- Một tháng sau khi Hội sách TP.HCM lần 7 kết thúc, Ngày hội sách và văn hóa đọc 2012 đã được tổ chức tiếp tại Hà Nội. Văn hóa đọc đã tỉnh giấc, hay vẫn phải "đánh thức" văn hóa đọc bằng các hoạt động như thế này?


Ngoài việc Bộ GD&ĐT đề nghị các trường học tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày Sách và bản quyền thế giới 23/4 - cũng là cái cớ để tổ chức Ngày hội sách và văn hóa đọc, thì một điều "lạ" là người ta huy động sinh viên học sinh đến Văn miếu Quốc tử giám để tham gia.

Đọc sách hay tham dự hội sách, là nhu cầu tự thân và tự do, sao lại phải huy động? Vì thiếu thông tin, sinh viên học sinh không biết nên phải "dắt" đi, vì "chúng nó" lười đọc nên phải mang "ném" vào hội sách, hay vì phong trào, thành tích nào đó? Đi hội sách mà các trường đăng ký cụ thể cả số lượng người, chẳng biết có nên vui.

Hội sách TP.HCM vừa qua, chẳng cần phải mời chào, chưa nói đến chuyện hô hào phải đi, người ta vẫn kéo đến điểm tổ chức ở công viên Lê Văn Tám nườm nượp (ngày đông nhất lên đến 150.000 lượt người). Hội sách có bị chỉ trích nghiêng về "chợ sách", nhưng nhà tổ chức và các đơn vị tham gia chọn cảnh mua bán sách nhộn nhịp, hay cảnh sinh viên học sinh đông thì rất đông, hầu hết đến chỉ để tham quan cho xong rồi về?

Đây là một trong những biểu hiện cho thấy sự khác biệt trong cách "đối xử" với sách, rộng hơn là chuyện văn hóa đọc giữa các địa phương, vùng miền. Thị dân Sài Gòn - TP.HCM vẫn được xem là sống nhanh, giỏi làm ăn kinh doanh, thường sẽ lướt qua những yếu tố làm người ta phải chậm lại, như sách. Song, 4,8 triệu bản sách bán ra tại hội sách lần 7 vừa qua, ít nhiều nói rằng, "sự thật" không đến như thế.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trung cho rằng: "Đọc sách là con đường ngắn nhất đi tới hiểu biết cuộc sống đang ngày càng mở rộng với vận tốc ngày càng nhanh. Đọc sách sẽ giúp mình được rảnh rỗi hơn nhiều trong công việc, bình tĩnh hơn nhiều trong cuộc đời. Càng nhiều tuổi, tôi càng thấm thía: càng bận bịu, bức xúc bao nhiêu, thì càng phải cố tìm chọn sách mà đọc bấy nhiêu".

Góc nhìn của nhà nghiên cứu Nguyễn Trung lý giải phần nào việc những người bận rộn, luôn thiếu thời gian, lại là những người cần tìm đến sách, hơn cả người rỗi rãi. Đó cũng là một giải đáp cho hiện tượng người Sài Gòn đổ xô đi hội sách khuân sách về nhà, khi không có hội sách thì các nhà sách trong thành phố sẽ là điểm đến đông đảo cuối tuần.


Tuy nhiên, trên bình diện chung, văn hóa đọc của người Việt vẫn là câu chuyện dài, bởi rất khó có thống kê hay điều tra xã hội học bao quát nào để dẫn đến kết luận đáng tin rằng mặt mũi "nó" trông ra sao, đi lên hay đi xuống. Chưa ai mạnh dạn khẳng định văn hóa đọc đi lên, nhưng như nhiều người than phiền lâu nay rằng văn hóa đọc đi xuống, thì dễ suy diễn từng một thời văn hóa đọc của chúng ta có "đỉnh"?

Theo Cục xuất bản, năm 2011 toàn ngành xuất bản hơn 27.000 đầu sách, với gần 294 triệu bản sách, tăng lần lượt so với năm 2010 là 7% và 6%. Tuy lợi nhuận chung giảm 10% so với năm trước, song một nửa danh sách 64 nhà xuất bản trên cả nước đạt lợi nhuận trên 100 triệu đồng, 6 đơn vị có lợi nhuận trên 1 tỷ đồng. Ngay ở con số thống kê chính thức, không kể thêm lượng bản in "ngoài luồng", cũng đã cho thấy người ta dù chưa biết có đọc nhiều hơn không, nhưng rõ ràng mua sách nhiều hơn.

Nhiều người, kể cả những nhà nghiên cứu tại các cuộc hội thảo về đề tài này, khẳng định văn hóa đọc đi xuống trong cái nhìn so sánh với các loại hình giải trí khác như điện ảnh, âm nhạc, truyền hình... Bản thân văn hóa đọc có "nhúc nhích" dù là cơ học qua các con số, song đem đặt bên cạnh tốc độ bùng nổ của các lĩnh vực vừa kể, thì thành ra nó lại đứng yên, thậm chí, dường như thụt lùi.

Người dân, đặc biệt là thị dân, đang sống gấp, thiếu cả thời gian để ăn uống, nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng, nên thường quên luôn khoảng lặng dành cho sách. Người có thời gian hơn, lại chọn những món "fast food" như một bộ phim giải trí, chương trình ca nhạc, xem để thư giãn xong quên hết, chứ hiếm khi cầm "tập giấy đầy chữ" lên đọc. Nhưng từ đó khẳng định người Việt không thích đọc sách hay văn hóa đọc đi xuống, thì chưa được.

Cũng như, không thể liên kết hình ảnh dân Âu - Mỹ đọc sách bất kỳ nơi đâu, sân bay, ga tàu, trên xe, dưới thuyền, với hình ảnh dân ta ở cùng địa điểm song chỉ ngồi lơ đãng, ngáp vặt hoặc cùng lắm là đọc báo, để nói rằng người Việt không mê sách. Hai hình ảnh khác nhau đó là hệ quả của nhiều yếu tố cấu thành như điều kiện sống, văn hóa... Khi không cùng hệ quy chiếu, trình độ phát triển kinh tế xã hội, thì chỉ nên lấy làm ví dụ để tham khảo, còn so sánh sẽ khập khiễng.

Giảng viên Phạm Xuân Thạch của trường ĐH KHXH&NV Hà Nội trong một hội thảo về văn hóa đọc tại TP.HCM, đã nêu quan điểm: "Sự khác biệt về khí hậu, nếp sống và văn hóa khiến thói quen đọc sách của các dân tộc khác nhau cũng khác nhau. Khó có thể lấy những kinh nghiệm đó để đưa ra những kết luận".

Võ Tiến