Dự thảo Luật Xuất bản (sửa đổi) đang được Chính phủ trình Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 3. Phóng viên có cuộc trao đổi với ông Phạm Trung Thông, Trưởng phòng Quản lý in, Cục Xuất bản xung quanh vấn đề này.
Được biết Chính phủ đang trình Quốc hội Dự thảo Luật Xuất bản (sửa đổi), với chức năng quản lý nhà nước về Xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm, ông có ý kiến gì về việc sửa đổi Luật lần này?
Luật Xuất bản được Quốc hội thông qua năm 2004, đến nay đã được gần 8 năm, nhưng với sự phát triển và biến đổi nhanh chóng của đời sống kinh tế - xã hội đất nước và tác động của nền kinh tế, chính trị thế giới, Luật Xuất bản hiện hành chưa theo kịp sự phát triển của hoạt động xuất bản, in và phát hành đã bộc lộ những hạn chế, bất cập nên cần được sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, tạo điều kiện để hoạt động xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm tiếp tục phát triển.
Ông Phạm Trung Thông |
Luật Xuất bản điều chỉnh ba lĩnh vực: Xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm, là người trực tiếp thực hiện công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực in, ông có thể nói rõ hơn về sự hạn chế, bất cập trong lĩnh vực hoạt động in hiện nay?
Hiện nay, việc điều chỉnh hoạt động in của các cơ sở in xuất bản phẩm và các cơ sở in không phải xuất bản phẩm không cùng một khung pháp lý, không cùng một chế tài xử lý thống nhất. Luật Xuất bản hiện hành mới chỉ điều chỉnh hoạt động của các cơ sở in in xuất bản phẩm, còn hoạt động của các cơ sở in in các sản phẩm không phải xuất bản phẩm được điều chỉnh bằng Nghị định số 105/2007/NĐ-CP của Chính phủ. Như vậy, có thể hiểu rằng, quy định của pháp luật điều chỉnh hoạt động in đang thiếu thống nhất và còn có "lỗ hổng" pháp lý. .
Ông có thể nói rõ hơn về “lỗ hổng” pháp lý?
Cơ sở in không tham gia in xuất bản phẩm khi thành lập và hoạt động theo Nghị định số 105/2007/NĐ-CP của Chính phủ đại đa số là không phải thông qua cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành in (trừ in báo chí, tem chống giả), chỉ đăng ký kinh doanh với cơ quan đăng ký kinh doanh là được hoạt động, cơ quan đăng ký kinh doanh lại không có chức năng kiểm tra, giám sát hoạt động in, các cơ quan quản lý chuyên ngành (Bộ TT, Sở TTTT) lại thiếu tuyên truyền, thiếu hành lang pháp lý để thực hiện chức năng kiểm tra, nên vô hình chung các cơ sở in này không ai kiểm soát, bị buông lỏng trong quá trình hoạt động in.
Thực trạng hoạt động in hiện nay như thế nào, ông có thể nói cụ thể hơn được không?
Luật Xuất bản năm 2004 và Nghị định số 105/2007/NĐ-CP của Chính phủ ra đời đã xã hội hóa hoạt động in, các thành phần kinh tế khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật đều được tham gia hoạt động in, tạo điều kiện cho ngành in được đầu tư phát triển nhanh, trước năm 2004 cả nước chỉ có hơn 160 cơ sở in với những thiết bị in thô sơ lạc hậu có giá vài chục triệu đồng một chiếc máy in, đến nay có khoảng gần 1.500 cơ sở in với những công nghệ, thiết bị in hiện đại, trong đó, có những máy in trị giá gần 100 tỷ đồng/chiếc sánh ngang với các nước trong khu vực và một số nước phát triển trên thế giới, đáp ứng đủ nhu cầu in của xã hội với chất lượng in cao hơn.
Thế nhưng, tình hình hoạt động in đang diễn ra rất phức tạp, lộn xộn, bừa bãi, khó kiểm soát dẫn đến tình trạng in lậu, in giả giấy tờ quản lý nhà nước xảy ra khá phổ biến đang trở thành vấn nạn của xã hội, đang có nguy cơ “giết chết” ngành xuất bản chân chính, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; tiếp tay cho không ít người gian dối về trình độ học vấn bằng hình thức sử dụng bằng cấp giả; lừa gạt, chiếm đoạt tài sản của tổ chức, cá nhân bằng các giấy tờ quản lý nhà nước giả, như: Sổ đỏ giả, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả; trái phiếu, giấy tờ có giá, hóa đơn tài chính giả; bao bì, nhãn mác giả; đặc biệt là bao bì dược phẩm giả xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng.
Do đó, việc sửa đổi Luật Xuất bản về tổ chức và hoạt động in là vấn đề hết sức cấp bách, nhằm khắc phục, giải quyết những hạn chế, bất cập đang tồn tại trong thời gian vừa qua, đồng thời tạo điều kiện cho hoạt động in phát triển lành mạnh trong thời gian tới.
Quan điểm của ông về việc sửa đổi Luật Xuất bản lần này?
Theo quan điểm của tôi là khi làm Luật phải hướng đến hai mục tiêu. Một là, tạo điều kiện cho lĩnh vực mà Luật điều chỉnh phát triển. Hai là, nhà nước phải quản lý được. Nếu mà bộ luật nào đó chỉ đảm bảo được một trong hai mục đích trên sẽ không đạt yêu cầu, Luật khó khả thi, khó đi vào cuộc sống. Luật Xuất bản sửa đổi lần này không nằm ngoài hai mục đích đó, và thống nhất cùng một khung pháp lý đối với việc điều chỉnh hoạt động in, tạo thuận lợi cho ngành Xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm phát triển lành mạnh.
Xin cảm ơn ông
Thùy Trang (thực hiện)