Với lịch ra rạp tại cùng lúc bốn nước Đông Nam Á vào ngày 6.7, “Ranh giới trắng đen” trở thành bộ phim Việt đầu tiên vươn ra thị trường khu vực.
Sau khi dời lịch phát hành dự kiến từ tháng 5 sang tháng 7.2012, bộ phim nói tiếng Việt “Ranh giới trắng đen” vừa có lịch phát hành chính thức vào ngày 6.7 sắp tới. Điểm đáng chú ý là bộ phim đã đàm phán được kế hoạch phát hành cùng lúc tại bốn quốc gia: Việt Nam, Indonesia, Singapore và Malaysia. Dù số rạp nhận chiếu bộ phim có kinh phí đầu tư khoảng 10 tỷ đồng hiện chưa được xác nhận ở thời điểm này.
“Ranh giới trắng đen” có lịch công chiếu cùng lúc tại 4 quốc gia Đông Nam Á
“Ranh giới trắng đen” được xem là bộ phim đầu tiên đánh dấu hợp tác giữa Việt Nam và Indonesia. Đạo diễn người Indonesia Najantolisa được giao vai trò dàn dựng bộ phim, chỉ đạo diễn xuất cho dàn diễn viên mang ba quốc tịch: Võ Thành Tâm - Phan Như Thảo - Thúy Diễm của Việt Nam; Guntur Triyoga, Siti Dewi Rahmawati, Roger Danuarta của Indonesia ; và Pang Swee Teow của Singapore.
Bộ phim xoay quanh hành trình giải cứu em gái của Tâm (Võ Thành Tâm đóng), anh chàng chỉ đạo võ thuật trong các đoàn làm phim, khi cô vô tình cầm theo va ly tiền của nhóm xã hội đen do tên Nghiêm Sở Thiên cầm đầu. Cuộc đấu sinh tử của Tâm được sự trợ giúp của Ngọc Dung và đội cảnh sát hình sự cùng nhiều người bạn nước ngoài.
“Ranh giới trắng đen” sẽ là phim Việt gốc “xã hội đen Hong Kong”?
Trong những năm gần đây, điện ảnh Việt ở dòng thương mại đã có nhiều nỗ lực tìm kiếm thêm doanh thu ở thị trường nước ngoài, bên cạnh dòng nghệ thuật thường tìm đến các liên hoan phim quốc tế. Tuy nhiên, các phim như “Cú và chim se sẻ” (Owl and the sparrow), “Để mai tính” (Fool for Love), “Chuyện tình xa xứ” (Passport to Love), “Cô dâu đại chiến” (Battle of the Brides)…thường đổ về khu vực Bắc Mỹ để tìm kiếm nhà phát hành giúp đàm phán và đưa phim đến rạp chiếu tại những khu vực có đông người Việt sinh sống. Do số rạp nhận chiếu còn thấp (từ 5 – 10 rạp), nên doanh thu các bộ phim này còn ở mức khiêm tốn, trong khoảng từ 40 đến 170 ngàn USD.
Trong khi đó, những nhà sản xuất phim độc lập như Trần Trọng Dần (phim Bụi đời, Tất cả về cha tôi, Ngôi nhà trong hẻm, Bẫy cấp ba…), Nguyễn Đức Minh (phim Chạm)… thường làm luôn công việc phát hành, bằng cách chủ động liên hệ với các rạp chiếu tại Bắc Mỹ để chào mời bộ phim.
Có thể nói, “Ranh giới trắng đen” là một lối rẽ khác cho dòng phim thương mại sử dụng ngôn ngữ chính là tiếng Việt. Phim này hợp tác với đối tác nước ngoài ngay từ khâu sản xuất, nên rõ ràng đã thuận lợi trong khâu phát hành, nhờ mạng lưới mối quan hệ giữa các nhà làm phim trong khu vực Đông Nam Á, mà Hong Kong đóng vai trò đầu tàu.
Minh Chánh