Nữ diễn viên huyền thoại Meryl Streep lên tiếng kêu gọi tăng cường vai trò của phụ nữ trên phim lẫn trong ngành sản xuất phim ảnh ở Hollywood.

Dĩ nhiên, bà có cơ sở để đưa ra lời kêu gọi thẳng thắn như vậy trong buổi trao giải Crystal + Lucy, một giải thưởng vinh danh những người phụ nữ có thành tựu sáng tạo và kinh doanh xuất sắc trong ngành công nghiệp điện ảnh, vào tối ngày 12.6 tại Los Angeles, Mỹ.

 Meryl Streep tại lễ trao giải thưởng vinh danh phụ nữ Crystal + Lucy)

Thực tế, trong 5 năm qua, có tới 5 bộ phim đề cao hình ảnh những người phụ nữ độc lập và mạnh mẽ thu về tổng cộng 1,6 tỷ USD cho Hollywood, gồm: The Help (Người giúp việc, 2011), "Bridesmaids" (Những cô phù dâu, 2011), “The Iron Lady” (Bà đầm thép, 2011), “Mamma Mia” (2008), “The Devil Wears Prada” (Yêu nữ khoác đồ hiệu Prada, 2006).

Tuy nhiên, người ta không thể không tự hỏi: Liệu Hollywood có chấp nhận “vì tiền” mà làm nhiều phim hơn đề cao sức mạnh nữ quyền, như lời nữ diễn viên giữ kỷ lục 17 lần được đề cử Oscar đã kêu gọi? Vấn đề bỗng trở nên phức tạp hơn nhiều khi người ta nhận thấy thành công của những bộ phim nữ quyền là ít ỏi và cá biệt, so với thành công phổ biến của những bộ phim “bom tấn” phô trương sức mạnh cơ bắp của nam tính.

 “The Iron Lady”, một phim đề cao sức mạnh nữ quyền.

Đây không phải là lần đầu tiên các nữ diễn viên hạng A lên tiếng kêu gọi Hollywood có trách nhiệm hơn trong việc xây dựng hình ảnh người phụ nữ trên phim, cũng như không phân biệt đối xử với phụ nữ trong ngành sản xuất phim. Cách nay hơn một năm, cô đào từng đoạt Oscar Nicole Kidman từng lặn lội đến đồi Capitol để đăng đàn trước Quốc hội Mỹ kêu gọi thông qua luật về giải quyết tình trạng bạo lực đối với phụ nữ, tiến tới ngăn chặn tình trạng này trên toàn cầu. Cô cho rằng Hollywood có thể đã góp phần làm gia tăng nạn bạo hành phụ nữ bằng những bộ phim mô tả họ như những đồ vật tình dục yếu đuối và bị cưỡng bức.

Trước đó, ngôi sao phim “Frida” Salma Hayek từng phát biểu trước Tiểu ban tư pháp của Thượng viện Mỹ nhằm vận động gia hạn hiệu lực cho luật về giải quyết tình trạng bạo lực đối với phụ nữ tại Mỹ. Người đẹp này còn tài trợ 25.000 USD cho một địa phương ở quê hương Mexico để bảo vệ những phụ nữ bị bạo hành và 50.000 USD tại Mỹ để thành lập một nhóm hành động chống lại bạo lực đối với phụ nữ.

 Phim "Bridesmaids" với kinh phí 32,5 triệu USD và doanh thu 288 triệu USD trên toàn cầu

Tuy nhiên, hành động của nữ diễn viên hàng đầu ở Hollywood không phải lúc nào cũng nhận được sự ủng hộ hoàn toàn, thậm chí còn gây ra tranh cãi. Phía chỉ trích cho rằng các cô chỉ “làm trò đánh bóng tên tuổi”, trong khi điện ảnh chỉ đang cố gắng phác họa trung thực tình trạng áp bức đối với phụ nữ trong những xã hội nam quyền. Do là lăng kính phản chiếu đời sống, nên dĩ nhiên, phim ảnh còn có cả những phụ nữ tài năng và mạnh mẽ, đứng lên làm chủ số phận của mình trước sức mạnh áp bức của nam quyền.

Mặt khác, các tổ chức xã hội chống bạo lực đối với phụ nữ đang rất cần sự lên tiếng của các “sao” nữ. Họ cho rằng phim ảnh cần phải có trách nhiệm hơn, không nên đưa ra quá nhiều nhân vật nữ chính phải chịu đựng nhiều hình thức bạo hành thể xác lẫn tinh thần như bị lừa dối, gạ gẫm, đánh đập và cấm đoán. Đáng lo ngại là nhiều phim trong số này đoạt nhiều giải thưởng và rất ăn khách như “Thelma & Louise”, “Sự im lặng của bầy cừu”, “Dương cầm”…Chỉ một số phim như “Kẻ hủy diệt”, “Alien”, “Kẻ cướp mộ”…là thể hiện phụ nữ đứng trước hoàn cảnh sống còn, buộc phải mạnh mẽ để có thể sống sót.

Minh Chánh