Giữ vai trò lĩnh xướng trong dàn nhạc nhà thờ và các vở opera, "castrato" hy sinh cả giới tính và cuộc đời để trở thành ngôi sao. Họ sống trong hào quang, danh tiếng và bế tắc.
Các castrato bị thiến từ lúc còn nhỏ tuổi - ảnh minh họa |
Hào quang dưới ánh đèn sân khấu
Alessandro Moreschi (1858 - 1922) được coi là castrato cuối cùng trình diễn trong dàn đồng ca Sistine Chapel tại Vatican. Một nhà nghiên cứu âm nhạc người Úc từng nghe nghệ sĩ này hát trực tiếp đã đánh giá rằng giọng của ông "có thể so sánh với sự tinh khiết và trong suốt của pha lê".
Để trở thành castrato, ngoài một số rất ít cậu bé bị trục trặc về giới tính, còn lại đều phải trải qua thủ thuật loại bỏ cơ quan sinh dục từ khi còn nhỏ. Với cấu trúc thanh quản tương tự như phụ nữ và dung tích phổi lớn của đàn ông, các castrato trưởng thành có thể hát tới những nốt cao đầy mạnh mẽ, thậm chí ngay cả nữ ca sĩ cũng khó có thể sánh nổi.
Castrato từng là những ông hoàng trên sân khấu một thời. Họ được quyền quyết định xem liệu đoạn nhạc đó có thực sự phô diễn được sự linh hoạt trong giọng hát của mình hay không. Nếu câu trả lời là không, họ sẽ tự ý thay đổi chúng ngay cả ở giữa buổi trình diễn, còn dàn nhạc luôn phải cố gắng bắt theo nhịp.
Theo Cecilia Bartoli, nữ ca sĩ chuyên hát nhạc dành cho những castrato, các nhà soạn nhạc thế kỷ XVII, XVIII không ngừng sáng tác những tác phẩm dành cho quãng giọng này, trong khi đó, phụ nữ lại bị cấm hát trong các nhà thờ và rạp hát. Các castrato trở thành những người thay thế lí tưởng. Điều đó giải thích vì sao họ có quyền làm mọi thứ mình thích trên sân khấu.
Các castrato nổi danh được chào đón ở bất cứ nơi nào họ đến, từ các cung điện tới thành phố ở châu Âu. Bà Sarah Bardwell, Giám đốc Bảo tàng Handel House (Anh) cho biết: "Những castrato hát hay nhất thường là những siêu sao, được giới nữ hâm mộ".
Castrato huyền thoại Farrinelli (giữa) và những người bạn. |
Những cậu bé có tiềm năng trở thành castrato đa phần sẽ bị "thiến" vào khoảng 8 tuổi để tránh vỡ giọng. Họ được ngâm mình trong bồn nước nóng đầy các loại thảo mộc cho tinh hoàn mềm ra rồi bị chuốc rượu hoặc thuốc phiện tới bất tỉnh. Cuộc phẫu thuật để làm vỡ hoặc cắt bỏ tinh hoàn được tiến hành ngay sau đó. Thủ thuật cuối cùng là cắt ống dẫn tinh bằng một dụng cụ tương tự như cái kẹp hạt dẻ.
Tuy tập tục này trái với luật pháp thời đó, song theo bà Bartoli, ở Ý, trong thế kỷ XVII - XVIII, có khoảng 4.000 cậu bé, chủ yếu xuất thân từ các gia đình nghèo và đông con, trải qua cuộc phẫu thuật như vậy mỗi năm. "Hầu hết các gia đình ở Campania và Puglia đều hiến tặng 1 đứa con của mình cho âm nhạc". Đôi khi chính những cậu bé này cũng không nhận thức được lí do thực sự của việc bị "thiến" cho tới vài năm sau đó.
Rất nhiều người đã chết vì nhiễm trùng hoặc vì dùng thuốc phiện quá liều trong khi phẫu thuật. Những người còn sống phải trải qua 10 năm học nhạc hoặc hơn thế nữa, để trở thành nghệ sĩ thực thụ.
Tuy nhiên, theo Bartoli, trong hàng nghìn các cậu bé, "chỉ có khoảng 100 người có được sự nghiệp phát triển tốt" và chỉ vài người trở thành ngôi sao lớn. Những người không may mắn thành danh thường chết trong nghèo đói.
Ngay cả những ngôi sao lớn cũng phải chịu đựng chứng rối loạn về cảm xúc, dễ cáu gắt và tự cao. Họ luôn dằn vặt về sự bất lực, béo phì và khiếm khuyết của mình. Một số castrato hiến mình sau tuổi lên 10 vẫn có thể duy trì khả năng cương dương và trở thành người tình cho các phụ nữ thượng lưu. Không có khả năng làm cha, họ là đối tác lý tưởng cho các quý bà trong những cuộc vui vụng trộm.
Người ta còn đồn đại rằng, ca phẫu thuật khiến khả năng "quan hệ" của các chàng castrato trở nên vô cùng sung mãn, vì họ làm "chuyện đó" một cách vô cảm nên có thể kéo dài "cuộc vui". Người ta cũng nói rằng việc thiếu đi cảm giác thực sự khiến cho castrato trở nên cực kỳ ân cần và chỉ nhất nhất quan tâm tới người tình của mình.
Lê My (Theo BBC)