Những phim cổ tích do người thật đóng như “Bạch Tuyết và gã thợ săn”, “Cô bé quàng khăn đỏ”…được thêm thắt táo bạo để gần hơn với khán giả hôm nay?

TIN BÀI KHÁC

Rất khó để một phim cổ tích do người thật đóng xây dựng được một không gian cổ tích bay bổng và thuần khiết giống như những gì mà phim hoạt hình của Walt Disney đã làm được. Thế nên, chẳng lạ gì khi Hollywood tìm cách chế tác lại câu chuyện cổ trong không khí mới, mời các ngôi sao nhập vai dưới sự hỗ trợ của sức mạnh kỹ xảo, để tạo một “mâm cỗ” vừa lạ vừa quen.

Cổ tích “người thật việc thật”

  Hình ảnh Bạch Tuyết trong phim “Bạch Tuyết và gã thợ săn”)

Kết quả là khán giả được chứng kiến một loạt nhân vật cổ tích trong hình dạng “người thật” bước lên màn ảnh trong thời gian vừa qua. Chỉ có điều, các nhân vật đều rất khác so với hình dung của người xem. Chẳng hạn như Bạch Tuyết qua diễn xuất của Lily Collins – người đã vượt qua hơn 300 cô gái được được vào vai trong phim “Gương kia ngự ở trên tường”. Nàngkhông còn là cô công chúa yếu đuối chờ hoàng tử đến cứu, mà chính là người đã cứu hoàng tử bị các chú lùn hành nghề cướp bóc treo ngược lên cây.

Một nàng Bạch Tuyết khác, thậm chí còn dũng mãnh hơn, chuẩn bị xuất hiện trên màn ảnh với bộ phim “Bạch Tuyết và gã thợ săn” ra mắt ngày 1.6. Nàng phải học cách chiến đấu để thoát khỏi cuộc truy sát nham hiểm và nhẫn tâm của mụ hoàng hậu độc ác Ravenna. Cái ác được đẩy tới tận cùng bằng những chi tiết mụ hoàng hậu cần được ăn trái tim của Bạch Tuyết vào lúc nàng trở thành người đẹp nhất thế gian để duy trì được vẻ đẹp của mình.Để vào vai chính trong bộ phim giật gân và kinh dị này, ngôi sao phim “Twilight” Kristen Stewart đã phải khổ sở suốt 4 tháng để học cưỡi ngựa, bắn cung và 4 tháng luyện giọng nói.

“Enchanted”, bộ phim đưa cô bé lọ lem trong hoạt hình tình cờ lạc đến New York hiện đại
Còn nhớ năm ngoái, bộ phim “Cô bé quàng khăn đỏ” qua diễn xuất chính của Amanda Seyfried từng khiến khán giả lạ lẫm thú vị khi đưa tuổi đời của cô già hơn so với một cô bé trong hình dung từ những trang cổ tích. Bộ phim thực sự kinh dị khi đặt vào bối cảnh một ngôi làng đang bị đe dọa của người sói.“Cô bé” còn buộc phải dũng cảm đối diện với lựa chọn hoặc chấp nhận cuộc hôn nhân sắp đặt để bảo vệ người thân, hoặc bỏ trốn theo người yêu.

Trước đó, hãng Walt Disney – vốn bảo thủ trong việc đưa truyện cổ tích lên màn ảnh theo cách trong sáng và thuần khiết – cũng khiến người ta ngạc nhiên với bộ phim “Enchanted” (2007). Bộ phim đem lại cô bé lọ lem cuộc phiêu lưu mới trong thế giới lộng lẫy của…New York hiện đại, nơi cô không tìm thấy tình yêu với chàng hoàng tử lý tưởng đến mức lố bịch, mà với người đàn ông độc thân nuôi con đang trong mối quan hệ với người phụ nữ khác.
Những gì đã xảy ra với cổ tích trong phim Hollywood được dự báo sẽ còn lặp lại trong những bộ phim sắp tới cùng lấy chất liệu từ những câu chuyện cổ dân gian như Cô bé lọ lem, Công chúa ngủ trong rừng…

Giữ lại và thêm thắt

Nhân vật hoàng hậu và chiếc gương thần trong “Bạch Tuyết và gã thợ săn”

Bằng cách thêm thắt nhiều chi tiết tạo không khí hấp dẫn chung, Hollywood dường như đã thêm vào nhiều chủ đề hơn cho câu chuyện gốc, dù vẫn giữ lại những gì thuộc về tinh thần cốt lõi của câu chuyện. Chính những chủ đề mới phát sinh lại là mối bận tâm của những khán giả đang hoài nghi điều cổ tích trong cuộc sống hôm nay.

Bằng chứng là dù có biến tấu đến thế nào, những bộ phim này luôn đảm bảo chúng phải có những hình ảnh biểu tượng cho giá trị đạo đức của câu chuyện gốc. Chẳng hạn như chiếc gương thần nhắc nhớ người ta không nên chôn vùi đời mình trong thói tự hãnh, sự ganh ghét, đố kỵ. Hình ảnh cô công chúa hôn mê trên tòa tháp là ẩn dụ của lời răn dạy những cô gái mới lớn ý thức về dục tính với tất cả quyền lực và hệ lụy. Hay quả táo độc là cảnh báo về những nguy hiểm rình rập một đứa trẻ trong cuộc phiêu lưu ngắn ngủi của nó…

Mặt khác, việc mang lại cho nhân vật nữ nhiều sức mạnh hơn, ý thức làm chủ cuộc đời hơn cho thấy nhận thức về nữ quyền sâu sắc hơn. Và có lẽ thời nay chẳng mấy ai còn thích những cô gái yếu đuối, bị số phận đày ải và chờ đợi một ai đó đến cứu giúp. 

Khải Trí