- Hồn nhiên, trong sáng, không vướng chút gì của những điều xấu xa, bộ phim “Dành cho tháng sáu” gần giống cuốn lưu bút bằng phim của tuổi học trò.
Trần Thiên Tú trong vai Minh
Như đã nói về tính chất lưu bút, những gì mà bộ phim thể hiện không nằm ngoài ký ức êm đềm (chút xao xuyến của ngày bế giảng, những háo hức của chuyến về quê, chùm hoa giấu sau lưng tần ngần trước cổng nhà cô gái….) của những ai đã qua tuổi học trò hồn nhiên và mơ mộng; hay hiện tại trong veo của lứa học trò đang sống dưới mái trường. Nó không chút vẩn đục của khía cạnh bạo lực, của những thú vui trượt dần đến nghiện ngập, của gánh nặng giáo dục hay cuồng vọng của phụ huynh.
Một khuôn hình đẹp của Dành cho tháng sáu
Trong nguồn cảm hứng như vậy, “Dành cho tháng sáu” đơn thuần đặt để một tình huống bối rối và tế nhị giữa ba cô cậu học trò. Trước trận đấu bóng rổ mang tính quyết định, Kiên (Huỳnh Anh) gom hết dũng khí để tỏ tình với Minh (Trần Thiên Tú) và được cô trả lời “chưa bao giờ nghĩ tới” trước khi ngoảnh mặt bước đi. Thất vọng, Kiên bỏ về quê ở Thái Nguyên, để lại đội bóng khó khăn vì thiếu người. Minh và người bạn thân của cả hai là Hoàng (Quốc Trung) quyết định lên đường tìm Kiên để thuyết phục quay về.
Vắn tắt là vậy (những câu chuyện học trò trên màn ảnh cũng thường được vắn tắt là thế). Vấn đề chính của bộ phim có lẽ nằm ở việc quá thiếu các chi tiết tạo nút thắt mở đều đặn, giúp đưa câu chuyện dù nhỏ nhưng đủ sức để trở thành một hành trình khám phá những xúc cảm tình yêu đầu đời ngây thơ và thi vị, từ đó làm bật lên quá trình trưởng thành của nhân vật. Dù vậy, phim rất sống động trong cách chia sẻ về cuộc sống tròn đầy của các cô cậu học trò: thích chụp hình, thích chơi game, thích gây chú ý bằng bằng những chiếc áo in dòng chữ nghịch ngợm kiểu như “xấu nhưng biết phấn đấu”…
Huỳnh Anh trong vai Kiên và Quốc Trung trong vai Hoàng
Có lẽ do được làm bởi những người làm phim trẻ nên “Dành cho tháng sáu” có lời thoại rất tự nhiên, tránh được nét khô cứng và khuôn sáo như nhiều phim Việt khác. Đặc điểm này tạo thuận lợi cho dàn diễn viên đã có ít nhiều kinh nghiệm diễn xuất trở thành nhân vật không quá gượng ép. Sự gần gũi của “căn cước” nhân vật khiến các diễn viên gần như là chính họ.
Bộ phim cũng cho thấy sự tìm tòi những khuôn hình đẹp mắt. Nhưng việc thiếu mất ngôn ngữ ẩn dụ song hành khiến sự tìm tòi này trở thành cuộc khám phá thẩm mỹ hình ảnh một cách thuần túy của những người trẻ lần đầu dạo chơi điện ảnh. Điểm đáng chú ý khác là phần âm nhạc gồm nhiều ca khúc của Guillaume Vétu, Gạt Tàn Đầy, K.O.P…tạo được dấu ấn riêng với những cung bậc từ nghịch ngợm, vui vẻ đến day dứt, suy tư. Chỉ có điều ca từ ít khi hòa được vào mạch cảm xúc của câu chuyện.
Minh Chánh