Phong độ, sức lôi cuốn của những bài bình luận, chính luận của nhà báo Hồ Quang Lợi không chỉ đưa ông lên vị trí hàng đầu nhiều năm ở thể loại này, mà còn giữ vững sự đánh giá của đồng nghiệp và độc giả về một trong các nhà báo xuất sắc của nền báo chí VN đương đại. Ông còn là một người thầy uy tín. 

Nhà báo nhiều kỷ lục

Giành giải báo chí (BC) toàn quốc đầu tiên (1991) cho 14 bài bình luận về chiến tranh vùng Vịnh; tính đến 2009, nhà báo (NB) Hồ Quang Lợi đã có 9 giải BC quốc gia và toàn quốc; 2 giải BC Ngô Tất Tố, 2 giải BC về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng (5 năm 1994 - 1999 và 1999 - 2004). Trong 5 giải A quốc gia, ông còn chiếm vị trí quán quân 4 năm liên tiếp từ 2003 – 2006, điều mà đến nay, chưa cây bút nào vượt được.
Nhưng đẳng cấp nghề của Hồ Quang Lợi giờ đây không cần tính đến số lượng giải thưởng nữa. Thương hiệu của ông đã vượt qua đánh giá của những cuộc thi chọn, chấm xét hàng năm, khi đã có một “mề đay luân lưu” – sự yêu chuộng và tín nhiệm của độc giả.

Nhà báo Hồ Quang Lợi

Lứa sinh viên khoá 16 (1997 - 2001) Học viện Báo chí và Tuyên truyền chúng tôi không được học trực tiếp NB Hồ Quang Lợi, nhưng ông vẫn có uy quyền trong giảng đường, từ nhiều khoá, bởi các thầy vẫn dùng các tác phẩm của Hồ Quang Lợi làm bài mẫu để giảng, phân tích. Ông là giảng viên thỉnh giảng môn Bình luận, thể tài chính luận, xã luận từ 1987 liên tục tới 1997. Khoá BC 14 được ông gắn bó từ lúc dạy, ra đề thi, hướng dẫn tốt nghiệp năm 1997, năm chúng tôi bắt đầu là sinh viên. Đến giờ, tôi vẫn tiếc khi không được học thầy Hồ Quang Lợi, song thực ra tôi đã và vẫn tiếp tục học ông, qua tác phẩm. Đúng thế, phải gọi mỗi bài viết của Hồ Quang Lợi là tác phẩm bởi ấn tượng từ titre, tính hoàn chỉnh, cấu trúc, độ hấp dẫn đến dòng cuối mà vẫn “thèm” đọc tiếp.

Vùng Vịnh - thanh gươm chiến tranh đã rút khỏi vỏ(báo phát hành 12 tiếng thì chiến tranh nổ ra), Những “chú gà Tây”chốn tử địa, Văn minh bạo lực trong cuốn sách đầu tiên của ông Cuộc bứt phá toàn cầu (6/1997) đến Con đê trước bão tố tiền tệ, Khi Taliban bị dồn vào núi, Cuộc chơi nhiều cạm bẫy, Tử bệnh của những gã khổng lồ, Mũi tên và cành ô liu ở cuốn thứ hai Ẩn số thời cuộc (7/2004) và độ chín rạng rỡ của các tác phẩm trong cuốn sách thứ ba Xung chấn kỷ nguyên đột biến: Khi siêu cường bị trúng thương, Toan tính trên rốn dầu, “Bình minh Odyssey” ẩn chứa điều gì, Đường cong đế chế. Tất cả thể hiện độ sung sức kéo dài, chính kiến và bản lĩnh của một nhà bình luận quốc tế (BLQT) sắc sảo, nhạy cảm đặc biệt trước thời cuộc khi bình định hiện trạng các vấn đề thế giới. Một kết nối kinh ngạc là sự mẫn tuệ và nhạy cảm siêu thường đã khiến Hồ Quang Lợi luôn có nhận định tiên phong và mới lạ. Đọc tác phẩm hơn 20 năm trước của ông tới bài BL gần nhất, vẫn thấy sự thống nhất của tính nhân văn, quan điểm và nhất là không hề lạc hậu lỗi thời. Tôi chắc nhiều người đã thán phục vốn từ vựng và chất văn chương trong tác phẩm của Hồ Quang Lợi mà chưa có “mật mã” chính xác để giải, ngoài việc thừa nhận “Tài”. Sự thực Hồ Quang Lợi là học sinh chuyên văn THPT Phan Bội Châu, trường giỏi nhất tỉnh Nghệ An và được chọn du học ở nước ngoài. Ông đã tốt nghiệp xuất sắc khoa Ngôn ngữ và Văn học nước ngoài (chuyên ngành Văn học Pháp) tại trường ĐHTH Bucarest (Rumanie). Tình yêu, sự am hiểu và năng lực văn học khiến Hồ Quang Lợi, dù không theo văn chương, vẫn truyền phổ tinh thần ấy vào con đường BC của mình, để mỗi tác phẩm đan quyện độ sang trọng, quyến rũ. Kiến văn sâu rộng, đa dạng, hình ảnh phong nhiêu, bổ trợ cho tư duy sắc nhạy luôn duy dưỡng tính nhân văn, cảm thức về số phận con người trước các nguy cơ bất an không chỉ do chiến tranh, khiến các bài BL của Hồ Quang Lợi không khi nào chỉ ở mức trần thuật, tổng kết như người ta vẫn thường thấy trên các báo, mà luôn có phân tích thấu đáo và tính dự báo cao. Điều đó khiến tên tuổi Hồ Quang Lợi là tín chỉ bền vững của thể loại và vượt lên khuôn khổ phổ dụng bởi tầm vóc nhà bình luận thời cuộc, được độc giả luôn chờ đón mỗi khi có sự kiện đáng chú ý.

