- Cuộc thi Sao Mai điểm hẹn đến mùa thứ 5 đang trở nên nguội dần và có nguy cơ bị che khuất từ các cuộc thi ca hát khác. Điều gì đã khiến một cuộc thi từ “nóng” nay trở nên “nguội” như thế?

Đường dài mới hay sức ngựa

Không kể cuộc thi Sao Mai, tiền thân là Tiếng hát Truyền hình toàn quốc, thì Sao Mai điểm hẹn từng không có đối thủ trên nhiều mặt. Với nhiều bạn trẻ ở độ tuổi 8x hoặc 7x, đã có một thời, đây không chỉ là “điểm hẹn” mà còn là “điểm nóng” trên sóng truyền hình.

Hai mùa Sao mai điểm hẹn đầu tiên từng được coi như mẫu mực về sự thành công của chương trình tìm kiếm tài năng ca hát.

 Khi đó, Internet, truyền thông mạng chưa bùng nổ như bây giờ. Sau mỗi đêm thi, từng dòng phân tích, mổ xẻ kỹ càng cho mỗi tiết mục dự thi, từng tấm hình chụp vội gửi về từ sân khấu trực tiếp… được đưa lên các trang web với sự thấp thỏm, săn đón đáng hãnh diện. Đến bây giờ, tất nhiên, còn không ít khán giả vẫn rung động với sân chơi này.


Nhưng thực tế đã cho thấy, mùa hè này khác rồi... Thay vì là “điểm hẹn”, “điểm nóng”, cuộc thi đang bước vào vòng Gala, phát trên sóng VTV6 vào tối thứ 7 hàng tuần, đã lộ rõ “điểm huyệt”. Mấu chốt ở đây là tính “nước đôi”, “nửa sang nửa thường”, “nửa nạc nửa mỡ” của SMĐH.

Ở đây, ngay Ban tổ chức chương trình cuộc thi này là Ban văn nghệ, Đài THVN đã nhận ra sự lép vế của SMĐH (và cả Sao Mai) trước các cuộc thi ca hát khác, đặc biệt là trước Thần tượng Âm nhạc – Vietnam Idol, chính xác từ mùa thi cách hai năm trước, khi cả hai diễn ra gần như cùng thời điểm.

Dè chừng thế đối đầu, khả năng bị so sánh, năm 2010, BTC đã cố gắng điều chỉnh, đổi mới để hy vọng SMĐH tạo được hình ảnh trẻ trung, hiện đại, gần với công chúng trẻ hơn và vẫn chú trọng vào giọng hát mang tính học thuật. Rồi đến mùa thi năm nay, BTC “nhượng bộ” thêm một chút, “xê dịch” cuộc thi cho gần tính giải trí hơn, từ hình thức đến nội dung đều được chăm chút kỹ hơn một chút, nhưng đây vẫn là miếng “thịt ba chỉ”.

Không ai có quyền nói rằng một format (định dạng) chương trình do Việt Nam tạo nên, không phải bỏ triệu đô để mua bản quyền nước ngoài thì không thể tạo sóng, không thể đi đường dài hoặc xa hơn là có thể xuất khẩu.

Tương tự, cũng không thể khẳng định chắc nịch, cứ format nước ngoài như Vietnam Idol hay The Voice bây giờ, khi đến Việt Nam là bách chiến bách thắng. Cứ xem, Vietnam Idol hai mùa đầu không “hot” như mùa có Uyên Linh, Văn Mai Hương sau đó. Đến The Voice, khi chưa lên sóng thì khối người vẫn bán tin bán nghi. Nay sóng ngầm của “Giọng hát Việt” đang nổi thì cũng vẫn còn ối người điềm tĩnh bảo “đường dài mới hay sức ngựa”…


Vấn đề ở đây là cuộc sống, cách tiếp cận truyền thông đã thay đổi mà Sao Mai có nhiều thay đổi sau 10 năm, vẫn “lưỡng lự nhị nguyên”, vừa muốn cái này lại vừa phải chu toàn cái nọ, như đề thi đại học khối C môn Văn năm nay, muốn thành tựu mà vẫn ham… thành tích.

Thế nên mới có chuyện giải nhất Sao Mai Thuý Trang, được đặc cách mà chỉ qua vòng gửi xe (từ “top 12” đến “top 6”) là… ra về. Một giọng hát đẹp, với ngoại hình sáng như Huy Quyết, phải ngậm ngùi chầu rìa “top 6”. Khi Youtube và Internet đã mang âm nhạc đến tận giường ngủ của thế hệ 9x mà SMĐH vẫn đi giải thích cặn kẽ từng dòng nhạc từ R&B đến Rock… ở mỗi đêm thi.

