đó là lý do tôi không thấy xấu hổ khi về quê hương, nói tiếng Việt giỏi không thua ai dù xa quê đã 20 năm.

 

Điều gì làm anh quyết định trở về VN? Có phải anh đang cần đi tìm khán giả cho mình?

 

Tôi nghĩ mình là người VN, đã sinh ra và trải qua thời thơ ấu ở VN, năm 10 tuổi theo gia đình sang Mỹ định cư, đoàn tụ với gia đình. Tôi vẫn mang tâm trạng của một người con xa xứ. Sau khi đi hát và tiếng hát của mình thành công ở xứ người và bay về quê hương, tôi quyết định về lại quê hương để sinh hoạt âm nhạc, có nhiều tác phẩm phục vụ khán giả quê nhà. Tôi cảm thấy tự hào khi mình là người VN, hát và sống trên chính quê hương mình mà tôi không cảm thấy bị lạc loài.

 

Thực sự tôi không tìm khán giả, mình tìm đến mà họ không thích mình thì cũng vậy thôi. Những người yêu quý sẽ tự tìm đến mình và kể cho người khác cùng nghe. Tôi nghĩ âm nhạc như một món ăn, nếu bạn không thích thì không ai có thể ép bạn ăn cả. Để có thành quả trong hơn 10 năm qua, tôi nghĩ mình không có quyền chọn lựa khán giả, mà khán giả đã chọn tôi.

 

Minh Chánh thực hiện