GS Vũ Khiêu tặng chữ cho nhà báo Hồ Quang Lợi

Luôn là nhà báo đương độ

Khởi từ phóng viên chiến trường bám trụ bình độ 400 ở Lạng Sơn 1979, từ cuối 1981, ông chuyển về phòng Thời sự quốc tế và gắn bó với báo Quân đội nhân dân đến hết 2007. 

Ở cương vị Đại tá, Phó Tổng biên tập, suốt 28 năm trong quân đội, Hồ Quang Lợi là một niềm tự hào của báo. Chính những bài bình luận quốc tế của ông tăng thêm sức hút và dấu ấn cho báo QĐND. Làm TBT báo Hà nội mới (kiêm Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội) chỉ hơn 2 năm (1/2008 – 3/2010), NB Hồ Quang Lợi đã thành công khi làm được cuộc cải tổ quan trọng, vực dậy nhật báo lớn nhất của Thủ đô sau những sa sút. Người ta thấy một TBT được anh em “tâm phục khẩu phục” bởi giỏi nghề, trình độ tổ chức, hoạch định cao và ngạc nhiên nữa, tần suất bài viết chất lượng vẫn ... giữ nguyên, điều mà hiếm TBT làm được.

Hồ Quang Lợi gây “bất ngờ đúp” khi ông dời cương vị TBT Hà nội mới chuyển sang làm trưởng Ban Tuyên giáo, uỷ viên Thường vụ Thành uỷ Hà Nội. Ai cũng nghĩ, ở cương vị cao hơn, bận họp liên miên, lại làm công tác tuyên giáo, ông sẽ không viết được nữa, hoặc có viết cũng khô mòn, do không có thời gian cập nhật thông tin và làm nghề. Thực tế, Hồ Quang Lợi vẫn luôn coi trọng nghề và chưa khi nào ngừng viết, xao lãng tư duy của một nhà bình luận với ăng ten là các giác quan nhạy bén, ứng hoạt. Từ tháng 1/2012 đến nay bạn đọc gặp ông đều trên trang quốc tế báo Nhân dân hằng tháng, mỗi tháng 1 bài từ 2600 – 2800 chữ, BL về các sự kiện nóng bỏng của quốc tế. Người ta bị lôi cuốn, phập phồng, lo lắng, giận dữ, chờ đợi ... theo “phối cảnh thế giới” qua quan sát, nhận định của Hồ Quang Lợi. Tác phẩm ông không bao giờ dừng ở mức trần thuật, lệ thuộc vào các bản tin của TTX như nhiều bài thường thấy, mà luôn có chủ kiến, góc nhìn riêng, phát hiện mới. “Tôi chỉ viết những điều tôi tin, sự thật mà tôi nhìn thấy và đoán biết. Tôi chán ghét những giáo điều, cưỡng chế tư duy và sự lười ẩu trong lao động chữ”. Luôn khước từ những “diễn ngôn lười biếng”, có thể khẳng định: Hồ Quang Lợi bằng tài năng, công phu và sáng tạo hiếm biệt đã đạt tầm quốc tế. Công chúng bị lôi cuốn khi nhìn thấy tên ông từ titre kích thích độc giả đến toàn bài, mỗi tác phẩm luôn toát lộ trí tuệ, chín chắn, chất văn chương, chặt chẽ mà vẫn “bay”, gợi mở với biên độ đa thanh trong diễn đạt uyển chuyển của một cây bút đặc thù tư duy hình ảnh.

