- Triển lãm ảnh "Việt Nam - bài ca chiến thắng" nhân kỷ niệm 37 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nướ vừa khai mạc tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM hôm 21/4.

Triển lãm do Thông tấn xã Việt Nam và Hội trường Thống Nhất phối hợp tổ chức, trưng bày 150 ảnh theo hai nội dung chính: hình ảnh về chiến tranh Việt Nam giai đoạn 1965 - 1975 thể hiện cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, và hình ảnh thiên nhiên, con người, thành tựu trong giai đoạn xây dựng phát triển thời bình.


Xe tăng quân giải phóng đánh chiếm phủ tổng thống ngụy lúc 9g30 ngày 30/4/1975

Các hình ảnh về chiến tranh chủ yếu tái hiện các sự kiện: miền Nam anh dũng kháng chiến, xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, miền Bắc kiên cường chống Mỹ leo thang chiến tranh, cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 và niềm vui chiến thắng của quân dân trong những ngày đầu tiên đất nước hòa bình, thống nhất.

Đây là những tư liệu hết sức quý giá được các tác giả tiêu biểu cho một thế hệ phóng viên - chiến sĩ của TTXVN, đã hy sinh tuổi xuân và cả máu xương để thực hiện trên khắp các chiến trường.


Quân giải phóng đánh sân bay Tân Sơn Nhất ngày 30/4/1975. Ảnh: Đinh Quang Thành

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhiều tay máy đã theo các cánh quân tiến về giải phóng Sài Gòn, trực tiếp có mặt tại dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 để thông tin bằng hình ảnh, bài viết cho cả nước và thế giới về sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc.

Đã có nhiều tác phẩm được chụp vào thời gian này nhận giải thưởng Hồ Chí Minh cùng các phần thưởng khác, như: "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" của Minh Trường, "Từ thần sấm xuống xe trâu" của Văn Bảo, "Mẹ con ngày gặp mặt" của Lâm Hồng Long... Các bức ảnh trên rất nổi tiếng, trở thành biểu trưng cho con người, ý chí Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử.


Nhân dân vui mừng chứng kiến đoàn xe tăng tiến vào dinh Độc Lập. Ảnh: Lâm Hồng Long

Ông Nguyễn Đức Lợi, Tổng giám đốc TTXVN, nói: "Những bức ảnh đã được các phóng viên TTXVN thực hiện trong những năm tháng khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Đây là những trang sử hào hùng trong lịch sử dân tộc được thể hiện hết sức sinh động qua ống kính của các nhà báo. Một bản anh hùng ca bằng ảnh".

Hơn 100 bức ảnh được giới thiệu tại triển lãm lần này chỉ là con số rất nhỏ trong kho tư liệu đồ sộ của TTXVN về đề tài chiến tranh và cách mạng. Để có được những bức ảnh lịch sử vô giá, hơn 40 phóng viên ảnh của cơ quan này đã ngã xuống chiến trường, trong đó có những tên tuổi như Bùi Đình Túy, Lương Nghĩa Dũng...


Các tầng lớp nhân dân Sài Gòn tham dự mít tinh mừng chiến thắng

Nhiều tên tuổi gắn liền với lịch sử Sài Gòn - TP.HCM như phóng viên ảnh Đinh Quang Thành với những bức ảnh chụp tại dinh Độc Lập trưa 30/4/1975, hay phóng viên ảnh, liệt sĩ Bùi Đình Túy (tức Đinh Thúy) là nhà nhiếp ảnh duy nhất của Việt Nam được đặt tên cho một đường phố và một cây cầu ở TP.HCM.

Một số hình ảnh khác trích từ triển lãm:


Bộ đội chăm sóc tù binh ngụy bị thương tại mặt trận đường 9 Nam Lào, 1972


Trường Sơn, nơi tiếng hát át tiếng bom, năm 1970


Nữ chiến sĩ biệt động Nguyễn Trung Kiên dẫn đường cho quân giải phóng tấn công dinh Độc Lập và sân bay Tân Sơn Nhất


Máy bay lên thẳng của Mỹ bị bắn rơi trên đường phố Sài Gòn


Các cô gái trung đội Vân Dương - Huế chia nhau một bức thư nhà giữa rừng Trường Sơn


Hàng chục vạn nhân dân thủ đô Hà Nội đổ ra đường mừng thắng lợi vĩ đại của dân tộc



Quân dân Nghệ An bắn rơi máy bay F101D của Mỹ ngày 21/3/1966


Đồng chí Lê Duẩn về thăm Bình Trị Thiên và quân khu Trường Sơn mùa xuân 1973


Quân giải phóng tiêu diệt các cứ điểm của địch trên chiến trường Quảng Trị


Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước


Tàu hải quân của ta đón các chiến sĩ bị địch bắt tù đày ở Côn Đảo trở về Sài Gòn


Đoàn xe chở cán bộ, phóng viên TTXVN chi viện cho chiến trường miền Nam năm 1973

Long Hà