- Ngày 19/6, Viện Trần Nhân Tông chính thức ra mắt Giải thưởng quốc tế và Hội nghị Trần Nhân Tông về hòa giải yêu thương trên thế giới và Việt Nam tại website TranNhanTongprize.org. Sự kiện này sẽ được tổ chức vào ngày 22/9 tại ĐH Harvard, Hoa Kỳ.

Charles Ansbache, cố nhạc trưởng dàn nhạc giao hưởng Boston Landmark, người luôn ủng hộ cho chương trình Hòa giải - Yêu thương do Vietnamnet khởi xướng.
Giải thưởng Trần Nhân Tông về Hòa giải do GS Thomas Patterson – Giám đốc Nghiên cứu Trung tâm Shorenstein, ĐH Harvard làm Chủ tịch.
Ông Thomas Patterson cũng đã chính thức gửi thư đến Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để bày tỏ sự đánh giá cao về giá trị của giải thưởng Trần Nhân Tông về Hòa giải yêu thương sẽ mang lại cho Việt Nam và nhân loại.
GS Thomas Patterson, học giả nổi tiếng của Mỹ chính thức là Chủ tịch giải thưởng Trần Nhân Tông.
Giải thưởng sẽ được xét chọn hàng năm cho những người bằng hành đồng, ảnh hưởng của mình có những đóng góp nổi bật cho sự nghiệp hòa giải và yêu thương nhân loại, xây dựng tình hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc, tôn giáo giải quyết các mối xung đột, chấm dứt chiến tranh, những người đóng góp to lớn trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường sinh thái trên thế giới.
Những cá nhân được trao giải sẽ được nhận huy chương và bằng chứng nhận. Đặc biệt, nhạc sĩ nổi danh Larry Bell sẽ sáng tác một tác phẩm tôn vinh người đoạt giải. Dàn nhạc giao hưởng Boston Landmarks sẽ biểu diễn và thu ẩm tác phẩm này như một món quà văn hóa ý nghĩa gửi đến người được vinh danh.
Hội đồng cố vấn giải thưởng bao gồm nhiều nhân vật uy tín như bà Vaira Vike – Freiberga - cựu Tổng thống Latvia; Ông Michael Dukakis - cựu Thống đốc bang Massachusetts; bà Ann Mc Daniel - Phó Chủ tịch thường trực Washington Post; Bà Robin Sproul, Phó Chủ tịch, Giám đốc chi nhánh Washington DC, ABC News; Ông Phil Barboni, Chủ tịch và Giám đốc điều hành, Global Post…
Nói về ý nghĩa của giải thưởng Trần Nhân Tông về hòa giải, GS Daniel Shapiro, Harvard Law School so sánh: “Một năm thế giới mất đi 3000 tỉ đô la Mỹ để giải quyết những vấn đề như chiến tranh, bạo loạn, xung đột, thiên tai. Nếu thế giới ngăn chặn được thì sẽ tiết kiệm được một khoản tiền lớn để đầu tư vào kinh tế và giải quyết được những vấn đề lâu dài của nhân loại”
Bởi vậy, Giải thưởng Trần Nhân Tông về hòa giải đã nhận được sự ủng hộ của nhiều học giả, nhà văn hóa, trí thức trong và ngoài nước, trong đó có các giáo sư ĐH Harvard, các danh nhân văn hóa vùng Boston.
Nhạc trưởng dàn nhạc giao hưởng Boston Landmark cũng đã nhiệt tình tham gia vận động ủng hộ giải thưởng. Ông sẽ mời Nhạc trưởng nổi tiếng ở châu Âu Daniel Barenboim- một con người có nhiều đóng góp cho Hoà giải, làm Đại sứ Giải thưởng Trần Nhân Tông về Hoà giải.
Lan Anh