Cuốn Xung chấn kỷ nguyên đột biến sau khi ra mắt 9/2011 với 2150 cuốn, đã được tái bản 1000 cuốn ngay vào tháng sau. BLQT là “gen trội” của cây bút Hồ Quang Lợi, song ông không chỉ “chuyên canh” thể loại này. Là cây bút chính luận uy tín, bên cạnh nhiều bài về các sự kiện văn hoá, chính trị, xã hội của VN một cách thấu đáo, lối kiến giải riêng không thể nhoà lẫn mở những hướng tiếp cận, hiểu biết mới cho độc giả, ông còn có các bài BL thể thao từ 20 năm trước.

Miếng bơ Pháp và con dao nóng Đan Mạch là tác phẩm ông viết về một trận đấu then chốt của đội tuyển Đan Mạch gặp Pháp. Mặc dù yêu nước Pháp, luôn ủng hộ Pháp, ông vẫn dự đoán Đan Mạch vô địch Euro 1992 và kết quả đúng như vậy.

Một trong những kỷ niệm sâu sắc trong đời làm báo của Hồ Quang Lợi, là ông đã có dịp giảng cho phóng viên của TTXVN. Ông dạy về BLQT cho các trưởng phân xã của TTXVN ở nước ngoài về, với tư cách là giảng viên duy nhất về mảng này. Tiếp đến là các khoá giảng cho phóng viên từ 30 – 35 tuổi, mỗi khoá 15 người, chọn từ các PV có khả năng viết bình luận, xã luận ở trong nước. Sau khi học tập trong 1 tuần, khoá học chọn lọc một nửa phóng viên để làm việc với thầy bằng tác phẩm cụ thể gửi bài để thầy đọc, sửa, góp ý.

Mặc dù bận rộn mỗi ngày từ 7 giờ sáng tới 20 giờ mới rời công sở, NB Hồ Quang Lợi không bỏ trận bóng nào mùa Euro này. Ông mê bóng đá từ thời học sinh, khi du học ở Rumanie, môn chơi nhiều và đều nhất là bóng đá, trong vai trò tiền vệ áo số 8 của đội bóng trường, từng giao hữu với các trường khác. Hiện nay, ở tuổi 56, tuổi mà các “lão tướng” chuyên nghiệp của môn túc cầu không đá nổi, thì đam mê thể thao vua cùng thể lực vẫn khiến ông có thể chơi 2 giờ bóng bàn sau buổi làm và đá liên tục 2 hiệp bóng mỗi tuần, tháng có dịp giao hữu, ở vị trí tiền đạo số 10.

Người đọc lại thêm bất ngờ, gây ấn tượng đẹp khi ông trả lời phỏng vấn 2 kỳ in TT&VH về văn hoá Hà Nội, bộc lộ sự hiểu biết và tình yêu sâu sắc với thủ đô; những bài tuỳ bút về Hà Nội trên báo Hà nội mới. NXB QĐND, nơi may mắn được làm “bà đỡ” cho các tập sách của Hồ Quang Lợi, sắp phát hành cuốn thứ tư của ông - “Việt Nam trên ngọn sóng thời cuộc”. Cuối năm nay, ông lại công bố tập phóng sự, bút ký.

Phong cách Hồ Quang Lợi bằng biệt tài và phong cách riêng có, đã ghi dấu bền vững trong nền báo chí đương đại Việt Nam một cái tên có sức bền toả của ánh sáng uy nhiệm. “Nổi tiếng” tính từ này đã rất quen đến nhàm vì lạm phát trong thời buổi hiện nay, không cần gắn với tên Hồ Quang Lợi. Bản thân tên ông đã có sức hút của một danh tiếng được mến mộ, điều mà những người cầm bút chân chính đều mong đạt tới.

Mùng 4 Tết Nhâm Thìn (26/1/2012), GS Vũ Khiêu, đã khai bút đầu xuân 4 chữ tặng Hồ Quang Lợi, đích thân HS Hoa Thạch - con trai út GS lồng khung kính, món quà mà người nhận coi là vô giá: “ Trí giả lợi nhân”. Ký tặng cuốn sách mới nhất hôm 6/5/2012, GS viết: “Tặng Hồ Quang Lợi, một trí giả uyên bác và tài hoa mà tôi mến mộ và tin tưởng”. Thiết nghĩ, lời đề tặng của một bậc học giả uyên bác như GS.Vũ Khiêu, là sự ghi nhận quý báu không cần kể, gắn thêm giải, cúp báo chí nào nữa.

ViVi