Nước đôi

Chuyện BTC muốn cuộc thi gần khán giả hơn, nâng cao tính giải trí hơn, để khán giả nắm 4 phiếu, còn hội đồng nghệ thuật chỉ có 2 phiếu, thoạt nghe có vẻ BTC đã lái SMĐH gần thị trường hơn nhưng tính “nước đôi” lại là ở đây.

Vậy thì, màu sắc, điểm riêng, điểm khác biệt của cuộc thi này so với những cuộc thi khác (như Vietnam Idol đến phút chót ban giám khảo mới có quyền ra tay lựa chọn, The Voice là ganh đua và tương tác) là ở đâu?

Thật khó có thể vừa muốn chiều theo thị hiếu đám đông vừa khẳng định chắc nịch thí sinh ở chung kết Sao Mai mới đáng được coi là “ca sĩ”. Và vì thế, cuộc thi cất công mời được nhạc sĩ Đỗ Bảo là giám đốc âm nhạc, NSUT Thanh Lam hướng dẫn thanh nhạc, nhưng điều đó chưa đủ để ngôi “Sao Mai” trở nên rõ màu, không còn chập chờn độ lấp lánh.

Kết quả thấy rõ ngay ở đội hình khấp khểnh “top 6” của SMĐH hiện tại. Đội bóng đá nam với các ca sĩ Việt Anh, Thanh Tâm, Đông Hùng, Trung Quân, Phú Quý, Hà Anh với phong độ và khả năng ghi bàn cao thấp đã được chứng minh khá rõ qua “hiệp một”.

Tóm lại, SMĐH vừa muốn “vào sân” cạnh tranh, đối đầu với Vietnam Idol hay The Voice đang ầm ầm diễn ra, nhưng lại ngập ngừng, tự cao với truyền thống, phải “riêng một góc trời”. Mà “góc trời” của VTV6 chỉ bằng vài “xen” quảng cáo trên VTV3 – nơi có The Voice và tiếp nối là Vietnam Idol án ngữ.

Chính nhà đài đã đẩy đứa con cưng của mình qua kênh hướng đến đối tượng tuổi teen trong khi vẫn đầu tư sân khấu, ê kíp phụ trợ hoành tráng nhất từ trước đến nay cho nó.

Cũng ngay khi SMĐH công bố diễn ra tại Huế, không ít người đã băn khoăn liệu chương trình muốn ưu ái xứ Huế mộng mơ, trầm mặc hay muốn góp sự kiện cho Năm Du lịch duyên hải Bắc Trung Bộ?

Thực sự, nếu muốn một cuộc thi gánh thêm trách nhiệm ngoài nghệ thuật hay đặt phần “nghe” hơn là “nhìn” (trong khi đã là truyền hình, cần cả “nhìn” lẫn “nghe”) thì chỉ cần cuộc thi Sao Mai – Tiếng hát truyền hình là đủ. Hoặc hướng đến cách của The Voice, với “voice” lên tiếng trước, huấn luyện viên để mắt sau. Còn ở đây, SMĐH chung chiêng ở giữa Sao Mai và Thần tượng Âm nhạc, và cả hai đều thua The Voice ở điểm tương tác hai chiều, thí sinh không còn thụ động, BGK đặt đâu ngồi đấy.

Bởi thế dở ương nên hội đồng nghệ thuật, dù có bạo nói như Tuấn Khanh hay “ăn khách” như Mỹ Tâm năm trước thì năm nay Vietnam Idol vẫn quyết “khai thác lại” Mỹ Tâm theo cách của… Tây cho đỡ uổng. (Nhưng nay Mỹ Tâm lại đang đứng trước áp lực toả sáng của Hồ Ngọc Hà tại The Voice!).

Tương tự thế, các ca sĩ trẻ của SMĐH cũng bị đẩy vào thế hát kiểu “thị trường” như Duy Khánh cũng bị loại mà hát kiểu “trường lớp” như Thuý Trang cũng phải out.

Những cái khó ấy đã bó cuộc thi lại. Và như thế có nghĩa, SMĐH đã hoàn thành sứ mệnh của nó? Có người còn bảo, “dẹp là vừa”!?

Câu trả lời xin để dành cho BTC, cho nhà đài và khán giả - những người vẫn đang no nê với các cuộc thi ca hát dồn dập, dẫu trong thời gian khó.

Danh Anh