- Có làm vài mùa hội diễn nữa thì nền sân khấu nước nhà cũng chưa thể phát triển tịnh tiến kịp theo số huy chương vàng bạc được phát ra ngày càng nhiều cho những người tham gia.


Hội diễn sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc, ngày hội của những người làm sân khấu nước nhà, mấy năm mới mở một lần mà người ta cứ phải nhìn nhau hỏi có thi không, thì vì đâu nên nỗi? Người không tham gia dù vì lý do nào thì không vui đã đành, mà nơi chuẩn bị lên đường thi thố cũng chẳng có nhiều người thực sự hào hứng.

Vở “Nước mắt người điên” của sân khấu Kịch Phú Nhuận, đơn vị tỏ thái độ phân vân khi tham dự hội diễn

Nhìn nhận công bằng, tinh thần đến với hội diễn vẫn còn tràn đầy ở các đơn vị nghệ thuật công lập, và ở những nghệ sĩ mà nếu dấn thêm một hai huy chương nữa thì tới gần hơn chuẩn để xét danh hiệu NSƯT, NSND, hoặc một hai giải vàng, bạc nữa thì được lên chức chẳng hạn.

Nhưng cũng nói cho sòng phẳng, những ai đến với hội diễn trong tâm thế của người đi tìm huy chương, thì cũng đừng mong họ nhiệt tình “giao lưu, học hỏi” như ban tổ chức hội diễn mùa nào cũng hô hào.

Học hỏi gì khi các nhà hát công lập vẫn còn nhìn sân khấu xã hội hóa với nửa ánh mắt “chúng nó” toàn làm những vở câu khách, thị hiếu bình dân. Giao lưu gì khi đơn vị tư nhân liếc sang sân khấu nhà nước mà rằng các vị ấy ôm cái đền thiêng dùng tiền ngân sách rồi dựng những vở chẳng mấy ai xem.

Các mùa hội diễn trước còn có tọa đàm, tranh luận, tuy chân lý chưa tìm đến nhưng cũng vỡ vạc được nhiều điều cho thực tế làm nghề. Còn những ngày hội diễn ở Huế năm nay, các đoàn tư nhân tuyên bố cận ngày diễn mới đến, thi xong về ngay, để tiết kiệm chi phí, thì ai học, học ai?

Những người đi kiếm huy chương không đáng trách, mỗi người một con đường, giành huy chương để đến đích danh vọng cũng là lựa chọn đáng hãnh diện. Hơn nữa, trông có vẻ dễ dàng, nhưng để có được cái vật thể quyến rũ lấp lánh đeo trên cổ, nghệ sĩ phải đổ mồ hôi trên sàn tập, sàn diễn, chứ không phải tự nhiên huy chương rơi vào đầu.

Những ai dùng sân khấu như một loại hình dịch vụ thu tiền, cũng không thể chê. Tổ nghề sân khấu vẫn được kính trọng, hương khói đều đặn, nhưng là ở hậu đài, còn phía trước sàn diễn, nghệ sĩ vẫn phải mua vui cho khán giả được càng nhiều nhịp trống canh càng tốt.

Sân khấu 5B Võ Văn Tần mang đến hội diễn vở "Đôi bờ"

Cái khó xử nằm ở chỗ người ta phải xếp những con người có mục tiêu khác nhau đi trên cùng một con đường. Đi nhặt huy chương với đi kiếm tiền, đi vào đền thiêng và bước ra ngoài đời sống, rõ ràng là đi mãi đến mãn kiếp cũng chẳng bao giờ gặp được nhau. Hai tuần ở hội diễn, là chạm mặt nhau đấy nhưng chắc gì đã gần nhau về tư duy, lý tưởng nghề nghiệp.

Nhưng họ còn phải đi chung dài dài, vì Nhà nước vẫn duy trì việc tổ chức hội diễn, cùng lắm là chuyển thành liên hoan với mưa huy chương giảm từ mức mưa đá xuống mưa rào. Bởi nếu giả dụ hội diễn hay liên hoan không phát huy chương, các đoàn chỉ đến diễn vui vẻ hội hè rồi về, thì chắc chẳng ai buồn tham gia. Đoàn tư nhân sẽ nói không có tiền, thời gian để đi, còn đoàn công lập có thể bỏ nhỏ rằng chẳng có huy chương thì đến làm gì.

Cuối tuần này (ngày 14/7) hội diễn sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc khai mạc với những hân hoan quen thuộc. Việc các đoàn kịch Nhà nước bị cơ quan quản lý dọa sẽ xử lý nếu bỏ về sớm mà không ở lại giao lưu học hỏi, hay các đơn vị xã hội hóa bị nắn gân rằng không được đòi hỏi nâng tiền hỗ trợ, sẽ bị khỏa lấp trong những ngày bận rộn trên đường đua đến bục nhận huy chương.

Hai tuần hội diễn nằm trong một năm bận rộn của sàn diễn tư nhân hay nhàn hạ của sân khấu Nhà nước, rồi cũng qua nhanh. Ai về thánh đường, ai ra gió bụi thì lại vẫn tiếp tục con đường của mình.

Chỉ có nhà quản lý mới phải nhức đầu nghĩ tới việc lần hội diễn sau tổ chức ở địa phương nào, trao bao nhiêu huy chương, có tọa đàm hay không, hỗ trợ các đoàn bao nhiêu tiền... Dù ai cũng hiểu rằng, có làm vài mùa hội diễn nữa thì nền sân khấu nước nhà cũng chưa thể phát triển tịnh tiến kịp theo số huy chương vàng bạc được phát ra ngày càng nhiều cho những người trong nghề.

Võ Tiến