Sân khấu kịch Phú Nhuận phải đục bỏ từ “đĩ”khi đặt tên cho vở mới được chuyển thể từ tiểu thuyết “Làm đĩ” của nhà văn Vũ Trọng Phụng.


Dĩ nhiên, sẽ chẳng ai phản ứng gì với việc bỏ này (sau khi có ý kiến của Hội đồng phúc khảo), nếu như nó không để lại cái tên rất vô duyên: “Làm….”. Sự vụ khiến người ta nhớ ngay đến chuyện tương tự cách nay hai năm, khi một vở kịch tiền tỷ cũng phải cắt bỏ từ “đĩ”, để lại sự lấp lửng khó chịu trong cái tên: “Xin lỗi, em chỉ là….”.

Vở “Làm…” của sân khấu kịch Phú Nhuận có kịch bản chuyển thể từ tiểu thuyết “Làm đĩ” của nhà văn Vũ Trọng Phụng.

Và có lẽ cũng chẳng ai lên tiếng, nếu như hai vở kịch trên không có kịch bản chuyển thể từ hai tiểu thuyết nổi tiếng tại VN “Làm đĩ” và “Xin lỗi em chỉ là con đĩ”. Một của nhà văn Vũ Trọng Phụng và một của cây bút văn học học mạng Tào Đình. Ít nhất, tác giả đương thời và thân nhân của nhà văn quá cố đều có quyền đòi hỏi hai vở kịch phải tôn trọng tác phẩm gốc khi dàn dựng lại câu chuyện trong một hình thái nghệ thuật khác.

Mà sự tôn trọng đầu tiên chắc chắn bắt đầu bằng cái tên ! Không ai bắt ép tác phẩm chuyển thể phải giữ nguyên tên  của tác phẩm gốc, nhưng việc giữ lại tên theo kiểu có “chọn lọc” như trường hợp hai vở trên thì chẳng khác nào bằng mười phụ bạc tác phẩm gốc.Trong cả hai trường hợp, dường như người ta đã quên rằng ứng xử thế nào với tác phẩm sân khấu hay bất kỳ tác phẩm nào khác còn phải đặt trong trách nhiệm của chúng với tác phẩm gốc.

Thực tế, hai cuốn sách trên đã được phép phát hành rộng rãi, công khai, và tái bản nhiều lần với đúng tên gọi của nó. Nay, những cuốn còn nằm trên kệ chờ đến tay người đọc sẽ phải đối diện với khả năng gây ra cảm giác “gờn gợn” vì cái tựa chứa “từ cấm” trong phiên bản sân khấu. Thế nên, phản ứng cảm thấy bị xúc phạm của gia đình cố nhà văn Vũ Trọng Phụng như đã thấy, là điều có thể hiểu.

“Xin lỗi, em chỉ là con đĩ” của cây bút văn học mạng Tào Đình (Trung Quốc) trở thành “Xin lỗi, em chỉ là…” trên sân khấu Việt.

Nhưng có vẻ như những người làm quản lý văn hóa tại TP.HCM, mà cụ thể là các thành viên của Hội đồng phúc khảo sân khấu, lại không nghĩ như vậy.Nhân danh ý nghĩa tạo lập môi trường sân khấu lành mạnh, người ta có quyền ngăn cản những ý đồ câu khách bằng cái tựa gây sốc và dung tục trong câu từ. Nhưng việc kiểm duyệt, cắt gọt một cách cơ học cả những cái tựa đã quá nổi tiếng (mà không bị ai đề nghị phải đục bỏ câu từ nào), thì lại vô tình tạo ra hiệu ứng phụ tích cực (và ngoài ý muốn) trong khâu quảng bá vở diễn. Mà những ồn ào quanh vở “Làm…” vừa qua là một minh chứng.

Với “Làm đĩ”, người ta còn có thể biện minh rằng cần phải bỏ đi từ “đĩ” bởi làng văn nghệ đang trong thời điểm “nhạy cảm” vì đã làm cả xã hội phải rúng động trước tin tức hàng loạt chân dài, người đẹp rủ nhau đi bán dâm. Nhưng không thể không tự hỏi, sân khấu phải tự kiểm duyệt như vậy là để bảo vệ cho ai? Lợi ích mà người ta nghĩ đạt được là gì?Và liệu nó có xứng đáng? 

Rõ ràng, những “gạn lọc” theo kiểu phải né đi từ “đĩ” trong cái tựa đã khoét sâu thêm ranh giới cấm kỵ, hiện hữu mà cũng rất mơ hồ trong sáng tạo nghệ thuật sân khấu hiện nay. Xét về tính mục đích, nó gần như thất bại bởi chẳng làm cho sân khấu TP.HCM bớt đi được những vở diễn thuần túy thương mại và giải trí cho khán giả bằng những câu chuyện tình – tiền, gái bao, đồng tính, ma quỷ, tấu hài…Thậm chí, còn tấn công vào một trong những vở được đánh giá là nghiêm túc, chuyển thể từ tác phẩm mà đến nay vẫn còn thời sự của một nhà văn lớn, như trường hợp của “Làm đĩ”.

Khải Trí